Banner trang chủ

Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng: 15 năm bảo tồn và phát huy giá trị di sản

29/06/2018

     Vườn quốc gia (VQG) Phong Nha - Kẻ Bàng là Di sản thiên nhiên mà tạo hóa đã ban tặng cho Quảng Bình. Nơi đây chứa đựng nhiều cảnh quan hùng vỹ, sự đa dạng của hệ động, thực vật cũng như các bằng chứng về quá trình kiến tạo, phát triển của thạch quyển qua hàng trăm triệu năm. Trải qua chặng đường 15 năm kể từ khi được công nhận vào năm 2003 đến nay, công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản luôn được quan tâm, hạn chế hành vi xâm hại rừng, tài nguyên rừng dần cải thiện, nghiên cứu khoa học và bảo tồn được nâng cao về chất lượng, các giá trị ngoại hạng và tính toàn vẹn của Phong Nha - Kẻ Bàng được gìn giữ, tôn vinh. Phong Nha - Kẻ Bàng thực sự đã trở thành một trong những điểm du lịch nổi tiếng trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới.

 

Hệ thống hang động Phong Nha - Kẻ Bàng có giá trị hàng đầu thế giới vì giữ được nguyên vẹn các giá trị về địa chất, địa mạo

 

     Phát huy hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng

     Nhận thức tầm quan trọng của công tác bảo vệ rừng đối với sự tồn tại của cảnh quan, hệ sinh thái, Ban Quản lý (BQL) VQG đã tích cực chỉ đạo xây dựng kế hoạch tuyên truyền với nhiều hình thức. VQG đã thành lập 43 tổ phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR), 18 tổ xung kích ở các thôn/bản, 21 nhóm bảo tồn thôn/bản trên địa bàn 9 xã vùng đệm; ký hợp đồng bảo vệ rừng với 28 tổ bảo vệ rừng thôn/bản, 1 tổ bảo vệ rừng Đồn biên phòng và 51 cá nhân chuyên trách. Hiện có 11 trạm và 2 tổ kiểm lâm cơ động chốt chặn tại các điểm trọng yếu trên địa bàn VQG, những năm qua, đã tổ chức 10.693 đợt tuần tra bảo vệ rừng, phá hủy 221 lán trại, tháo dỡ 32.875 sợi dây bẫy, đẩy đuổi 2.056 lượt người vào rừng trái phép; đồng thời, lập hồ sơ và ra quyết định xử lý 2.358 vụ vi phạm. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và xử lý tài sản tịch thu vào công quỹ Nhà nước gần 6,57 tỷ đồng. VQG Phong Nha - Kẻ Bàng cũng đã thực hiện 489 đợt tuyên truyền thôn/bản với hơn 17.155 lượt người tham gia; tổ chức 25 đợt diễn giải môi trường cho học sinh, sinh viên, đoàn thanh niên các xã vùng đệm; phát hành 45.130 tờ rơi và ấn phẩm tuyên truyền, 6.000 cuốn vở học sinh,  150 pano tại 10 xã vùng đệm; vận động giao nộp 81 khẩu súng quân dụng và súng tự chế...

     Nhờ làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, tuyên truyền vận động người dân vùng đệm nên tài nguyên rừng tại VQG được bảo vệ tốt, ĐDSH ngày càng cao, áp lực của người dân lên tài nguyên rừng đã giảm đáng kể.

     Nghiên cứu khoa học và bảo tồn giá trị Di sản

     Từ khi được công nhận Di sản thiên nhiên thế giới, VQG Phong Nha - Kẻ Bàng ngày càng nhận được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Nhiều chương trình nghiên cứu, dự án đầu tư của các tổ chức trong nước và quốc tế đã được triển khai thực hiện như: hợp tác với Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quảng Bình, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Dược liệu, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam. Qua đó, thực hiện thành công gần 20 chương trình/dự án quốc tế trên nhiều lĩnh vực gồm: bảo tồn Di sản, thiên nhiên, giáo dục môi trường, phát triển cộng đồng và du lịch sinh thái. Mặt khác, VQG còn tham gia 14 kỳ họp thường niên của Ủy ban Di sản thế giới,10 diễn đàn quốc tế, cùng nhiều hội nghị, hội thảo, khóa đào tạo, tập huấn, tham quan học tập kinh nghiệm ở nước ngoài về bảo tồn di sản. Bên cạnh đó, VQG cũng chủ động hợp tác bảo tồn liên biên giới với KBT ĐDSH quốc gia Hinamno - Lào trên cơ sở thỏa thuận đã ký kết giữa hai tỉnh Quảng Bình và Khăm Muộn; kết nghĩa với Hiệp hội Du lịch Augusta Margaret River, Tây Úc; hợp tác với tổ chức FFI, Vườn thú Cologne, Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh, UNESCO…

