Banner trang chủ

Bảo tồn những giá trị đa dạng sinh học của Khu Bảo tồn thiên nhiên sông Thanh

14/04/2017

   Nằm trên địa bàn hai huyện Nam Giang và Phước Sơn của tỉnh Quảng Nam, Khu Bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Sông Thanh là một thành phần quan trọng trong cảnh quan ưu tiên Trung Trường Sơn của vùng sinh thái dãy Trường Sơn. Đây là vùng lõi chủ yếu của vùng cảnh quan có vị trí ưu tiên của quốc gia, khu vực và toàn cầu do giá trị đa dạng sinh học cao với các loài đặc hữu đã được ghi nhận.

Lực lượng kiểm lâm tuần tra bảo vệ KBTTN Sông Thanh

   KBTTN sông Thanh có diện tích gồm 93.249 ha vùng lõi và 108.398 ha vùng đệm, trong đó vùng lõi được chia thành hai khu bảo vệ nghiêm ngặt với 75.373 ha và khu phục hồi sinh thái với 17.512 ha. KBTTN sông Thanh có nguồn tài nguyên sinh vật phong phú và đa dạng, là nơi giao lưu của khu hệ phía Bắc và phía Nam. Đây là nơi tập trung nhiều loài động thực vật quý hiếm, có giá trị kinh tế và khoa học cao.

   Hệ thực vật của KBTTN đã thu thập và xác định được với tổng số 831 loài, trong đó có 23 loài đặc hữu Việt Nam, 38 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam như kim tuyến, trầm, pơ mu, vù hương, hoàng đàn giả, trắc, thổ phục linh… Hệ thực vật của KBTTN đa dạng về giá trị sử dụng, có khoảng 550 loài thuộc 6 nhóm công dụng khác nhau: nhóm lấy gỗ (243 loài), nhóm làm thuốc (212 loài), nhóm làm cây cảnh - bóng mát (133 loài), nhóm cây ăn quả (102 loài), nhóm cho sợi và nguyên liệu thủ công (48 loài) và nhóm cây cho dầu, nhựa, tinh dầu (40 loài). Trong đó nhóm loài thực vật có giá trị bảo tồn là 34 loài, một số loài nổi bật đáng quan tâm là trầm (cần được khôi phục nhanh); pơ mu (phải giữ lại nguyên vẹn để nghiên cứu và làm rừng giống); lát hoa (cần có biện pháp bảo vệ trong tự nhiên và gây trồng trong khu vực)...

   KBTTN cũng có hệ động vật rất đa dạng với 53 loài thú, 183 loài chim, 44 loài bò sát và 21 loài ếch nhái... Các loài thú có tầm quan trọng đặc biệt đối với công tác bảo tồn là voọc chà vá chân nâu, voọc chà vá chân xám, mang lớn và mang Trường Sơn. Ở phía cực Nam KBTTN - gần với ranh giới tỉnh Kon Tum có sự xuất hiện của một số loài đang bị đe dọa trên toàn cầu và có vùng phân bố giới hạn bao gồm hai loài chim mới được phát hiện như khướu ngọc linh và khướu vằn đầu đen. Ngoài ra, KBTTN sông Thanh cũng ghi nhận những dấu vết của loài hổ - loài bị đe dọa trên toàn cầu mức nguy cấp. KBTTN sông Thanh là mắt xích quan trọng của chuỗi các sinh cảnh tự nhiên liên kết vùng đồi núi Trung Trường Sơn.

   Mặc dù vậy, KBTTN đang chịu nhiều tác động từ các hoạt động săn bắn, đào vàng, khai thác gỗ trái phép và phát triển cơ sở hạ tầng, dẫn đến những giá trị đa dạng sinh học bị suy giảm nghiêm trọng. Trong năm 2015, lực lượng chức năng đã phát hiện và lập biên bản 94 vụ vi phạm, trong đó tạm giữ 76m3 gỗ xẻ, 14 m3 gỗ tròn, 9 mô tô, 1 cá thể khỉ đuôi dài (đã lập biên bản và thả vào môi trường tự nhiên); ra quyết định xử lý 89 vụ, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 1,13 tỷ đồng.

   Trong thời gian qua, với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế (WWF - Đông Dương, IUCN…), KBTTN sông Thanh đã điều tra, khảo sát lập các dự án đầu tư, nâng cao nhận thức cho người dân và xây dựng mô hình cộng đồng tham gia quản lý tài nguyên rừng… Đáng chú ý, Dự án môi trường trọng điểm và sáng kiến hành lang bảo tồn đa dạng sinh học (Dự án CEP - BCI tỉnh Quảng Nam) đã có nhiều động thái tích cực nhằm bảo tồn rừng đặc dụng sông Thanh. Nhiệm vụ đặt ra của Dự án là thỏa thuận với chính quyền các địa phương, cộng đồng dân cư về đường ranh giới giữa khu bảo tồn và ranh giới các thôn trong xã nhằm xây dựng kế hoạch phát triển rừng bền vững, liên kết quản lý tài nguyên rừng, làm cơ sở để hoàn chỉnh hồ sơ về ranh giới và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho khu bảo tồn.

   Bên cạnh đó, Ban Quản lý KBTTN Sông Thanh đã tích cực thực hiện việc giao khoán cho 125 nhóm hộ và 231 hộ gia đình với diện tích hơn 41.000 ha, đồng thời cũng đã thực hiện việc hỗ trợ đầu tư phát triển cộng đồng vùng đệm cho 24 cộng đồng thôn. Các chương trình này đã huy động sức mạnh toàn dân vào công tác bảo vệ rừng, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; đồng thời góp phần thay đổi nhận thức cho người dân trong việc sử dụng tài nguyên bền vững, giảm thiểu các tác động xấu đối với tài nguyên rừng.

   Ban Quản lý đã phối hợp với các ban, ngành chức năng củng cố và bố trí lại lực lượng kiểm lâm trên địa bàn để phù hợp với năng lực công tác và yêu cầu nhiệm vụ được giao. Kiểm lâm địa bàn phối hợp với Lâm nghiệp xã tham mưu giúp UBND các xã trong vùng xây dựng và triển khai tốt phương án quản lý, bảo vệ rừng tại địa phương; tổ chức gây nuôi và trồng cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang dã trên địa bàn quản lý. Đồng thời, tăng cường tuần tra, truy quét tình trạng đào đãi vàng trái phép và tháo dỡ bẫy thú ở các khu vực bảo vệ ưu tiên. Đặc biệt, Hạt Kiểm lâm KBTTN còn phối hợp với Đồn Biên phòng Đắc Pring, Đồn Biên phòng cửa khẩu Nam Giang ký kết quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng vùng giáp ranh để kiểm tra, truy quét các hoạt động khai thác lâm, khoáng sản trái phép trong lâm phận tại khu vực biên giới.

   KBTTN Sông Thanh vừa được Bộ NN&PTNT thống nhất chủ trương lập hồ sơ “nâng hạng” thành Vườn quốc gia Sông Thanh. Để chuẩn bị thành lập vườn quốc gia, tỉnh Quảng Nam đang nghiên cứu tính khả thi của việc bổ sung một phần khu vực rừng lim xanh (khoảng 1.000 ha) và rừng cây di sản pơmu (rộng 7.000 ha) thành hai tiểu khu của vườn quốc gia để công tác bảo tồn đa dạng sinh học được thực hiện nghiêm ngặt

Tạ Kiều Anh

Cục Bảo tồn đa dạng sinh học

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 3/2017

Ý kiến của bạn