Banner trang chủ

Công tác bảo tồn và phát triển loài voọc mũi hếch ở Khau Ca

03/01/2018

   Hà Giang có 6 khu rừng đặc dụng, khu bảo tồn (KBT) loài và sinh cảnh, trong đó có KBT loài và sinh cảnh voọc mũi hếch (VMH) Khau Ca, với diện tích gần 2.025 ha, là khu vực có vị trí đặc biệt quan trọng trong công tác bảo tồn quần thể VMH - loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng cần bảo vệ khẩn cấp.

VMH ở Khau Ca đang có nguy cơ bị tuyệt chủng do nạn săn bắn và mất môi trường sống

   VMH thuộc Họ Khỉ, là một trong 4 loài linh trưởng đặc hữu của Việt Nam, nằm trong danh sách 25 loài linh trưởng đang bị đe dọa tuyệt chủng cao nhất thế giới, được xếp vào mức đe dọa "rất nguy cấp - CR" trong Sách đỏ Việt Nam (2007), Danh sách các loài cần được bảo vệ của ngành Lâm nghiệp (Phụ lục IB Nghị định 32/2006/NĐ-CP ngày 22/4/2002 của Chính Phủ) và Danh lục Sách đỏ IUCN (2013) của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế. Mặc dù pháp luật Việt Nam và thế giới đã quy định nghiêm ngặt, chúng vẫn bị săn bắn khiến số lượng ngày càng giảm. Ước tính, chỉ còn khoảng 110 con VMH trong tự nhiên.

    VMH có đặc điểm lông đen, cánh tay, đùi, mặt và đầu có màu trắng kem, cổ họng có mảng lông màu da cam... Trước năm 1990, VMH bị coi là tuyệt chủng. Từ năm 1992 - 2002, các nhà sinh học đã phát hiện một số quần thể VMH ở Na Hang, Chạm Chu (Tuyên Quang) và Bắc Cạn. Đặc biệt, tháng 1/2002, một quần thể VMH với số lượng khoảng 80 - 90 con đã được phát hiện tại khu vực rừng Khau Ca (Hà Giang), đem đến hy vọng mới cho sự hồi sinh của loài.

   Xuất phát từ yêu cầu phải bảo vệ loài linh trưởng quý hiếm và kết quả nghiên cứu cụ thể về điều kiện sinh sống, khả năng phát triển của loài trên địa bàn Hà Giang, năm 2009, với sự hỗ trợ của Tổ chức Bảo tồn động, thực vật hoang dã quốc tế (FFI), KBT loài và sinh cảnh VMH Khau Ca được thành lập, nằm trên địa bàn các xã: Tùng Bá (huyện Vị Xuyên); xã Minh Sơn, Yên Định (huyện Bắc Mê). KBT có hệ sinh thái đa dạng gồm 540 loài động, thực vật, trong đó có đến 32 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam. Việc thành lập KBT sẽ giúp cho việc nghiên cứu, điều tra một cách hệ thống, đầy đủ về VMH và từ đó có thể đưa ra các mức độ can thiệp cần thiết nhằm mở rộng môi trường sống cho loài.

   Khi phát hiện quần thể VMH tại Hà Giang, FFI đã phối hợp với UBND tỉnh Hà Giang và Chi cục Kiểm lâm tỉnh triển khai dự án bảo tồn VMH. Dự án đã ghi nhận sự xuất hiện của những cá thể VMH mới, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức của người dân đối với việc bảo vệ các loài động vật quý hiếm.

   Đến nay, được sự quan tâm giúp đỡ của chương trình FFI, Ban quản lý KBT loài và sinh cảnh VMH Khau Ca phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân sinh sống trong khu vực thực hiện tốt các Chương trình hỗ trợ sinh kế và phát triển rừng; Bảo vệ quần thể VMH; Ban hành các quy định xác định rõ trách nhiệm của các bên liên quan và đưa ra cam kết về quản lý KBT như: Quy hoạch chi tiết KBT, xác định và quản lý ranh giới, nghiên cứu ĐDSH, thực thi pháp luật, phát triển cộng đồng, nâng cao nhận thức trong cộng đồng, quản lý tài nguyên thiên nhiên, phát triển vùng đệm, ứng phó với biến đổi khí hậu.

   Nhờ nỗ lực của các ngành chức năng, những năm qua, các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ khu vực sinh cảnh của VMH đã giảm đáng kể, không còn hoạt động săn bắt, sử dụng và buôn bán động vật rừng. Các nhà khoa học và người dân cũng đã phát hiện thêm một số cá thể VMH đang trưởng thành và voọc non ở những đàn VMH tại các khu rừng thuộc KBT loài và sinh cảnh VMH Khau Ca. Tuy nhiên, việc bảo tồn quần thể VMH gặp nhiều khó khăn bởi KBT loài và sinh cảnh Khau Ca có diện tích nhỏ, không thể đảm bảo cho quần thể tồn tại và phát triển lâu dài. Nằm liền kề với KBT loài và sinh cảnh Khau Ca là KBTTN Du Già có diện tích 11.795 ha, với một phần diện tích rừng thường xanh trên núi đá vôi là sinh cảnh thích hợp cho VMH. Mặc dù, các khảo sát chưa ghi nhận sự hiện diện của VMH ở KBTTN Du Già, nhưng do 2 khu bảo tồn nằm liền kề nhau nên sự kết nối sinh cảnh giữa 2 KBT có thể thực hiện được. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong việc duy trì và phát triển lâu dài quần thể VMH ở Khau Ca.

Lực lượng kiểm lâm và các nhà khoa học trong chuyến tuần tra, khảo sát đa dạng sinh học ở KBT loài và sinh cảnh Khau Ca tháng 10/2016

   Ngoài ra, để VMH tiếp tục được bảo tồn và sinh trưởng, UBND tỉnh Hà Giang và FFI cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống quanh vùng và trong KBT để bảo vệ loài VMH. Sự đồng thuận giữa Ban quản lý KBT loài và sinh cảnh Khau Ca cùng cộng đồng dân cư địa phương là bước tiến quan trọng trong quá trình xã hội hóa công tác bảo vệ các khu rừng đặc dụng của tỉnh, góp phần tạo môi trường sống bền vững cho quần thể VMH

                Phương Lê

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 12/2017

Ý kiến của bạn