Banner trang chủ

Chuyện những cựu chiến binh giữ rừng

31/03/2016

   Rừng Chiến khu Đ có diện tích hơn 512 ha, một phần của Tiểu khu 379, thuộc xã Tân Hòa, huyện Đồng Phú (Bình Phước). Cách trung tâm thị xã Đồng Xoài chưa tới 30 km, rừng Chiến khu Đ còn giữ được nét nguyên sinh, những trảng bằng lăng, chò, trường, dầu, lim… cây cao hàng chục m. Khu rừng còn có những cây kơ nia hàng trăm năm tuổi, nhiều cây to thân mấy người ôm. Nơi đây còn lưu giữ những dấu ấn của cuộc kháng chiến chống Mỹ khốc liệt như hầm, hào, chỗ ở, làm việc của Trung ương Cục miền Đông Nam bộ; Nhà hầm Bệnh xá Cục II miền Đông từ những năm 1946. Để giữ được màu xanh cho rừng Chiến khu Đ, nhiều Cựu chiến binh (CCB) lại tiếp tục đổ máu…

   Theo chân CCB Phạm Công Trường, Giám đốc Công ty TNHH B58 và CCB Nguyễn Thị Hồng Tươi, Phó Giám đốc Công ty. Hai vợ chồng anh chị nhận 512 ha rừng tự nhiên từ Ban liên lạc Khối Tình báo B58 (thuộc Hội CCB TP. Hồ Chí Minh). Ngày 16/11/2009, anh chị thành lập và lấy tên Công ty TNHH Sản xuất-Thương mại-Dịch vụ (SXTMDV) B58. Suốt những năm sau đó, anh chị tập trung cho việc quản lý, tôn tạo, bảo vệ rừng. Gần 20 năm bám trụ, anh Trường, chị Tươi cùng 25 CCB quyết chí bảo vệ khu rừng căn cứ kháng chiến cách mạng Chiến khu Đ

Rừng Chiến khu Đ

   Khác với tỉnh Đồng Nai, lượng rừng còn lại ở tỉnh Bình Phước ngày càng cạn kiệt. Những trảng rừng nguyên sinh đã nhường chỗ thay thế cho những rừng cao su bạt ngàn, nguyên nhân do nhiều cán bộ địa phương lấn chiếm đất rừng để trồng cao su nên khu rừng Chiến khu Đ như một cù lao lớn hay nói cách khác giống như “Ốc đảo”. Bởi xung quanh bao bọc cao su, nay đã qua mấy mùa cạo mủ. Để chống xâm lấn đất rừng và phòng cháy rừng, Công ty SXTMDV B58 đã móc đường ranh chặn lại. Vậy mà móc ranh tới đâu, họ “xâm canh” song song đến đó.

   Vào khu rừng chúng tôi như chìm vào không gian của một Trường Sơn hùng vỹ. Những thân cây nhiều người ôm không xuể, đủ các loại gỗ quý hiếm như lim, bằng lăng, chò, trường, dầu cao vút. Tiếng chim hót hòa tiếng suối róc rách gợi nhớ lại những năm tháng “Xẻ dọc Trường Sơn đi đánh Mỹ…”. Càng vào sâu, rừng âm u xanh sẫm, cây, dây rừng, cả những cụm dây mây chằng chịt liên kết nhau dày đặc. Đang mùa khô nên rừng Chiến khu Đ không có một con vắt và muỗi. Từ ngoài vào càng thấy thảm thực vật tự nhiên được bảo tồn, sinh trưởng tốt.

