Banner trang chủ

Tăng cường công tác dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và nước biển dâng vùng đồng bằng sông Cửu Long

05/05/2021

     Vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bao gồm 13 tỉnh, thành phố (TP): Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và TP. Cần Thơ. Với diện tích khoảng 4 triệu ha (chiếm 13% diện tích cả nước); dân số 17,66 triệu người (chiếm 19% dân số cả nước). Vùng ĐBSCL có lợi thế về phát triển nông nghiệp, hàng năm cung cấp 95% gạo và 60% thủy sản xuất khẩu, ngoài ra còn là vùng đặc sản trồng cây ăn trái. Trong những gần đây, do tác động biến đổi khí hậu (BĐKH) đã gây nên hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng tình trạng nắng nóng, bão lũ, /nămsụt lún đất, xói lở bờ sông, bờ biển, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt ngày càng nghiêm trọng… đã gây ra những thiệt hại nặng nề cho đời sống người dân. Để phòng chống thiên tai, giảm thiểu thiệt hại, công tác cảnh báo, dự báo các hiện tượng thời tiết, thủy văn nguy hiểm và xâm nhập mặn vùng ĐBSCL đã luôn được Tổng cục Khí tượng thủy (KTTV) văn chủ động, thông tin dự báo, cảnh báo kịp thời, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của toàn vùng.

     Tình hình thiên tai, lũ lụt, xâm nhập mặn và sạt lở bờ sông, bờ biển vùng ĐBSCL

     Về lũ lụt: Vùng ĐBSCL có hệ thống sông suối, kênh rạch chằng chịt bao gồm sông Tiền và sông Hậu, phân lưu ra các cửa sông kế tiếp nhau là sông Cổ Chiên, Hàm Luông, Ba Lai, Cửa Đại và Cửa Tiểu, sông Hậu qua cửa Định An và Trần Đề. Chế độ thuỷ văn ở vùng ĐBSCL chịu tác động trực tiếp của dòng chảy thượng nguồn sông Mê Công và lượng mưa trên toàn đồng bằng. Chế độ dòng chảy của vùng do chịu ảnh hưởng của sông Mê Kông và chế độ mưa phân mùa nên chế độ dòng chảy có 2 mùa rõ rệt. Lưu lượng năm trung bình dòng chảy vào ĐBSCL là 12.880 m3/s (tương ứng với tổng lượng khoảng 406 tỷ m3 nước/năm). Vào mùa lũ, lưu lượng dòng chảy lớn nhất khoảng 40.000 - 45.000 m3/s; thời gian ngập úng cao nhất vào cuối tháng 9 đầu tháng 10. Mùa kiệt, lưu lượng dòng chảy nhỏ nhất trung bình là 2.500 m3/s, có năm thấp hơn 2.000 m3/s; tháng 4 là tháng có dòng chảy đạt trị số nhỏ nhất trong năm.

     Những năm gần đây, các yếu tố thời tiết diễn biến bất thường do tác động của BĐKH, dẫn đến tình trạng ngập lũ ngày càng trở nên phức tạp hơn. Theo Báo cáo Nhiệm vụ khảo sát, dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn,  lũ ở ĐBSCL do tác động của mưa trên lưu vực các quốc gia thượng nguồn nhất là Lào và Cam Pu Chia. Ngoài ra, còn do các hình thái thời tiết gây mưa lớn ngay tại đồng bằng và tác động của thủy triều từ biển Đông. Số liệu thống kê cho thấy, trong 48 năm gần đây, trên hệ thống sông Mê Kông đã xảy ra 11 trận lũ lớn và đặc biệt lớn gây ngập lụt lớn ở ĐBSCL là các trận lũ vào các năm: 1961, 1966, 1978, 1981, 1984, 1991, 1994, 1996, 2000, 2001 và 2011, 2018; vùng ngập lụt chiếm phần lớn diện tích các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Long An, Kiên Giang và một phần các tỉnh lân cận. Nghiêm trọng nhất là những ngày cuối tháng 10/2018, các tỉnh ĐBSCL đã đối diện với đợt triều cường lớn nhất trong 40 năm qua. Ở vùng hạ nguồn, triều cường dâng cao bất thường và lan ngược đến vùng đầu nguồn. Mức độ rủi ro do triều cường ngày càng lan rộng. Hàng chục vụ vỡ đê nước tràn vào nhiều vùng sản xuất, khu dân cư ở Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng… Lũ kết hợp triều cường đã gây thiệt hại cho hàng chục ngàn người dân từ vùng đầu nguồn Đồng Tháp đến các tỉnh hạ nguồn như Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ.

     Hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn: Vào các tháng mùa khô, vùng ĐBSCL chịu tác động mạnh bởi tình trạng thiếu nước và xâm nhập mặn. Chỉ trong vòng 5 năm gần đây, ở Đồng bằng sông Cửu Long đã xảy 2 đợt xâm nhập mặn lịch sử vào mùa khô năm 2015-2016 và năm 2019-2020, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và dân sinh. Diễn biến mặn trong khu vực khá phức tạp, diện tích bị nhập mặn đã vào sâu khoảng 100km các tỉnh, thành ven biển trong toàn vùng (Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bến Tre và Tiền Giang), ảnh hưởng trực tiếp đến 100 nghìn ha đát xuất và khoảng 96 hộ dân thiếu nước ngọt sinh hoạt. Độ mặn lớn nhất thường xuất hiện chủ yếu vào tháng 3, 4 hoặc tháng 5 do ảnh hưởng của thủy triều ở biển Đông, biển Tây hoặc cả hai. Ngoài ra, do lưu lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Công đổ về ít cũng là nhân tố chính ảnh hưởng đến tình hình xâm nhập mặn ở vùng cửa sông ven biển của ĐBSCL, trong đó thủy triều là nhân tố động lực, mang nước biển kèm theo độ mặn đi sâu vào nội đồng, trong khi lượng nước từ thượng lưu đổ về còn hạn chế. Bên cạnh đó, lượng mưa giảm, lượng nước bị bốc hơi cao cũng là những yếu tố ảnh hưởng đến quá trình xâm nhập mặn. Ngoài những yếu tố tự nhiên thì yếu tố con người cũng góp phần không nhỏ gây ra xâm nhập mặn như khai thác và sử dụng nước ngầm quá mức để đáp ứng nhu cầu phát triển, sản xuất và đời sống ở địa phương, thay đổi mục đích sử dụng đất cũng có ảnh hưởng nhất định đến tình hình xâm nhập mặn. Các chuyên gia thủy văn cũng nhận định, xâm nhập mặn vùng ĐBSCL mùa khô năm 2020 - 2021 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như mùa khô năm 2019 - 2020. Các đợt xâm nhập mặn cao nhất ở cửa sông Cửu Long tập trung trong tháng tháng 2/2021 (từ 10 - 15/2, 26/2 - 2/3), tháng 3 (từ 12-16/3, 25-29/3). Riêng các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn vào tháng 3, 4 (từ 9 - 14/4, 24 - 28/4), sau đó sẽ giảm dần. Tuy nhiên, tình hình xâm nhập mặn ở  ĐBSCL còn phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Kông, triều cường và còn biến động trong thời gian tới.

