Banner trang chủ

Bảo vệ các loài cầy vòi hương hướng tới mục tiêu bảo tồn loài bền vững

12/06/2017

   Cầy vòi hương hay còn gọi là chồn hương là loài động vật có vú thuộc họ cầy. Hiện trên thế giới, có khoảng trên 200 chủng loại cầy khác nhau như cầy mực, cầy mèo, cầy giông, cầy vằn, cầy vòi đốm, cầy vòi mốc, cầy gấm, cầy giêng…

   Đặc tính sinh trưởng và phát triển của loài cầy vòi hương

   Cầy vòi hương vốn là thú hoang dã ngoài tự nhiên, có tập tính kiếm ăn đơn độc, chúng chỉ gặp nhau vào mùa sinh sản. Ban ngày, chúng trốn tránh và ngủ ngày trong các hang hốc, kẽ đá, ban đêm mới đi kiếm ăn. Nguồn thức ăn chủ yếu của loài này là các loại quả (hồng xiêm, xoài, chôm chôm) và các động vật nhỏ (chim, chuột, rắn...). Loài cầy vòi hương phân bố nhiều ở các tỉnh phía Nam từ Ninh Thuận trở vào đến Long An. Ngoài ra, chúng thường sinh sống ở các khu rừng nguyên sinh và thứ sinh ở một số tỉnh miền Bắc nhưng với mật độ thấp.

Loài cầy vòi hương

   Loài cầy hương có thân hình nhỏ, chân ngắn, mõm nhọn, tai tròn rất thính, hai mắt lớn và cực kỳ tinh anh, có thể nhìn xuyên trong bóng đêm. Dọc theo cơ thể, trên phía lưng của cầy vòi hương có 4 - 6 dải lông màu vàng nhạt hoặc xám nhạt hơn so với lông toàn thân, tạo nên các vệt sọc dưa chạy dài từ cổ đến đuôi.

   Khi trưởng thành, cầy vòi hương nặng trung bình từ 2- 6 kg. Vào mùa sinh sản, con đực thường tiết ra chất xạ hương sánh đặc như mật ong, màu nâu đỏ, có mùi thơm nồng để dẫn dụ con cái. Cầy vòi hương cái mỗi năm đẻ từ 1-2 lứa, mỗi lứa từ 1 - 6 con, thời gian mang thai khoảng 85 - 90 ngày. Cầy vòi hương con mới đẻ, sau 7 - 10 ngày mới mở mắt, được mẹ cho bú từ 30 - 40 ngày tuổi. Tuổi thọ của loài cầy vòi hương khá cao, có thể sống trên 10 năm.

   Nguy cơ suy giảm loài và đề xuất giải pháp bảo tồn

   Những năm gần đây, số lượng loài cầy vòi hương bị săn bắt để làm thịt ngày càng tăng. Ngoài ra, loài này còn bị bắt để gây nuôi làm cà phê chồn nên số lượng suy giảm nghiêm trọng ngoài tự nhiên, dẫn tới nguy cơ tuyệt chủng. Để bảo vệ loài cầy vòi hương và bảo vệ sinh cảnh của chúng, hiện Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn động vật hoang dã (Save Vietnam’s Wildlife) đã phát động chiến dịch bảo tồn các loài thú quý hiếm ở Việt Nam, trong đó có loài cầy vòi hương. Gần 2.000 bộ lịch và áp phích về loài thú đã được Trung tâm gửi đến Chi cục kiểm lâm của 63 tỉnh, thành và các cơ quan bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam, nhằm kêu gọi bảo vệ các loài động vật quý hiếm.

   Trong thời gian tới, Chi cục kiểm lâm các tỉnh Phú Yên, Long An, Ninh Thuận, Bình Phước - nơi có sự phân bố nhiều loài cầy vòi hương sẽ triển khai thực hiện một số giải pháp bảo vệ cấp bách loài cầy vòi hương như:

   Tăng cường kiểm tra, xử phạt các hành vi săn bắn trái phép loài cầy vòi hương; phối hợp với các ban ngành chức năng ở các địa phương có phân bố loài cầy vòi hương để có biện pháp quản lý, giám sát loài này; đẩy mạnh hơn nữa việc bảo vệ rừng, BVMT tại các khu vực này nhằm tạo sinh cảnh tốt nhất để bảo tồn loài cầy vòi hương.

   Đầu tư cho công tác cứu hộ cầy vòi hương, trong đó chú trọng đầu tư về cơ sở vật chất cứu hộ, đào tạo nhân lực và ban hành quy định về chế độ chăm sóc, kiểm dịch đảm bảo an toàn cho loài cầy vòi hương tịch thu từ các vụ buôn bán trái phép về các trung tâm cứu hộ.

   Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học về sinh học, sinh thái của quần thể, xu hướng biến động của loài cầy vòi hương, đặc biệt tại các Vườn quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên còn sự phân bố.

   Tăng cường công tác truyền thông về tầm quan trọng của loài cầy vòi hương tới mọi tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư; Xây dựng các Chiến dịch nâng cao nhận thức và giảm nhu cầu tiêu thụ cầy vòi hương tại các địa phương trên cả nước.

   Có chế độ khuyến khích, hỗ trợ, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bảo vệ loài cầy vòi hương. Đồng thời, khen thưởng những tấm gương, mô hình thực hiện tốt công tác bảo tồn loài cầy vòi hương.

Minh Hạnh

Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 5/2017

Ý kiến của bạn