Banner trang chủ

Điều kỳ diệu trên cao nguyên đá

02/03/2017

     Thài Phìn Tủng là xã nằm trên sườn và thung lũng cao nguyên đá vôi thuộc huyện biên giới cực bắc Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Thài Phìn Tủng tiếng Mông là “nhà trên hố nước”. Vào mùa mưa, khi liên tiếp có những cơn mưa, nước mưa chảy tràn trên bề mặt, nhưng sau đấy nhanh chóng bị hút vào lòng đất (các hố kar-xtơ). Cư dân Thài Phìn Tủng hầu hết là người Mông. Do nước không được giữ lại nên vào mùa khô, Thài Phìn Tủng rơi vào tình trạng thiếu nước trầm trọng.

     Đặt chân đến Thài Phìn Tủng, đập vào mắt tôi là bốn bề chỉ có đá và đá, tiếp đến là hình ảnh những cụ già (chủ yếu là phụ nữ) 60-70 tuổi và những thiếu niên khoảng 10-15 tuổi trên vai trĩu nặng gùi đựng can nước, có thể là 5 - 10 l, được lấy từ thị trấn Đồng Văn (xa hơn 10 km) để phục vụ sinh hoạt hàng ngày của gia đình.

 

Cây đỉnh tùng ở Thài Phìn Tủng, loài thực vật quý hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt Nam

 

     Tôi đến Thài Phìn Tủng vào lúc cao điểm thiếu nước, nhà trường phải cho học sinh nghỉ học giúp gia đình đi lấy nước. Không chỉ thiếu nước mà Thài Phìn Tủng còn thiếu cả đất. Vào thập kỷ 90 của thế kỷ XX, Thài Phìn Tủng là địa phương duy nhất trong cả nước không trồng được lúa. Người dân hầu như quanh năm ăn ngô xay.

     Thài Phìn Tủng thiếu nước không chỉ do hiện tượng kar-xtơ, mà một nguyên nhân quan trọng, đó là ở đây có rất ít rừng. Diện tích tự nhiên toàn xã hơn 3.000 ha nhưng chỉ có 9 ha rừng, còn lại hầu hết là núi đá trọc hoặc trảng cây bụi, trảng cỏ. Theo nhiều người dân ở Thài Phìn Tủng, nơi đây đã từng có rừng với nhiều loài cây gỗ lớn, quý hiếm như nghiến, trai. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, đến năm 1999, Thài Phìn Tủng hầu như không còn rừng.

     Mặc dù vậy, trong quá trình đi khảo sát, tôi đã phát hiện ở Thài Phìn Tủng có thông đỏ bắc mà vào thời điểm năm 1999), hầu như chỉ có ở Hang Kia - Pà Cò (thuộc huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình). Ngoài ra, còn phát hiện được dẻ tùng sọc nâu, là loài đặc hữu hẹp, lần đầu tiên phát hiện được ở Lũng Cú (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang), Thài Phìn Tủng là địa điểm thứ hai phát hiện được loài này. Đặc biệt, còn phát hiện được hoàng đàn rủ, là loài đã tuyệt chủng trong tự nhiên, hiện trồng ở một số gia đình. Riêng thông tre lá ngắn thì có đến vài chục cá thể. Cả 4 loài này đều có trong Sách đỏ Việt Nam (1996).

     Từ những phát hiện ban đầu, tôi luôn trăn trở, có thể ở Thài Phìn Tủng nhiều nguồn gen thực vật quý hiếm còn chưa được phát hiện. Nhưng làm thế nào để có thể quay lại Thài Phìn Tủng nếu như không có đề tài, kinh phí. Vượt qua quãng đường hàng 1.000 km thật không hề đơn giản.

 

Thông tre lá ngắn trong vườn ươm của Dự án

 

     Nhưng sau đợt công tác ở Thài Phìn Tủng, Báo Quân đội nhân dân đã đăng bài “Thài Phìn Tủng - Những điều còn ít được biết đến”, trong đó nhấn mạnh, mặc dù cuộc sống của người dân Thài Phìn Tủng còn nhiều khó khăn, vì là xã nghèo nhất trong số 17 xã của huyện Đồng Văn, nhưng lại đang lưu giữ một số nguồn gen quý hiếm trên núi đá vôi. Do đó, Quỹ Môi trường toàn cầu - Chương trình tài trợ các dự án nhỏ (GEF SGP) đã hỗ trợ xã Thài Phìn Tủng thực hiện Dự án “ Bảo tồn và phát triển nguồn gen quý hiếm, bảo vệ đa dạng sinh học ở xã Thài Phìn Tủng, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang”. Sau 3 năm thực hiện (2003-2006), Dự án đã phát hiện thêm 10 loài thực vật quý hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt Nam (2007) và Nghị định số 32 của Chính phủ, bao gồm: Thông 5 lá Pà Cò, thiết sam giả lá ngắn, thiết sam núi đá, du sam đá vôi, mã hồ, bảy lá một hoa, hà thủ ô đỏ, trai lý, bạch huệ núi, đỉnh tùng. Sau đó, GEF SGP tiếp tục tài trợ giai đoạn 2 để tiến hành xây dựng vườn ươm, tạo cây giống bằng phương pháp giâm cành, đem lại màu xanh trên vùng núi đá của xã Thài Phìn Tủng bằng chính nguồn gen quý hiếm của địa phương.

     Sau 6 năm quay trở lại Thài Phìn Tủng, tôi đã hoàn toàn bất ngờ khi đứng trước những cây hoàng đàn rủ, thông tre lá ngắn cao đến 4 m, đường kính 10 cm. Thông đỏ tuy chậm hơn một chút, nhưng cũng tràn đầy sức sống với cành lá xum xuê. Ngoài sự tăng trưởng nhanh, tỉ lệ sống cũng đạt tới 70%.

     Nhớ lại hơn 10 năm về trước, khi giao cây từ vườn ươm cho các hộ đem đi trồng, tôi thực sự lo lắng không biết liệu những mầm xanh non nớt này có đủ sức chống chịu với thiên nhiên vô cùng khắc nghiệt. Như hiểu được nỗi lòng của các nhà khoa học, người dân, điều kỳ diệu trên cao nguyên đá không chỉ là mơ ước mà đã trở thành hiện thực.

 

TS. Lê Trần Chấn

Trung tâm Đa dạng và An toàn sinh học

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 2/2017

Ý kiến của bạn