     Ứng dụng công nghệ tiên tiến cảnh báo, dự báo sớm thiên tai

     Để công tác dự báo chính xác kịp thời tình hình thiên tai, bão, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống dân sinh vùng ĐBSCL, Tổng cục KTTV đã chỉ đạo Đài KTTV khu vực Nam Bộ theo dõi chặt chẽ tình hình mưa, nguồn nước trên lưu vực sông Mê Công, sớm đưa ra nhận định tình trạng thiếu nước nghiêm trọng, xâm nhập mặn vùng ĐBSCL. Công nghệ dự báo, cảnh báo sớm thiên tai đã được hiện đại hóa, với việc ứng dụng mô hình dự báo chạy trên nền tảng hệ thống siêu máy tính hiệu năng cao với tổng năng lực tính toán khoảng 16 Tflops. Độ chính xác trong dự báo về vị trí và cường độ bão của nước ta hiện nay đã dần tiệm cận với trình độ dự báo bão của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Các bản tin dự báo KTTV được được cập nhật hàng ngày để kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo phòng chống thiên tai. Đặc biệt, hiện nay Tổng cục KTTV đã đưa vào hoạt động trạm radar thời tiết Nhà Bè, góp phần quan trọng trong công các dự báo, cảnh báo sớm các hiện tượng thiên tai như mưa lớn, dông, lốc ở khu vực.  

Hình 1. Giám sát, cảnh báo dông, lốc trạm thời tiết Radar Nhà Bè

     Mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn cũng được nâng cấp, với các trang thiết bị hiện đại giám sát các yếu tố biến động bùn cát, đo mưa, mực nước, độ mặn tự động. Hiện Đài KTTV khu vực Nam Bộ có 29 trạm khí tượng thủy văn, 182 trạm thủy văn, 131 điểm đo mưa tự động… cung cấp thông tin dữ liệu KTTV cho các Sở, ban ngành địa phương thuộc vùng ĐBSCL. Ngoài ra, mạng lưới khảo sát lũ  cũng được xây dựng với 62 trạm khảo sát từ sông Mê Kông chảy qua biên giới vào ĐBSCL; 32 trạm đo lũ vào-ra khu vực Đồng Tháp Mười, Tứ Giác Long Xuyên và Khu giữa và 21 trạm, đo chất lượng nước, được bố trí ở các vị trí đặc trưng ở vùng biên giới và nội đồng, 30 trạm đo mặn cố định, 20 trạm đo mặn tăng cường (các tháng mặn nhất) và 14 tuyến khảo sát mặn dọc sông.

     Nhờ công tác dự báo, cảnh báo sớm, các Bộ, ngành, địa phương triển khai kịp thời các giải pháp hạn chế tới mức thấp nhất tác động xấu, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất tại vùng ĐBSCL. Riêng trong đợt hạn hán, xâm nhập mặn năm 2019 - 2020, mặc dù mức độ khắc nghiệt và diện rộng hơn, nhưng nhờ chủ động trong dự báo và kịp thời hành động trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất đã góp phần giảm 90% diện tích lúa bị ảnh hưởng so với đợt hạn mặn lịch sử năm 2015 - 2016.

     Một số khó khăn, hạn chế và đề xuất, kiến nghị

     Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dự báo thiên tai, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn ở vùng ĐBSCL đã và đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, trong đó tác động chính là biến đổi khí hậu (BĐKH) làm cho các hiện tượng thời tiết toàn vùng diễn biến bất thường, khốc liệt, khó dự đoán. ĐBSCL có hệ thống kênh rạch dày đặc, chịu ảnh hưởng của hai chế độ thủy triều phức tạp, do BĐKH tác động làm cho nước biển dâng dẫn đến diện tích xâm nhập mặn sâu và rộng hơn nên khó kiểm soát.

     Chế độ thủy văn hạ lưu chịu tác động trực tiếp của dòng chảy thượng nguồn sông Mê Kông, trong khi các thông tin về vận hành của các hồ chứa thượng nguồn không đầy đủ làm cho công tác dự báo lượng nước về vùng hạ lưu gặp nhiều khó khăn. Hiện sông Mê Kông có 176 hồ chứa thủy điện, thủy lợi đang vận hành, trong đó, trên dòng chính sông Mê Kông  gồm 7 thủy điện ở Trung Quốc, 1 thủy điện tại Lào; trên dòng nhánh có 2 thủy điện tại Thái Lan và 166 thủy điện tại Lào.

