Banner trang chủ

Bảo tồn các vùng chim quan trọng ở Việt Nam

15/05/2017

   Việt Nam là một trong các nước ở Khu vực Đông Nam Á có khu hệ chim phong phú và đa dạng, với tổng số loài chim ghi nhận là 888 loài, trong đó có 72 loài chim hiện đang bị đe dọa tuyệt chủng ở mức độ toàn cầu, 51 loài ít xuất hiện và hiếm gặp ở các vùng chim quan trọng (VCQT) của Việt Nam, trong đó nhiều loài đã bị tuyệt chủng. Để bảo vệ các loài chim, từ năm 2002, Tổ chức Bảo tồn Chim Quốc tế (Birdlife) đã thành lập các Nhóm cộng đồng hỗ trợ bảo tồn (SSGs) nhằm hỗ trợ công tác bảo tồn tại các vùng chim quan trọng (VCQT) ở Việt Nam.

Vùng chim quan trọng Bạc Liêu là nơi cư trú của nhiều loài chim đặc hữu, quý, hiếm

   Các vùng chim quan trọng ở Việt Nam và các nguy cơ suy giảm loài

   Theo Báo cáo Tổ chức Birdlife, tiêu chí để xác định các VCQT ở Việt Nam là các vùng có loài chim đặc hữu, với vùng phân bố hẹp (bao gồm các loài quý hiếm bị đe dọa ở cấp quốc tế và quốc gia). Hay nói cách khác vùng chim quan trọng là những vùng rừng hoặc đất ngập nước có ý nghĩa bảo tồn cao đối với các loài chim và các nhóm động thực vật khác. Hiện ở Việt Nam đã xác định có 63 VCQT, với tổng diện tích gần 1.700.000 ha (tương đương với 5% diện tích tự nhiên của cả nước). Trung bình mỗi vùng chim quan trọng ở Việt Nam có diện tích từ 2 đến hơn 100.000 ha mỗi vùng, phân bố ở 37/ 61 tỉnh, thành của Việt Nam. Trong tổng số các VCQT ở Việt Nam, có 41 vùng có hệ sinh thái (HST) rừng trên cạn, 8 vùng chim có HST nước ngọt, 14 vùng có HST biển và các sinh cảnh tự nhiên bao gồm bãi bùn, rừng ngập mặn và trảng cỏ biển. Các loài chim phân bố ở các kiểu sinh cảnh rừng khác nhau, mỗi kiểu rừng đều có những loài chim đặc trưng. Kiểu sinh cảnh rừng thường xanh đất thấp với những loài chim đặc trưng như niệc nâu, phướn đất, khách đuôi cờ; Thường xanh trên núi đặc trưng bởi sự có mặt của loài đỗ quyên; Rừng thường xanh trên núi đá vôi có khướu đá mun, khướu đá hoa, khướu đá đuôi ngắn...

   Trong số các tỉnh trên cá nước, có 4 tỉnh có số vùng chim quan trọng nhiều nhất là Đắc Lắc, Lâm Đồng, Gia Lai và Quảng Bình (chiếm đến 19 vùng chim quan trọng và được chọn là vùng ưu tiên cho các hoạt động bảo tồn).

