Banner trang chủ

Bảo vệ giá trị đa dạng sinh học của Khu bảo tồn thiên nhiên rừng sến Tam Quy

12/07/2017

   Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) rừng sến Tam Quy nằm trên địa bàn 3 xã Hà Lĩnh, Hà Tân, Hà Đông (huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa). Với địa hình núi đồi thấp xen lẫn với các thung lũng nên rừng tự nhiên ở đây dồi dào và phong phú về các loài động, thực vật. Đặc biệt, KBTTN có rừng cây sến thuần loài, quý hiếm, tập trung với diện tích lớn duy nhất có ở Việt Nam. Sự hiện diện của rừng sến nơi đây được nhiều người ví như một “bảo tàng” thiên nhiên về loài sến cần được bảo vệ nghiêm ngặt.

Rừng sến Tam Quy - nơi bảo tồn nguồn gien quý, phục vụ công tác bảo tồn loài và nghiên cứu khoa học

   Để bảo vệ rừng sến, năm 1986, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 194/QĐ về việc thành lập KBTTN rừng sến Tam Quy và xếp vào nhóm khu bảo tồn loài trong hệ thống rừng đặc dụng quốc gia. Năm 2001, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 1766/QĐ-UB phê duyệt Dự án KBTTN rừng sến Tam Quy, với tổng diện tích quy hoạch là 1314 ha, trong đó vùng đệm 795,5 ha; vùng lõi 518,5 ha. Theo các nghiên cứu, KBTTN có các kiểu rừng chính là rừng thường xanh, đất thấp đặc trưng bởi sự ưu thế của loài sến và lim xanh, đây là hai loài đang bị đe dọa trên toàn cầu. Ngoài ra, KBTTN còn các loài cây khác như dẻ, thông nhựa, sở, muồng keo, mỗi loài được phân bố thành từng vùng rừng riêng, cụ thể: rừng sến thuần loài (300 ha); rừng sến, lim (145,5 ha); rừng lim, sến (63,1 ha); rừng lim thuần loài (12,1 ha); rừng sến, dẻ: (9,7 ha); rừng thông nhựa (169,5 ha); rừng sở (5 ha); rừng muồng, keo (34,2 ha); đất trảng cỏ cây bụi (37,4 ha).

   Hiện nay, trong KBTTN đang diễn ra nguy cơ rừng sến thuần loài bị thay thế bởi rừng lim, do cây lim đang chèn ép, cạnh tranh không gian dinh dưỡng với cây sến. Chiều cao của lim khoảng 13 m, sến là 9 m, sến ở tầng thấp và hoàn toàn chịu tán của lim, trong khi đặc tính sinh thái của cây sến trưởng thành là ưa sáng, không chịu bóng, dẫn đến nguy cơ rừng sến bị thay thế bởi rừng lim. Ngoài ra, rừng sến đang bị suy thoái về chất lượng, số lượng nên mật độ thưa dần, tán lá thu hẹp, thân cây cong keo và nhiều cây bị chết. Trước thực trạng trên, Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng khoa học - công nghệ lâm nghiệp (Sở NN&PTNT Thanh Hóa) đã nghiên cứu thực nghiệm một số mô hình, nhằm duy trì, nhân rộng diện tích rừng sến, tạo cho rừng sến sinh trưởng, phát triển bền vững.

   Về hệ động vật, tại KBTTN cũng rất phong phú thành phần loài, với 22 loài thú (chiếm 8,5%); 51 loài chim (chiếm 6,85%) và 59 loài lưỡng cư, bò sát (chiếm 9% số loài ở Việt Nam). Số loài thú nhiều nhất là bộ gặm nhấm (9 loài), tiếp đến là bộ dơi (7 loài), còn lại dao động từ 1- 3 loài. Các loài chim, chiếm ưu thế là bộ sẻ (28 loài), còn lại các loài khác dao động từ 1 - 5 loài, đáng chú ý là 6 họ có từ 1 - 2 loài. Trong các loài thú thống kê được, với 6 loài có giá trị bảo tồn cao, nằm trong Danh lục đỏ IUCN như rái cá, cu li nhỏ, khỉ vàng, cầy hương, sóc cây. Các loài chim có 4 loài diều Ấn Độ, bắt cô trói cột, khướu mỏ dài, cú mèo khoang cổ; các loài lưỡng cư, bò sát có 18 loài có giá trị kinh tế và bảo tồn như ếch cây, rùa hộp trán vàng, rắn lục mép trắng, rắn hổ chúa, kỳ đà hoa…

   Các mối đe dọa chính đối với khu hệ thú, lưỡng cư, bò sát và các loài chim ở KBTTN đó là tình trạng săn bắt và phá hủy sinh cảnh rừng của người dân địa phương để khai thác gỗ. Đây là những nguyên nhân dẫn tới sự suy giảm về số lượng và chất lượng quần thể các loài. Ngoài ra, các loài thú, bò sát, chim săn bắt được có thể dùng để làm thực phẩm cho gia đình, nấu cao, hoặc bán ra thị trường đối với những loài có giá trị kinh tế cao.