     Mặt khác, áp lực về gia tăng dân số và phát triển kinh tế - xã hội  làm thu hẹp đất nông nghiệp, gia tăng nguy cơ ngập, lụt ở nhiều khu vực do phát triển bờ bao, khu dân cư vượt lũ làm giảm không gian chứa, thoát lũ làm cho hiện trạng mặt đệm thay đổi nhanh gây khó khăn trong dự báo lũ, ngập lụt.

     Ngoài ra, số lượng các trạm quan trắc, giám sát  KTTV mặc dù đã được quan tâm, đầu tư nhưng vẫn còn mỏng. Cùng với đó, các thiết bị đo còn thiếu đồng bộ, thông tin truyền dẫn phục vụ dự báo, cảnh báo còn hạn chế; công nghệ tự động đã và đang được ứng dụng nhưng chưa đảm bảo đầy đủ trên diện rộng... 

     Để khắc phục những khó khăn trên, trong thời gian tới, Đài KTTV khu vực Nam Bộ sẽ tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo, nhất là dự báo hạn tháng, mùa; xây dựng hệ thống giám sát, dự báo cảnh báo sớm diễn biến nguồn nước, hạn hán, xâm nhập mặn và sụt lún, sạt lở bờ sông bờ biển vùng ĐBSCL; tập trung nguồn lực để phát triển mạng lưới quan trắc KTTV đồng bộ theo hướng hiện đại và tự động hóa; kịp thời cung cấp thông tin, dữ liệu, phân tích dự báo cho Trung tâm tích hợp dữ liệu vùng ĐBSCL phục vụ xây dựng chiến lược, quy hoạch, hoạch định chính sách phát triển và các hoạt động kinh tế - xã hội khác của vùng. Xây dựng hệ thống giám sát nguồn nước, diễn biến xâm nhập mặn và sụt lún, sạt lở bờ sông, bờ biển. bao gồm cả phần thượng nguồn, toàn lưu vực vùng ĐBSCL. Phối hợp chặt chẽ với Ủy hội sông Mê Kông quốc tế, trao đổi thông tin vận hành hồ chứa; bảo vệ công trình, hành lang kỹ thuật KTTV; đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức về KTTV…

ThS. Mai Thị Duyên

Trường Sĩ quan Lục Quân 1

Nguyễn Nhật Minh

Trung tâm ứng dụng công nghệ KTTV- Tổng cục Khí tượng thủy văn

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 4/2021)

 

     Tài liệu tham khảo

  1. Báo cáo vai trò của công tác KTTV trong dự báo, cảnh báo thiên tai, đặc biệt là lũ lụt, xâm nhập mặn, ứng phó với sụt lún, sạt lở phục vụ phát triển kinh tế xã hội bền vững vùng ĐBSCL của Tổng cục KTTV  tại Hội nghị lần thứ 3 về phát triển bền vững ĐBSCL ứng phó với BĐKH (13/3/2021).
  2. Kết quả thực hiện nhiệm vụ khảo sát, dự báo, cảnh báo thiên tai, khí tượng thủy văn phục vụ phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng  ĐBSCL - Đài KTTV Nam Bộ.
  3. Báo cáo về lũ lụt, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển - Tổng cục phòng chống thiên tai - Bộ NN&PTNT.
  4. Nguy cơ suy giảm mực nước, xâm nhập mặn, sụt lún nền đất và các giải pháp giảm thiểu vùng ĐBSCL nhất trong giai đoạn 2013-2018 và dự báo xu thế suy giảm cho 5 năm tiếp theo 2018-2023 - Trung tâm Quy hoạch điều tra tài nguyên nước quốc gia.
  5. Báo cáo Tài nguyên nước và giải pháp ứng phó với sụt lún đất khu vựcthànhphố Hồ Chí Minh và vùng  ĐBSCL năm 2019

 

 

Ý kiến của bạn