     Trong 15 năm qua, VQG Phong Nha - Kẻ Bàng đã chủ trì và tham gia thực hiện 1 đề tài khoa học cấp bộ, 8 đề tài/nhiệm vụ khoa học cấp tỉnh, 3 nghiên cứu cấp cơ sở; đạt 2 giải sáng tạo khoa học kỹ thuật; xuất bản 2 ấn phẩm sách; gần 50 bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành trong nước và quốc tế. Trong đó có nhiều đề tài được ứng dụng rộng rãi như: đề xuất giải pháp quan trắc và xử lý các tác động lên hang động du lịch, giám sát diễn biến rừng qua hệ thống GIS (Hệ thống thông tin và địa lý) và RS (Viễn thám); quản lý nền tảng dữ liệu trên các phần mềm chuyên dụng, ứng dụng giải pháp phòng ngừa diệt trừ các loài xâm hại; sử dụng công cụ METT để đánh giá mức độ cải thiện hiệu quả quản lý.

     Theo kết quả nghiên cứu về ĐDSH, thời gian qua, VQG đã thực hiện điều tra tương đối cơ bản về khu hệ thú, cá, chim, bò sát, ếch nhái, côn trùng và động vật không xương sống trong hang động. Về động vật, có 1.394 loài động vật thuộc 835 giống, 289 họ, 66 bộ, 12 lớp, 4 ngành (trong đó, có 83 loài được ghi trong sách Đỏ Việt Nam, 110 loài được ghi trong sách Đỏ IUCN, 68 loài có tên trong Nghị định số 32-2006/NĐ-CP, 55 loài có tên trong các phụ lục CITES). Hệ thực vật tại VQG Phong Nha - Kẻ Bàng cũng rất đa dạng với 2.951 loài thuộc 1.006 chi, 198 họ, 62 bộ, 11 lớp, 6 ngành (trong đó, 112 loài được ghi trong sách Đỏ Việt Nam, 121 loài được ghi trong sách Đỏ IUCN, 39 loài có tên trong Nghị định số 32-2006/NĐ-CP, 1 loài có tên trong các phụ lục CITES). Bên cạnh đó, quần thể Bách xanh đá - loài thực vật cổ và đặc hữu của Việt Nam và Chuột Trường Sơn - đại diện sống duy nhất của họ thú cổ Diatomyidae được xem là đã tuyệt chủng cách đây 11 triệu năm đã được phát hiện ở VQG. Đặc biệt, từ khi thành lập cho đến nay, VQG Phong Nha - Kẻ Bàng đã ghi nhận và công bố trên toàn thế giới 42 loài mới cho khoa học (38 loài động vật và 4 loài thực vật). Nhằm tiếp tục bảo tồn các nguồn gen quý hiếm, BQL VQG đã triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều chương trình nhân giống loài cây bản có giá trị bảo tồn và kinh tế cao; cứu hộ trên 1.197 cá thể động vật hoang dã, chuyển và thả về môi trường tự nhiên 802 cá thể (tỷ lệ cứu hộ thành công đạt trên 92%).

     Về địa chất địa mạo, VQG Phong Nha - Kẻ Bàng là nơi hiện diện những dấu ấn đậm nét của lịch sử phát triển địa chất lâu dài từ hơn 400 triệu năm về trước, với hệ thống hang động Phong Nha - Kẻ Bàng có giá trị hàng đầu thế giới vẫn giữ được nguyên vẹn giá trị về địa chất - địa mạo. Đặc biệt, việc phát hiện và khám phá Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới, có ý nghĩa quan trọng trong nghiên cứu thám hiểm hang động ở khu vực, bổ sung thêm giá trị nổi bật toàn cầu về lịch sử hình thành vỏ Trái đất và đặc điểm địa chất quan trọng của Phong Nha - Kẻ Bàng, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam nói chung, Quảng Bình và Phong Nha - Kẻ Bàng nói riêng trên khắp thế giới.