   Ngoài các loài động vật như nhím, kỳ đà, heo rừng, cheo, khỉ, rừng Chiến khu Đ còn có trâu, bò rừng, đây là nhóm động vật quý từ cánh rừng bên Đồng Nai qua, anh Trường cho biết. Để giữ khu rừng an toàn, lãnh đạo Công ty đã thành lập đội bảo vệ gồm 25 CCB và một số quân nhân xuất ngũ, chia ra 5 chốt, anh Trần Văn Hòa làm Trưởng phòng bảo vệ. Các chốt trưởng là đảng viên, có người nguyên là bí thư Đảng ủy xã. CCB Nguyễn Văn Đoán, Chốt trưởng chốt 2 kể lại “Đã nhiều lần bọn lâm tặc vào đốn cây, chúng làm nhẹ nhàng, ít nghe tiếng động. Tất cả sử dụng bằng cưa tay và búa bén. Lực lượng bảo vệ phát hiện, truy đuổi. Có lần kẻ xấu dùng tiền mua chuộc anh em bảo vệ để cho chúng khai thác. Nhưng chúng đều thất bại. Có cây dầu bị gió lốc bật gốc, chúng nói nếu đồng ý, cây dầu này sẽ trả giá mấy chục triệu đồng. Chúng tôi nhất quyết từ chối, kiên quyết đuổi ra khỏi rừng”. Còn anh Phạm Văn Trí, nhân viên bảo vệ có vợ cùng làm việc tại Công ty, mới có con nhỏ đang ở tạm chốt bảo vệ kể lại: “Em làm bảo vệ gần chục năm nay, nhiều lần phát hiện lâm tặc vào phá rừng. Năm trước, chúng lẻn vào khoảnh 8, cưa đổ cây lim cao gần 20 m, đường kính 0,6 m. Em phát hiện đuổi theo, chúng chống cự lại chạy thoát. Hiện cây lim vẫn còn nằm đó”.

   Các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Phước đã tổ chức nhiều cuộc kiểm tra đều đánh giá Công ty TNHH SXTMDV B58 giữ rừng tốt. Kết quả là đến nay khu rừng Chiến khu Đ còn nguyên vẹn hàng trăm cây cổ thụ, trong đó có 54 cây cổ thụ thuộc 13 loài gỗ quý hiếm được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là Quần thể cây di sản.

   Những CCB giữ rừng Chiến khu Đ còn khó khăn, thiếu thốn. Họ làm việc tự nguyện đóng góp sức mình, không có phụ cấp hỗ trợ của Nhà nước. Gia đình anh Trường, chị Tươi đã bỏ ra hàng chục tỷ đồng để giữ và tôn tạo cảnh quan khu di tích lịch sử tầm cỡ Quốc gia. Mặc dù trong hợp đồng khi nhận bàn giao, Công ty thừa hưởng khoanh nuôi, sản xuất điều ứng trong diện tích 100 ha vùng rừng tái sinh trước đây bị lâm tặc tàn phá.

Phó Giám đốc Công ty B58 Nguyễn Thị Hồng Tươi giới thiệu hầm Bệnh xá Cục II miền Đông Nam bộ từ năm 1946

   Nhờ sự tác động hỗ trợ nhiệt tình từ Hội CCB tỉnh Bình Phước, Công ty TNHH SXTMDV B58 được Thanh tra Chính phủ quyết định cho phép tôn tạo, bảo vệ và phát triển du lịch sinh thái rừng căn cứ cách mạng Chiến khu Đ. Như vậy, Công ty sẽ đầu tư xây dựng các hạng mục như nhà tưởng niệm, dựng bia ghi tên các liệt sỹ đã anh dũng hy sinh trên vùng đất này. Thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, kết hợp giữa du lịch sinh thái và văn hóa tâm linh… Làm đường, làm thủ tục xin thu gom các cây đổ, củi mục gãy để cây con sinh trưởng phát triển. Đây sẽ là điểm đến mang tính nhân văn, ý nghĩa, mang màu sắc văn hóa dân tộc, cội nguồn, biểu hiện tình Đất và Người “miền Đông gian lao anh dũng” và vùng “Chiến khu xưa” trên quê hương Bình Phướcn

                Duy Hiến

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 2/2016)

Ý kiến của bạn