Banner trang chủ

Bảo tồn các loài lưỡng cư tại quần đảo Cát Bà

28/03/2018

     Quần  đảo Cát Bà, thuộc Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cát Bà, được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO)chính thức công nhận năm 2004, bao gồm 366 hòn đảo nhỏ thuộc vịnhBắc bộ. Trong đó, Cát Bà là hòn đảo lớn nhất,được bao phủ chủ yếu bởi rừng nhiệt đới ẩm thường xanh trên núi đá vôi. Hòn đảo này được đặctrưng bởi mức độ đặc hữu cao các loài động vật có xương sốngnhư thạch sùng mí và thằn lằn phê-nô, các loài lưỡng cư…

     Phát hiện nhiều loài lưỡng cư mới

     Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa họcnăm 2011 đã thống kê, Cát Bà có khoảng 17 loài lưỡng cư được ghinhận. Dựa trên phân tích các dữ liệu về hình thái và sinh học phân tử các kết quả khảo sát thực địa gần đây tại Cát Bà củacác nhà khoa học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Nhật Bản và Liên bang Nga đã phát hiện thêm hai loài ếch cây mới tại quần đảo Cát Bàlà loàiếch cây nhỏ đá vôi và loài nhái cây nhỏ Cát Bà.

     Ếch cây nhỏ đá vôi là loài có kích thước nhỏ, chiều dài cơ thể khoảng 17,7 - 21,1mm, con đực nhỏ hơn con cái. Cơ thể mỏng; đầu dài, mõm hơi nhọn, không có răng lá mía. Mút các ngón tay và chân hơi phát triển thành đĩa, giữa các ngón tay không có màng bơi, giữa các ngón chân chỉ có màng bơi ở gốc ngón. Da lưng hơi sần với các hạt rất nhỏ, bụng nhẵn, lưng có màu đỏ gạch…

 


                          Loài ếch cây nhỏ đá vôi tại Cát Bà

 

     Loài nhái cây nhỏ Cát Bà có kích thước cơ thể nhỏ, đầu tương đối lớn và màng bơi khá rộng ở bàn chân. Mút các ngón tay và chân phát triển thành đĩa, giữa các ngón tay, chân có màng bơi, da màu xám hoặc màu nâu. Cũng như loài ếch cây nhỏ đá vôi, nhái cây nhỏ Cát Bà hiện tại chỉ được ghi nhận ở đảo Cát Bà, chưa có nghiên cứu về hiện trạng quần thể cũng như các đặc điểm sinh học sinh thái của loài này, tuy nhiên trong quá trình nghiên cứu thực địa của nhóm chuyên gia thuộc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật, Viện động vật Xanh-petec-bua (Liên bang Nga), Trường Đại học Kyoto (Nhật Bản) và Vườn thú Cologne tại đảo Cát Bà từ năm 2008 - 2012 đã thu được 8 mẫu vậtcủa 2 loài mới này để phục vụ nghiên cứu.

     Tăng cường công tác bảo tồn các loài lưỡng cư

     Trong xu thế phát triển kinh tế và du lịch hiện nay, nguy cơ đe dọa đến các loài lưỡng cư tại quần đảo Cát Bà là rất cao. Các hoạt động như du lịch, làm đường, xây dựng cơ sở hạ tầng khiến cho môi trường tự nhiên tại đây bị biến đổi và tác động lớn. Phần lớn khu vực quần đảo Cát Bà được che phủ bởi rừng trên núi đá vôi, đây là dạng sinh cảnh nhạy cảm và khó khăn phục hồi nếu bị tác động. Đảo Cát Bà biệt lập với đất liền, do đó các hoạt động săn bắt phục vụ mục đích làm thực phẩm, dược liệu và buôn bán sẽ ảnh hưởng đến quần thể của các loài động vật, đặcbiệt là loài lưỡng cư có kích cỡnhỏ. Ngoài ra, nguồn động vật được vận chuyển từ nơi khác đến nếu không được kiểm soát chặt chẽ, phát tán vào tự nhiên sẽ gây ảnh hưởng đến quần thểcác loài bản địa.

     Để tăng cường công tác bảo tồn các loài lưỡng cư tại quần đảo Cát Bà, trong thời gian tới, Ban quản lý Vườn quốc gia (VQG) Cát Bà cần liên kết chặt chẽ các cơ quan ban, ngành địa phương trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH); cần có chế tài quản lý chặt chẽ hoạt động dân sinh để không phá hủy cảnh quan thiên nhiên và ĐDSH của vùng.Đồng thời,chính quyền địa phương cần khuyến khích các hoạt động nghiên cứuđểkhám phá thêm nhiều loài chưa được ghi nhận. Đối với loài đặc hữu cần có các nghiên cứu sâu về hiện trạng quần thể cũng như đặc điểm sinh học, sinh thái để có biện pháp bảo tồn. Căn cứ vào những số liệu hiện có, xác định cácđịa điểm cần ưu tiên bảo tồn, có thể sử dụng các tiêu chí sau để đánh giá: Sự đa dạng về loài, số loài bị đe dọa (quý hiếm), diện tích rừng, chất lượng sinh cảnh và mức độ tác động của con người. Bên cạnh đó, đẩy mạnh thực hiện các chương trình nghiên cứu phục hồi tài nguyên rừng, bảo tồn nguồn gen; Thiết lập hệ thống giám sát ĐDSH; Thu hút các tổ chức trong, ngoài nước tham gia vào hoạt động nghiên cứu khoa học.Ngoài ra, cần quản lý chặt chẽ việc vận chuyển và buôn bán các loài động vật từ đất liền ra đảo Cát Bà.

 

Nguyễn Thế

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 3/2018

 

 

 

 

Ý kiến của bạn