Banner trang chủ

Bảo tồn đồng cỏ bàng tại Phú Mỹ, Kiên Giang

01/06/2018

     Đồng cỏ bàng Phú Mỹ (xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) là một dạng đất ngập nước nguyên thủy còn sót lại, với diện tích lớn nhất của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), có đặc trưng nhiễm phèn nặng, giàu hữu cơ, ngập theo mùa... Đây là hệ sinh thái tự nhiên không chỉ có giá trị đặc biệt về ĐDSH, mà còn là nơi cung cấp các sản phẩm từ cỏ bàng cho đồng bào dân tộc thiểu số Khmer (nhóm dân tộc chính của cư dân Phú Mỹ).  

     Trước đây, cỏ bàng mọc rất nhiều ở những cánh đồng đất nhiễm phèn nặng tại  ĐBSCL. Cũng từ bao đời nay, người Khmer nơi đây đã biết nhổ cỏ bàng về phơi khô, đập dập rồi đan cà ròn, đệm, chiếu, giỏ, nón... phục vụ cuộc sống hàng ngày. Cỏ bàng cho thu hoạch quanh năm, nhưng nhiều nhất là vào mùa nước nổi, từ tháng 8 - 11 hàng năm. Nhờ đó, sếu đầu đỏ - loài chim đẹp, quý hiếm, có tên trong sách Đỏ thế giới và Việt Nam, đã chọn nơi đây làm nơi trú ngụ. Tuy nhiên, do người dân khai thác tự do, tận diệt cỏ bàng, khiến cây mai dương xâm lấn, nên diện tích cỏ bàng dần thu hẹp, sinh cảnh biến đổi, sếu sợ hãi bay đi, sinh kế của người dân cũng bị ảnh hưởng.

     Kết hợp giữa bảo tồn và cải thiện sinh kế cho người dân

     Trước tình hình đó, tháng 11/2004, Dự án bảo tồn đồng cỏ bàng Phú Mỹ (Dự án Phú Mỹ) được thành lập với mục tiêu bảo vệ vùng đất ngập nước quan trọng này bằng cách thực hiện một mô hình kết hợp giữa bảo tồn và cải thiện sinh kế cho người dân địa phương. Kể từ khi thành lập Dự án, người dân địa phương vẫn được phép vào khai thác cỏ bàng trong vùng bảo vệ. Dự án đã tổ chức dạy người dân để làm ra những sản phẩm mỹ nghệ đẹp, đồng thời hỗ trợ tiếp thị sản phẩm để bán đến những thị trường có lợi nhuận cao và xuất khẩu sang các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Canađa, châu Âu, Trung Đông… Hiện nay đã có hơn 500 sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cỏ bàng, với các sản phẩm chính như túi thời trang, đồ gia dụng, trang trí nội thất, vật liệu xây dựng và bao bì thương hiệu. Các mặt hàng đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng phù hợp với từng thị trường và thị hiếu người tiêu dùng.

 

Cỏ bàng được người dân khai thác bền vững

 

     Doanh thu từ việc bán các sản phẩm cỏ bàng ước đạt hơn 2 tỷ đồng mỗi năm. Nhưng điều quan trọng nhất, Dự án đã thành công thông qua việc phát triển làng nghề bền vững. Thu nhập của người lao động đạt từ 3 - 8 triệu đồng/tháng và tạo việc làm ổn định cho hơn 1.000 lao động địa phương. Đặc biệt, Dự án đã đào tạo trên 500 công nhân thành thạo kỹ thuật đan giỏ xách, nón, may các sản phẩm thủ công mỹ nghệ cao cấp đạt tiêu chuẩn xuất khẩu...

     Ngoài việc gia tăng thu nhập cho người lao động, những sản phẩm thủ công mới không tiêu tốn nhiều nguyên liệu như những sản phẩm truyền thống, dẫn đến việc giảm áp lực khai thác nguyên liệu cỏ bàng. Dự án cũng chú trọng đầu tư phân bón, hướng dẫn cách chăm sóc thu hoạch đúng cách (nhổ cả cây chứ không cắt) cho người dân, để cỏ bàng không bị kiệt quệ. Bên cạnh đó, Dự án thường xuyên tiến hành khảo sát và tiêu diệt những loài sinh vật ngoại lai xâm hại bên trong và xung quanh khu vực Dự án. Với sự hỗ trợ của các chùa phật giáo trong xã, nhiều hoạt động giáo dục môi trường đã được tiến hành nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của công tác bảo tồn cỏ bàng trong khu vực Dự án.