 

VQG Phong Nha - Kẻ Bàng là nơi cư trú của nhiều loài động, thực vật quý hiếm

 

     Bên cạnh đó, VQG Phong Nha - Kẻ Bàng đã chủ động nghiên cứu đưa ra các ứng dụng trong quản lý và giám sát tài nguyên dựa trên GIS, RS. Hiện nay, BQL VQG đã hoàn chỉnh các lớp chuyên đề bản đồ số như thảm, động, thực vật, thủy văn, văn hóa - xã hội, các loài nguy cấp, các loài xâm hại, nhiệt và mưa, địa chất, địa hình. Đồng thời, tiếp tục xây dựng các công cụ tra cứu loài, giám sát tài nguyên.

     Những phát hiện trên đây đã góp phần quan trọng vào việc tôn vinh giá trị của Di sản thiên nhiên thế giới VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, nhất là các giá trị về ĐDSH, tiêu chí quan trọng để UNESCO công nhận VQG Phong Nha - Kẻ Bàng là Di sản thiên nhiên thế giới lần thứ hai vào năm 2015. Qua đó, từng bước khẳng định vai trò và vị trí trong việc phát huy giá trị của Di sản, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển KT- XH của địa phương và khu vực.

     Phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị cảnh quan

     Việc công nhận Di sản thiên nhiên thế giới đã mở ra cho Quảng Bình xu thế phát triển theo hướng dịch vụ và Phong Nha - Kẻ Bàng là cầu nối để gắn kết Việt Nam với thế giới.

     Theo đó, BQL VQG đã từng bước đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, từ chỗ chỉ có một điểm tham quan là động Phong Nha - Tiên Sơn, đến nay, Phong Nha - Kẻ Bàng có 15 tuyến, điểm du lịch đi vào hoạt động như: Du lịch sinh thái suối Nước Moọc, sông Chày - hang Tối, hang Va - hang Nước Nứt, động Thiên Đường, Rào Thương - Hang Én... Đặc biệt, tuyến du lịch “Chinh phục Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới” được đánh giá là một trong những tour du lịch mang đẳng cấp quốc tế. Ước tính, tổng lượng khách đến tham quan Di sản trong 15 năm đạt hơn 6.636.954 lượt khách (trong đó, khách quốc tế là 578.911 lượt); doanh thu từ phí và lệ phí của các đơn vị khai thác du lịch đạt trên 730 tỷ đồng.

     Du lịch ở VQG không chỉ đóng góp cho phát triển kinh tế khu vực mà còn là giải pháp hữu hiệu nhằmbảo tồn di sản, giảm áp lực lên tài nguyên thông qua tạo việc làm cho người dân. Hơn 3.000 người dân vùng đệm tham gia vào hoạt động dịch vụ như ăn uống, nghỉ ngơi, giải trí, sản xuất hàng lưu niệm, hướng dẫn viên du lịch, porter, đội thuyền phục vụ khách du lịch (hiện có 401 thuyền), nhân viên chụp ảnh (hiện có 275 người).

     Những kết quả đạt được trong 15 năm qua là nền tảng, động lực để tập thể BQL VQG Phong Nha - Kẻ Bàng tiếp tục nâng cao năng lực toàn diện, nhằm bảo tồn các giá trị về  địa chất, địa mạo, sinh thái và ĐDSH, mang lại sinh kế cho người dân, giảm áp lực lên tài nguyên, đồng thời, duy trì các chức năng của hệ sinh thái, để Phong Nha - Kẻ Bàng phát triển bền vững.

 

Hoàng Hải Vân

Phó Giám đốc Ban Quản lý VQG Phong Nha - Kẻ Bàng

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 6/2018)

 

 

 

 

Ý kiến của bạn