Banner trang chủ

Bảo vệ giữ gìn môi trường Di tích làng cổ Đường Lâm

02/02/2018

   Làng cổ ở Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) là điểm đến hấp dẫn nhiều du khách trong và ngoài nước, là 1 trong 6 điểm du lịch quan trọng được đề cập trong Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 26/6/2016 của Thành ủy Hà Nội về phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo. Bởi vậy, bảo vệ, giữ gìn môi trường Di tích làng cổ Đường Lâm được xác định là nhiệm vụ hàng đầu của TP. Hà Nội.

Làng cổ Đường Lâm vẫn giữ nguyên đặc trưng của một ngôi làng đồng bằng Bắc bộ 

   Nói đến Đường Lâm là nói đến thương hiệu làng cổ đá ong tiêu biểu nhất - đại diện cho nền văn minh nông nghiệp lúa nước ở vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng với các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể quý giá được lưu giữ tại hơn 1.000 ngôi nhà. Đây là kết quả khẳng định sự lao động, gìn giữ của biết bao thế hệ người dân làng cổ. Làng cổ Đường Lâm hiện còn lưu giữ các loại hình di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng như đình Mông Phụ, Chùa Mía, đền thờ Phùng Hưng, lăng Ngô Quyền…, các loại văn bia, tư liệu Hán Nôm, thư tịch cổ, sắc phong, các lễ hội truyền thống, văn hóa ẩm thực... đặc trưng của đồng bằng Bắc bộ. Đây cũng là mảnh đất địa linh nhân kiệt, nơi sản sinh ra nhiều vị anh hùng, danh nhân, khoa bảng, những người hiền tài như: bà Man Thiện (thân mẫu sinh ra nữ tướng Hai Bà Trưng), Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, Tiền Ngô Vương - Ngô Quyền, Bà Chúa Mía Nguyễn Thị Ngọc Dong, Sứ thần Thám Hoa Giang Văn Minh…

   Kể từ khi làng cổ Đường Lâm được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật Nhà nước cấp quốc gia đến nay (28/11/2005), song song với công tác quản lý, bảo tồn, Ban Quản lý Di tích làng cổ Đường Lâm từng bước quảng bá, thu hút khách du lịch đến tham quan tìm hiểu. Nhờ đó, lượng khách du lịch tăng từ 1.000 du khách (năm 2008) lên 14 vạn du khách (năm 2016).

   Tuy nhiên, sự tăng trưởng của lượng du khách đến tham quan, tìm hiểu cũng tạo ra những tác động đến cuộc sống, môi trường, cảnh quan của Di tích và địa phương. Những năm qua, với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, ý thức tự giác, chủ động của người dân và du khách nên công tác giữ gìn vệ sinh, BVMT đã đạt được những kết quả cơ bản. Các hộ dân trong làng đã nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của việc bảo vệ, giữ gìn môi trường; tự giác vệ sinh nơi ở, đường làng, ngõ xóm, điểm công cộng. Công tác thông tin tuyên truyền về BVMT nhằm nâng cao nhận thức và hành động của nhân dân, du khách cũng luôn được đẩy mạnh. Hàng ngày, các hộ dân tự giác đổ rác đúng nơi, đúng khung giờ quy định và được tổ, đội thu gom rác vận chuyển đến nơi tập kết. Các hộ kinh doanh, sản xuất, dịch vụ cũng đã chấp hành quy định vệ sinh môi trường. Trong một số thôn không còn xuất hiện các lò mổ, chế biến sản phẩm từ gia súc, gia cầm, hay nước thải từ hoạt động sản xuất của các cơ sở sản xuất, kinh doanh ảnh hưởng đến cảnh quan khu Di tích.

   Trong 2 năm trở lại đây, môi trường tại khu Di tích đã nổi lên một số vấn đề đáng báo động, tình trạng nước thải sinh hoạt, chăn nuôi gia súc, gia cầm từ các ngõ xóm; tiếng ồn, bụi từ các xe ô tô du lịch (4 - 16 chỗ) đi vào trung tâm làng quá nhiều; bãi đỗ xe khu vực tham quan chùa Mía những ngày lễ, Tết, dịp đầu năm thường quá tải do người dân kinh doanh; nhiều hộ dân đã tự phát kinh doanh gây mất mỹ quan, phản cảm. Bên cạnh đó, các hồ, ao bị ô nhiễm nghiêm trọng, một số ao bị bỏ khô, cây hoang mọc, hoặc người dân tận dụng diện tích đó để trồng rau. Một số ao trở thành chỗ đổ rác thải, phế thải vật liệu. Công tác trồng bổ sung cây xanh dọc đường làng, hay các ngõ còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu…