     Dự án Phú Mỹ là một minh chứng cho giá trị của những mô hình phát triển bền vững nhằm khuyến khích người dân và chính quyền địa phương tham gia và áp dụng. Dự án đã đưa ra một giải pháp mới bên cạnh phát triển nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, là bảo tồn những khu vực đất ngập nước cuối cùng còn sót lại. Kết quả là đã bảo vệ được 1.200 ha đồng cỏ, rừng tràm tự nhiên; phục hồi 60 ha và trồng mới 20 ha cỏ bàng. Đặc biệt, năm 2005, Hội sếu Quốc tế đã ghi nhận 45 cá thể sếu đầu đỏ trong khu vực bảo vệ của Dự án, cao hơn so với số lượng sếu ghi nhận được trong các năm trước đó. Kể từ đó, số lượng sếu đầu đỏ đến vùng đất ngập nước Phú Mỹ tiếp tục tăng. Với hơn 200 cá thể sếu đầu đỏ ghi nhận vào mùa khô năm 2009, khu vực Phú Mỹ đã trở thành nơi có nhiều sếu đầu đỏ nhất ở ĐBSCL.

     Thành lập Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Phú Mỹ

     Nhận thấy tầm quan trọng của việc gìn giữ hệ sinh thái tự nhiên và bảo vệ đa dạng sinh học (ĐDSH), ngày 5/1/2016, UBND tỉnh Kiên Giang đã phê duyệt quyết định thành lập Khu bảo tồn (KBT) loài - sinh cảnh Phú Mỹ, thuộc xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang, với tổng diện tích khoảng 2.700 ha, trong đó, diện tích vùng lõi khoảng 940 ha và diện tích vùng đệm khoảng 1.760 ha và phân cấp do địa phương quản lý. Mục tiêu của KBT là bảo tồn ĐDSH, trong đó ưu tiên bảo tồn hệ sinh thái đồng cỏ bàng duy nhất còn sót lại ở ĐBSCL và duy trì số lượng sếu đầu đỏ trên 100 cá thể về đây trú ngụ mỗi năm; Quản lý việc khai thác hợp lý, không làm kiệt quệ hệ sinh thái đồng cỏ, từ đó đảm bảo phát triển được làng nghề truyền thống bền vững và sinh kế ổn định cho người dân; Phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, phát triển du lịch sinh thái kết hợp tham quan làng nghề thủ công và sếu đầu đỏ; Triển khai, thực hiện các kế hoạch giáo dục, tuyên truyền phổ biến pháp luật về bảo tồn ĐDSH, đặc biệt là trong KBT.

 

Túi xách làm bằng cỏ bàng được thiết kế độc đáo, đẹp mắt với họa tiết sếu đầu đỏ đặc trưng

 

     Nhờ có môi trường sinh thái ổn định và bền vững, đàn sếu đã quay trở về, năm 2016 có 120 cá thể quay về, năm 2017 có khoảng 20 cá thể sếu đầu đỏ bay về. Số lượng thay đổi thất thường là do thời tiết thay đổi, mực nước thủy văn cao và áp lực của việc tăng dân số địa phương, nhu cầu sử dụng đất của người dân. Hai điểm trong KBT là khu vực kênh HT6 và khu vực lộ Đồng Hòa thường xuyên có cá thể sếu di trú tại đây. Ngoài việc đàn sếu di trú về đây để kiếm ăn thì đây còn trở thành nơi cư ngụ quan trọng cho đàn sếu bay về. Điều này đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các tổ chức môi trường thế giới.

     Từ những kết quả đạt được, Dự án đã hai lần được nhận giải thưởng của Liên hợp quốc, kèm phần thưởng 80.000 USD. Hiện nay, Hội sếu Quốc tế tiếp tục tài trợ thêm 150.000 USD để triển khai giai đoạn 3 của Dự án. Đây là mô hình thành công trong việc gắn bảo tồn thiên nhiên với nâng cao đời sống người dân bằng bảo tồn nghề thủ công truyền thống.

 

Lệ Hà

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 5/2018)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

                       

Ý kiến của bạn