Banner trang chủ

Bảo tồn bền vững cảnh quan thiên nhiên Khu di tích lịch sử Mỹ Sơn - Quảng Nam

14/06/2017

   Tọa lạc trong một thung lũng, Khu di tích (KDT) Mỹ Sơn (tỉnh Quảng Nam) có tổng diện tích 11.580.000m2, được bao bọc bởi một vòng tròn núi non khép kín. Các khu đền tháp xây dựng trên những ngọn đồi thấp được ví như những ngọn đuốc rực đỏ giữa màu xanh của cỏ cây, núi rừng. Trong KDT, có 320 ha là khu trung tâm và 1.158 ha rừng được bảo vệ nghiêm ngặt, với nhiều loài động thực vật quý hiếm. Với những giá trị văn hóa đặc trưng, năm 1999, KDT Mỹ Sơn được công nhận là Di sản Thế giới.

Nhóm tháp G, KDT Mỹ Sơn, Quảng Nam đã được trùng tu 

   KDT Mỹ Sơn được xây dựng từ thế kỷ IV và phát triển trong thế kỷ VII, XIII. KDT có tổng thể kiến trúc phong phú và đa dạng nhất của nghệ thuật Chăm, với hơn 70 kiến trúc đền tháp và một số lớn bia ký có niên đại trong nhiều thế kỷ. Tuy nhiên, đến nay, Mỹ Sơn chỉ còn khoảng gần 20 đền, tháp. Các đền, tháp nơi đây có tư thế vút lên cao, biểu trưng cho sự vĩ đại và thanh khiết, được xây bằng gạch với kỹ thuật tinh tế. Đền tháp Mỹ Sơn được bố trí theo tổng thể: một đền thờ chính nằm ở giữa tượng trưng cho ngọn núi Ménu, trung tâm vũ trụ, nơi ngự trị của thần linh, gồm 3 phần (đế tháp, thân tháp và mái tháp). Đế tháp được xây vuông hoặc hình chữ thập, tượng trưng cho thế giới trần tục; quanh đế tháp được trang trí các mô típ hoa văn, hoặc những hình động vật, hình người cầu nguyện mặt kala, makala hay là các vũ nữ, nhạc công… Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, gánh chịu sự khắc nghiệt của thời tiết cùng với những năm tháng chiến tranh đã làm cho KDT Mỹ Sơn xuống cấp trầm trọng.

Du khách đến tham quan Mỹ Sơn ngoài tìm hiểu, trải nghiệm các giá trị văn hóa lịch sử còn khám môi trường sinh thái xung quanh

   Để gìn giữ những nét văn hóa Chăm độc đáo này cho muôn đời sau, Nhà nước đã có sự quan tâm trùng tu, bảo tồn KDT. Năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Dự án Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị KDT Mỹ Sơn giai đoạn 2008 - 2020, với tổng diện tích quy hoạch gần 11.160 ha. Định hướng chiến lược là bảo tồn KDT một cách bền vững, lâu dài, tương xứng với giá trị và phù hợp với điều kiện môi trường tự nhiên - xã hội. Theo đó, Dự án được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, từ năm 2010 đến năm 2016, triển khai xây dựng dữ liệu, tài liệu khoa học; giải quyết triệt để bom mìn còn sót lại trong khu vực; xử lý chất độc hóa học; cải tạo kỹ thuật hạ tầng; xây dựng các công trình quản lý dịch vụ; bảo vệ cảnh quan môi trường; giải quyết giao thông nội bộ, phục hồi rừng bản địa để nâng giá trị di tích. Giai đoạn 2, từ năm 2016-2020, trùng tu gia cố một số di tích có nguy cơ sụp đổ cao.

   Bên cạnh các hoạt động trùng tu bảo vệ di sản, BQL KDT Mỹ Sơn còn xác định bảo vệ rừng là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Theo đó, diện tích rừng bao quanh KDT Mỹ Sơn chủ yếu thuộc địa bàn các xã Duy Phú, Duy Hòa, Duy Sơn và một phần giáp ranh với xã Quế Trung, huyện Nông Sơn. Thời gian qua, tình trạng người dân săn bắt động vật, chặt phá rừng làm cho tài nguyên rừng và đa dạng sinh học bị suy giảm. Trước tình trên, BQL đã thành lập đội an ninh bảo vệ rừng và đầu tư các trang thiết bị, công cụ chuyên dụng phòng cháy rừng. Đồng thời, đơn vị cũng tổ chức phát tuyến hàng chục ki lô mét đường băng xanh ngăn chặn cháy rừng. Bên cạnh đó, BQL còn bố trí lực lượng truy quét các đối tượng săn bắt động vật hoang dã, phá dỡ các bẫy thú đặt trong rừng.

   Công tác phát triển rừng, bảo tồn các nguồn gen quý cũng được BQL KDT Mỹ Sơn quan tâm. BQL tổ chức triển khai các hoạt động trồng các loài cây bản địa (lim xanh, gõ đỏ, cẩm lai, lát hoa, dầu rái…) nhằm phát triển rừng theo tiêu chí rừng đặc dụng và tôn tạo cảnh quan di tích lịch sử. Đối với các loại cây có nguy cơ tuyệt chủng như chua, trao, kơ nia, giẻ đỏ… đã được bảo vệ và phát triển tốt. Cùng với đó là sự trở về của các loài động vật hoang dã như heo rừng, gà rừng, gà gô, trĩ, mang, khỉ và các loài chim…

   Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý và bảo vệ rừng bền vững, BQL KDT Mỹ Sơn đã đề ra một số giải pháp như: Kiện toàn hệ thống các trạm bảo vệ, tổ tuần tra rừng; xây dựng phương án quản lý bảo vệ rừng, giảm tình trạng chặt phá rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; lập sơ đồ tuyến tuần tra rừng tự nhiên đối với các Trạm Kiểm lâm đảm bảo khép kín đến từng lô, khoảnh rừng; Đồng thời, đẩy mạnh, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về BVMT, phổ biến kiến thức, kỹ năng quản lý hiệu quả tài nguyên rừng…

   Ngoài ra, với mục tiêu bảo tồn KDT bền vững, lâu dài, tương xứng với giá trị và phù hợp với điều kiện môi trường tự nhiên - xã hội, trong thời gian tới, UBND tỉnh Quảng Nam sẽ tổ chức các Chương trình tái hiện lại các lễ hội của người Chăm xưa trong thánh địa Mỹ Sơn. Đồng thời, ưu tiên hàng đầu bảo vệ nguyên vẹn những giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, khoa học và những chức năng truyền thống của KDT; Đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá ý nghĩa lịch sử của di tích… Cùng với đó, nghiêm cấm các loại phương tiện có động cơ và khí thải đi vào vùng trung tâm của Di sản văn hóa Thế giới Mỹ Sơn và thay vào đó là đi bộ hoặc di chuyển bằng xe điện. Những hoạt động này sẽ phát huy tốt giá trị di sản thông qua khai thác tham quan du lịch và các dịch vụ, tạo nguồn kinh phí để góp phần đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ cảnh quan và tu bổ tôn tạo di tích lâu dài.

Nguyễn Thị Thủy

Viện Hàn lâm Khoa học, xã hội Việt Nam

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 5/2017

Ý kiến của bạn