Banner trang chủ

Ðẩy mạnh công tác phục hồi, tái tạo rạn san hô, cỏ biển Khu bảo tồn biển Lý Sơn

11/08/2017

   Khu bảo tồn biển (KBTB) Lý Sơn (Quảng Ngãi) có diện tích mặt nước biển 7.113 ha, được chia thành 3 vùng chức năng gồm: Vùng bảo vệ nghiêm ngặt có độ sâu từ 3 - 20 m (diện tích 620 ha); Vùng phục hồi sinh thái thuộc khu vực đảo Lớn và đảo Bé trên (2.024 ha); Vùng phát triển (4.469 ha) gồm âu cảng và phần biển bao quanh. Vùng biển Lý Sơn với độ đa dạng sinh học cao, hệ sinh thái (HST) điển hình như rạn san hô, thảm cỏ biển và nhiều hải sản quý hiếm có giá trị kinh tế cao (bào ngư, trai tai tượng). Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do hoạt động khai thác quá mức của người dân đã làm thảm cỏ biển, rạn san hô bị suy giảm về diện tích và độ che phủ.

Tình trạng khai thác ồ ạt san hô của người dân ở Lý Sơn đã làm HST biển ngày càng suy kiệt

   Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý Biển và Hải đảo, vùng biển Lý Sơn có 685 loài động, thực vật, trong đó có 150 loài cá, 94 loài thân mềm, 36 loài san hô, 2 loài cỏ biển…, với nhiều loài quý hiếm, có giá trị như san hô đen, hải sâm, tôm hùm, bào ngư, trai tai tượng. Tuy nhiên, hiện nay các loài này hầu như không còn, hệ thảm thực vật dưới đáy biển Lý Sơn cũng đang dần biến mất. Nguyên nhân là do người dân sử dụng thuốc nổ để đánh bắt thủy sản theo kiểu tận diệt đã làm các rạn san hô bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Mặc dù lực lượng Công an, Biên phòng đã triệt phá hàng loạt đường dây buôn bán, vận chuyển thuốc nổ trái phép, song người dân vẫn lén lút sử dụng thuốc nổ để “tàn sát” HST biển. Bên cạnh đó, đến mùa rong mơ, người dân thường tập trung khai thác, bình quân mỗi ngày từ 3 - 5 tấn rong mơ tươi, làm cho nhiều loài hải sản có nguy cơ bị tận diệt, bởi các bãi rong mơ là nơi cư ngụ, sinh sản và ươm nuôi giống của nhiều loài hải sản. Ngoài ra, các nguồn chất thải, tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu cũng là những nguyên nhân làm suy giảm nghiêm trọng HST tại vùng biển đảo này. Đặc biệt, người dân trên đảo đã khai thác cát để trồng tỏi (mỗi năm lên đến trên 150 nghìn m3), dẫn tới gia tăng xói lở bờ biển, các khu vực có cỏ biển sẽ bị phá hủy.

   Để khắc phục tình trạng suy giảm chất lượng HST rạn san hô ở KBTB Lý Sơn, từ năm 2015, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã phê duyệt Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trồng phục hồi rạn san hô ven bờ biển Lý Sơn”. Các chuyên gia thực hiện Dự án đã tiến hành đánh giá hiện trạng HST rạn san hô vùng biển ven bờ Lý Sơn; Khảo sát lựa chọn địa điểm, loài phục hồi; Tập huấn nâng cao nhận thức về bảo tồn và đào tạo kỹ năng phục hồi rạn san hô cho cán bộ địa phương, cộng đồng; Phục hồi rạn san hô trên nền đáy tự nhiên, mô hình rạn nhân tạo, vườn ươm san hô. Đến nay, mô hình trồng phục hồi rạn san hô, với quy mô 2 ha, nằm trong KBTB được các chuyên gia của Dự án đánh giá phát triển tốt, nhiều giống hải sản quý hiếm có cơ hội được khôi phục, giúp tăng sản lượng hải sản của các khu vực biển xung quanh KBTB, đồng thời huy động người dân chủ động tham gia vào quản lý KBTB để nâng cao ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ TN&MT biển.

KBTB Lý Sơn có HST đa dạng và phong phú, với nhiều loài hải sản quý hiếm

   Trong thời gian tới, để bảo vệ các rạn san hô, tỉnh đã đề xuất một số giải pháp:

   Tăng cường hiệu quả quản lý KBTB: Tăng cường tuần tra, giám sát để giảm thiểu khai thác thủy sản bất hợp pháp; Giáo dục và bắt buộc các doanh nghiệp du lịch tuân thủ tuyệt đối quy chế của KBTB; Mở rộng liên kết với các cơ quan quản lý liên quan nhằm thực thi quan điểm quản lý tổng hợp đới bờ trong và xung quanh KBTB; Theo dõi quá trình phục hồi, gia tăng độ phủ san hô và mật độ các loài quan trọng về sinh thái, nguồn lợi.

   Nâng cao vai trò của cộng đồng trong quản lý, khai thác hợp lý nguồn lợi sinh vật trên rạn san hô: Thành lập cộng đồng dân cư tự quản bảo vệ bền vững nguồn lợi tài nguyên. Chính quyền địa phương nghiên cứu và xây dựng hướng dẫn khai thác hợp lý; xây dựng quy chế đồng quản lý và giải pháp tài chính bền vững; tạo cơ sở pháp lý để giảm thiểu những tác động từ bên ngoài cộng đồng.

   Khuyến khích các mô hình doanh nghiệp du lịch tham gia quản lý và sử dụng hợp lý tài nguyên rạn san hô: Ban quản lý KBTB và các cơ quan quản lý cần xây dựng chính sách và cơ chế bắt buộc các doanh nghiệp phải có trách nhiệm đóng góp cho hoạt động bảo tồn thiên nhiên và cho phép sử dụng hợp lý các vùng rạn san hô, phát triển các loại hình du lịch sinh thái như: Nghỉ dưỡng, chữa bệnh tại khu vực phía Bắc đảo Lớn và một phần nhỏ phía Nam dưới chân Hòn Vung; Tham quan HST san hô bằng tàu đáy kính tại, lặn ngắm rạn san hô, các khu nuôi sinh thái (hải sâm, bào ngư, ốc biển, rong câu chân vịt)…

   Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức đúng đối tượng và đúng biện pháp: Các nhà lãnh đạo và lập chính sách cần nâng cao nhận thức về phân tích chi phí - lợi ích (được - mất), mâu thuẫn giữa các bên liên quan trong quá trình phát triển; doanh nghiệp và khách du lịch cần hiểu rõ quy chế quản lý, trách nhiệm trong sử dụng tài nguyên; cộng đồng và thế hệ trẻ cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, lợi ích lâu dài của HST.

Nguyễn Thế

Viện Tài nguyên và Môi trường biển

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 7/2017

Ý kiến của bạn