   Hiện nay, nguy cơ đe dọa đến các loài chim là hoạt động săn bắn và buôn bán các loài chim đặc hữu xuyên biên giới, điển hình tại các vùng chim như Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh), Chư Yăng Sin (Đắc Lắc)...), chủ yếu tác động đến các loài chim lớn, sống thành đàn như niệc, cu xanh và các loài kiếm ăn trên mặt đất dễ bị bắt như gà rừng… Ngoài ra, hoạt động thâm canh, mở rộng sản xuất nông nghiệp, khai thác gỗ cũng làm ảnh hưởng đến nơi cư trú của các loài chim ở 43 VCQT và đặc biệt nghiêm trọng tại 3 vùng chim: Hà Tiên, Kiên Lương (tỉnh Kiên Giang) và Láng Sen (Long An). Tình trạng săn bắn, bẫy chim vẫn diễn ra khá thường xuyên, mua bán chim không những diễn ra tại các vùng rừng đặc dụng mà còn công khai ngay các trung tâm thành phố, thị xã, thị trấn. Nguyên nhân là do nhận thức của người dân về tầm quan trọng của đa dạng sinh học, về bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học còn hạn chế. Tình trạng đói nghèo, lạc hậu của đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều. Nhu cầu mua chim làm thực phẩm hay nuôi làm cảnh vẫn diễn ra, nhất là các thành phố lớn, thị xã, thị trấn nên người dân ra sức tìm mọi cách để săn, bắt bẫy chim, nhất là các loài chim quý có giá trị thương mại lớn. Lực lượng bảo vệ rừng mỏng, cán bộ có chuyên môn về nghiên cứu, bảo tồn các loài động vật hoang dã nói chung và loài chim nói riêng thiếu và yếu. Việc thực thi pháp luật về bảo vệ các loài động vật hoang dã chưa nghiêm. Ngoài ra, tại nhiều VCQT khác như Phong Nha, Kẻ Bàng (Quảng Bình), U Minh Thượng (Kiên Giang), Kiên Lương... việc xây dựng đê bao, kè đập, kênh mương cũng đang làm mất đi tính hoang dã, gây sức ép đến quá trình phát triển của các loài chim. Một số vùng đất ngập nước do tình trạng nuôi trồng, đánh bắt tận diệt các loài thủy sản, cũng ảnh hưởng đến nhiều loài chim di cư do cạn kiệt nguồn thức ăn, điển hình như vùng chim ở châu thổ sông Mê Kông. Báo cáo cũng cho thấy, hiện có 2 VCQT ít bị tác động nhất là vùng Kon Cha Răng (dọc sông Kôn) và Yôk Đôn (dọc sông Srepôk).

    Kết quả hoạt động của Nhóm cộng đồng hỗ trợ bảo tồn (SSGs)

   Mô hình SSGs đã được Tổ chức Birdlife áp dụng thành công ở nhiều quốc gia trên thế giới như tại Campuchia, Myanmar, Philippin và Inđônêxia, Ấn Độ và Malaixia, nhằm thu hút cộng đồng địa phương tham gia vào công tác bảo tồn tại các VCQT. Tại Việt Nam, do hầu hết các VCQT đều nằm trong các khu rừng đặc dụng hiện có và hoặc các khu nằm ngoài hệ thống rừng đặc dụng nhưng có giá trị đa dạng sinh học cao nên công tác quản lý tại các VCQT cũng là ban quản lý rừng đặc dụng, lâm trường, rừng phòng hộ và kiểm lâm địa bàn (hạt hoặc trạm kiểm lâm). Tuy nhiên, do nguồn lực của các cơ quan chức năng đối với các VCQT rất hạn hẹp, nên huy động cộng đồng địa phương tham gia vào Nhóm SSGs. Đến nay, đã có 12 nhóm SSGs được thành lập tại các VCQT, trong đó có 2 nhóm tại khu đất ngập nước ven biển là Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh và Xuân Thủy (tỉnh Nam Định); 1 nhóm tại Mù Cang Chải (Hoàng Liên Sơn); 5 nhóm tại Khu BTTN Khe Nét, VCQT Trường Sơn/Khe Nước Trong (Quảng Bình); 4 nhóm tại Bắc Hướng Hóa và Đắc Rông (Quảng Trị).