Đường Lâm là làng cổ đầu tiên của Việt Nam được Nhà nước phong tặng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia

   Để cải thiện môi trường trong khu Di tích làng cổ Đường Lâm, góp phần tôn vinh vẻ đẹp, giá trị các di tích, thu hút đông đảo du khách đến tham quan trải nghiệm và đảm bảo môi trường xanh - sạch - đẹp, cần thực hiện một số giải pháp sau: Cải tạo các ao, hồ, thay nguồn nước mới; một số hồ có thể thả hoa sen như cổng làng Đông Sàng, Cam Thịnh, ao cá Bác Hồ (thôn Mông Phụ); trồng một số cây xanh quanh hồ tạo bóng mát (cây đảm bảo bốn mùa xanh lá, có hoa theo mùa); vận động nhân dân tự giác đóng góp kinh phí để đổ các nắp bê tông tại các rãnh nước (2 bên đường); bảo vệ, duy trì các thùng rác nơi công cộng; xây dựng các bảng thông tin tuyên truyền cho nhân dân và khách du lịch; vận hành nhà vệ sinh công cộng tại Di tích đình Phùng Hưng, đền lăng vua Ngô Quyền (giao khoán việc, gắn trách nhiệm cho từng đối tượng cụ thể)…;

   Hạn chế tối đa các loại xe ô tô du lịch đi vào thôn Mông Phụ, các chủ phương tiện cần chấp hành đỗ xe ở khu vực cổng làng cổ; không đi xe ô tô tham quan từ chùa Mía ra đình Mông Phụ, hay xe ô tô đỗ, gửi tại khu vực đền Phủ thờ Bà Chúa Mía;

   Khuyến khích du khách đi bộ từ chùa Mía sang làng Mông Phụ, hay từ làng Mông Phụ sang chùa Mía; vận động người dân mùa thu hoạch lúa không phơi tràn lan rơm rạ ra đường, hay đặt máy tuốt lúa gần đường gây tiếng ồn và bụi cho nhân dân, không đốt rơm rạ ban ngày;

   Phát động Tết trồng cây và ký giao ước cụ thể cho từng tổ chức, cá nhân trồng cây xanh, bóng mát phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại Di tích; tổ chức các phong trào thi đua nhân Ngày Môi trường thế giới (5/6), Ngày Di sản văn hóa (23/11), với các chủ đề như: “Đoạn ngõ xanh - sạch - đẹp”; “Nhà cổ sạch - đẹp điểm đến tạo ấn tượng”… kêu gọi du khách tham gia vệ sinh môi trường để tôn vinh các giá trị của Di tích làng cổ;

   Vận động nhân dân thả trâu bò ra đồng đi theo lối riêng, không trùng với đường đi của du khách, các nhà có chuồng nuôi nhốt gia súc, gia cầm cần xây dựng khu cách ly, khử mùi (tốt nhất là có khu chăn nuôi riêng), tham khảo các phương pháp nuôi sinh học mới...;

   Kêu gọi, vận động sự quan tâm, giúp đỡ của các đơn vị, tổ chức, cá nhân để đầu tư vật chất, kinh phí từng bước nâng cấp cơ sở hạ tầng, cải thiện vệ sinh môi trường Di tích; khuyến khích người dân kinh doanh trong sân nhà cổ, hay nhà truyền thống của mình, hạn chế việc mở cửa ra lối đi;

   Thí điểm xây dựng một tuyến đường, hay ngõ xanh - sạch - đẹp để phục vụ khách tham quan chiêm ngưỡng; thiết kế các biển báo giới thiệu điểm tham quan dịch vụ tại Di tích, nhà cổ, hoặc các loại dịch vụ khác cần thống nhất về màu sắc, kích cỡ, sử dụng tối đa chất liệu bằng gỗ truyền thống (không dùng kim loại, màu sặc sỡ)…

   Hy vọng rằng, mỗi khi có dịp đến thăm làng cổ Đường Lâm, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng, cảm nhận các giá trị di sản, văn hóa lịch sử trường tồn quý báu, mà còn có thể cảm nhận được vẻ thanh bình, xanh - sạch - đẹp của một làng quê đặc trưng Bắc bộ.

Nguyễn Trọng An
Ban Quản lý Di tích làng cổ Đường Lâm

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 1/2018

Ý kiến của bạn