   Để đảm bảo an toàn cho diện tích rừng ở KBTTN, Hạt kiểm lâm huyện Hà Trung đã triển khai thực hiện kế hoạch bảo vệ rừng bền vững và phương án phòng cháy, chữa cháy rừng đến từng tổ đội; Tổ chức tuần tra thường xuyên, phát hiện những vụ đột nhập khai thác tài nguyên rừng trái phép của người dân địa phương để kịp thời ngăn chặn.

   Về kế hoạch phòng cháy chữa cháy, do thời điểm này là tháng cao điểm dễ xảy ra cháy, nhất là nơi có nhiều loại cây quý hiếm trong vùng lõi của KBTTN như khu rừng sến, rừng lim xanh và diện tích rừng thông nằm xen kẽ trong các khu dân cư, khu du lịch, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo UBND các xã và Hạt kiểm lâm huyện nghiêm cấm người dân địa phương sử dụng lửa để đốt nương làm rẫy.

Cán bộ Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ lâm nghiệp (Sở NN&PTNT Thanh Hóa) kiểm tra thực địa rừng sến 

   Bên cạnh đó, để tăng cường bảo vệ khu rừng sến thuần loài trong KBTTN, năm 2013, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 2406/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững rừng đặc dụng KBTTN loài sến Tam Quy đến năm 2020. Quy hoạch đề ra mục tiêu, quản lý, bảo vệ, bảo tồn và phát triển bền vững khu rừng sến thuần loài gắn với việc sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn nguồn gen, bảo vệ cảnh quan và môi trường; làm cơ sở cho việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng rừng đặc dụng; huy động sự tham gia rộng rãi của cộng đồng, các tổ chức trong và ngoài nước vào hoạt động bảo tồn và phát triển bền vững. Triển khai Quy hoạch, Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng khoa học - công nghệ lâm nghiệp thực hiện Đề tài Nghiên cứu giải pháp bảo tồn nguồn sến mật tại Tam Quy Hà Trung, thời gian từ tháng 7/2012 - 7/2015. Kết quả đã tuyển chọn được diện tích sến tập trung đủ tiêu chuẩn để xây dựng rừng giống sến gốc trên 1.000 cây sến mẹ; phân tích mối quan hệ di truyền của loài sến chọn làm sến mẹ; xây dựng biện pháp kỹ thuật để sản xuất cây giống trong vườn ươm; thử nghiệm mô hình thay thế diễn thế lim - sến thành sến - lim theo hướng bền vững.

   Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn đa dạng sinh học của KBTTN rừng sến Tam Quy, UBND tỉnh Thanh Hóa sẽ triển khai một số giải pháp như kiện toàn hệ thống các trạm bảo vệ, tổ tuần tra rừng để bảo vệ và phục hồi tài nguyên thực vật rừng; đầu tư xây dựng hạ tầng, đặc biệt, đầu tư cho công tác trồng rừng mới, bảo vệ phục hồi các hệ sinh thái rừng tự nhiên.

   Với các loài quý hiếm cần xây dựng chương trình điều tra giám sát cụ thể để đảm bảo cung cấp số liệu cập nhật cho công tác quản lý và bảo tồn loài, chương trình đánh giá hiện trạng buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) tại KBTNN; Hợp tác với các cơ quan ban ngành trong tỉnh, các cơ quan và tổ chức chuyên môn trong nước, tổ chức quốc tế trong công tác nghiên cứu khoa học, quản lý bền vững hệ sinh thái rừng, phát triển cộng đồng vùng đệm; Nghiêm cấm người dân địa phương săn bắn, buôn bán ĐVHD. Đồng thời, hỗ trợ về nguồn vốn, kỹ thuật, giúp người dân địa phương tham gia chăn nuôi các loài ĐVHD, nhằm nâng cao đời sống vật chất và giảm các tác động tới ĐVHD; Tổ chức tập huấn cho cán bộ kiểm lâm về các kỹ năng nhận biết loài, đặc biệt những loài quý hiếm; Tăng cường lực lượng kiểm lâm, bảo vệ rừng, cũng như các chính sách hỗ trợ nhằm giúp họ hoàn thành nhiệm vụ; Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, cùng với các xã trên địa bàn thống nhất xây dựng các quy ước, hương ước về bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng.

Đình Lân

Đại học Lâm nghiệp

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 6/2017

Ý kiến của bạn