   Các thành viên của Nhóm SSGs bao gồm trưởng thôn, đại diện của các tổ chức ở địa phương, tổ chức quần chúng (Hội Phụ nữ, Thanh niên, Cựu Chiến binh) và nhân dân. Mỗi Nhóm thành lập thành 2 tổ: Tổ tuần tra giám sát rừng (5-10 thành viên); Tổ tuyên truyền (20-30 thành viên). Tổ tuần tra giám sát rừng có nhiệm vụ giám sát các tác động đến các loài chim trong khu vực, các hoạt động ra, vào rừng của người dân địa phương hoặc những người đến từ địa phương khác. Thông qua các đợt tuần tra theo tuyến, các thành viên của Tổ sẽ thông báo kịp thời cho cơ quan quản lý để ngăn chặn kịp thời các tác động tiêu cực tới tài nguyên rừng như: khai thác gỗ trái phép, khai thác dầu, phát nương làm rẫy, săn bắn bẫy chim…. Ngoài ra, các thông tin thu thập được về các loài chim đặc trưng của vùng có ý nghĩa bảo tồn trong khu vực cũng được cập nhật thông qua các ghi nhận thực địa của Tổ tuần tra giám sát. Số liệu thu thập hàng tháng được tập hợp qua các mẫu biểu và báo cáo hàng tháng cùng với các kiến nghị đề xuất. Các thông tin được thông báo cho cơ quan quản lý tài nguyên rừng của khu vực để hỗ trợ cho việc lập kế hoạch quản lý tài nguyên rừng tại địa phương. Tổ tuyên truyền có nhiệm vụ tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức trong cộng đồng địa phương về bảo vệ các loài chim; Phổ biến các quy chế, quy định của ngành trong công tác quản lý nguồn tài nguyên rừng tại địa phương. Tại mỗi Nhóm SSGs có một cán bộ chuyên trách địa phương do cơ quan đối tác địa phương và Dự án của Tổ chức Birdlife để chỉ đạo và hướng dẫn các hoạt động của Nhóm. Cán bộ chuyên trách của Nhóm là cầu nối với cơ quan quản lý tài nguyên thiên nhiên của địa phương.

   Đánh giá về kết quả hoạt động của các Nhóm SSGs cho thấy, bằng cách tiếp cận đơn giản dễ hiểu, các thông tin về bảo vệ rừng, đặc tính sinh trưởng của các loài chim đã được truyền tải đến từng người dân trong cộng đồng, qua đó tình trạng săn, bẫy chim rừng đã giảm. Cùng với đó, các hộ dân đã cam kết không khai thác lâm sản trái phép và săn bắt các loài động thực vật đặc hữu tại các VCQT. Ngoài ra, các đợt tuyên truyền của Nhóm SSGs còn mở rộng tới các trường học cho học sinh. Nhiều tờ rơi, tranh ảnh với những thông điệp về các loài chim quý hiếm cũng được Nhóm sử dụng như một công cụ tuyên truyền và lưu lại trong các gia đình của thôn bản. Thông qua các cuộc họp cộng đồng các nhà quản lý tại địa phương đã thêm hiểu nguyện vọng của người dân sống gần rừng. Thông qua các nhóm cộng đồng, Tổ chức Birdlife hỗ trợ người dân tạo sinh kế từ các hoạt động khai thác lâm sản ngoài gỗ, trồng cây dưới tán rừng có thu hoạch, nhằm giảm thiểu các hoạt động khai thác rừng tự nhiên, tránh tác động tới sinh cảnh sống của các loài chim.

   Trong thời gian tới, Tổ chức Birdlife sẽ tiếp tục duy trì và nhân rộng và tạo nên mạng lưới các Nhóm SSGs trong hệ thống các VCQT của Việt Nam. Phát triển các Nhóm này sẽ giảm bớt gánh nặng cho ngành lâm nghiệp khi bố trí nhân sự cho các ban quản lý các khu rừng đặc dụng, các lâm trường trong khi biên chế kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng hạn chế. Thêm vào đó, sự tham gia trực tiếp của cộng đồng dân cư xung quanh các VCQT vào hoạt động của Nhóm sẽ nâng cao trách nhiệm của từng người dân trong việc bảo tồn các loài chim đặc hữu, quý, hiếm.

                Nguyễn Hà

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 4/2017

Ý kiến của bạn