Banner trang chủ

Ðẩy mạnh công tác bảo tồn và phát triển nguồn gen cây quế Quỳ tại Nghệ An

03/01/2018

   Quế Quỳ là cây trồng bản địa, dược liệu quý của huyện Quỳ Châu và Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Những năm gần đây, người dân đã chặt cây quế Quỳ và thay thế bằng cây khác như keo, cao su... có giá trị cao, làm loài cây này có nguy cơ biến mất, cần được bảo tồn và nhân giống.

Mô hình bảo tồn nguồn gen quế Quỳ tại huyện Quế Phong

   Quế là loài thân gỗ, sống lâu năm, cây trưởng thành có thể cao trên 15 m, có khả năng chống chịu với thời tiết cực đoan và phát triển tốt khi trồng tập trung thành vùng ổn định. Sản phẩm chính của cây quế là vỏ, gỗ và tinh dầu, dùng làm thuốc chữa bệnh hay sáng tạo ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Cùng với sâm, nhung, phụ, quế được nhân dân coi như 1 trong 4 vị thuốc rất có giá trị. Ngoài lợi ích về mặt kinh tế, cây quế còn góp phần BVMT sinh thái, làm tăng độ che phủ rừng, giữ đất, nước ở các vùng đồi núi dốc.

   Quả quế Quỳ có hình thù, kích thước như quả hồ tiêu, khi chín, rơi xuống đất sẽ lên cây con. Khác với giống quế của Yên Bái, Quảng Ngãi, quế Quỳ lá nhỏ, dài, vỏ cây dày, cay và thơm nồng hơn. Trong những năm 1987 - 1993, cây quế Quỳ được nhân rộng trên phạm vi nhiều xã, tinh dầu quê xuất khẩu sang Liên Xô và các nước Đông Âu. Tuy nhiên, hiện nay, diện tích trồng quế bị thu hẹp do thời gian thu hoạch dài, giá trị thấp. Theo thống kê chưa đầy đủ của Phòng NN&PTNT huyện Quế Phong, trên địa bàn, người dân còn lưu giữ chăm sóc khoảng 25 cây quế Quỳ từ 30 tuổi trở lên. Ngoài ra, ở xã Châu Kim, người dân đang tiếp tục chăm sóc hàng chục cây quế Quỳ có kích thước nhỏ hơn để bảo tồn giống cây quý của quê hương.

   Để bảo tồn và khôi phục nguồn gen cây quế quỳ có nguy cơ tuyệt chủng, cán bộ Sở KH&CN Nghệ An đã đến nhiều huyện miền núi cao như Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Quế Phong, Kỳ Sơn tiến hành khảo sát, thu thập số liệu về quá trình sinh trưởng của cây. Qua đó, Sở tiến hành xây dựng mô hình bảo tồn 20 cá thể quế Quỳ tại Khu Bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Pù Hoạt (huyện Quế Phong) và các cây này đều phát triển tốt.

   Cùng với đó, nhằm hình thành vùng trồng tập trung, quảng bá thương hiệu và các sản phẩm chế biến từ quế Quỳ, năm 2017, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 2937/QĐ-UBND phê duyệt Đề án trồng cây quế Quỳ tại huyện Quế Phong giai đoạn 2017-2020. Dự kiến, Dự án kết thúc có 350 nghìn ha vùng sản xuất cây quế Quỳ và thu hút các doanh nghiệp mở rộng đầu tư vào khâu chế biến, lưu thông, tiêu thụ sản phẩm. Để thực hiện Đề án, huyện Quế Phong đã giao cho Ban quản lý KBTTN Pù Hoạt nhân giống và cấp phát 120.000 cây cho nhân dân các xã Hạnh Dịch, Đồng Văn, Thông Thụ, Tiền Phong và Châu Kim để trồng. Đồng thời, cử cán bộ hướng dẫn kỹ thuật cho bà con và tiến hành kiểm tra giám sát thường xuyên… Ngoài ra, tháng 4/2017, Dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam (VFD) đã hỗ trợ trồng 12.000 cây Quế quỳ cho hơn 100 hộ dân nghèo, dân tộc thiểu số người Thái tại bản Chàm, xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong. Hoạt động này góp phần bảo tồn nguồn gen bản địa cây quế Quỳ, phủ xanh đất trồng đồi núi trọc, tăng độ che phủ rừng của huyện.

Người dân nhận cây giống từ Dự án VFD

   Trong thời gian tới, để bảo tồn và phát triển nguồn gen cây quế Quỳ, tỉnh Nghệ An cần tiếp tục triển khai các giải pháp như: Ứng dụng KH&CN hiện đại kết hợp hài hòa với tri thức truyền thống trong bảo tồn và sử dụng nguồn gen; Đánh giá, xác định giá trị nguồn gen, mức độ đe dọa tới các giống, loài bản địa đặc hữu, quý hiếm hiện có và mới được thu thập. Bên cạnh đó, cần triển khai xây dựng bộ máy, hệ thống tổ chức bảo tồn nguồn gen cây trồng ở địa phương; Xây dựng cơ sở dữ liệu và thông tin, phục vụ bảo vệ, khai thác và sử dụng nguồn gen cây quế Quỳ một cách hợp lý…

                Hoa Vũ

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 12/2017

Ý kiến của bạn