Banner trang chủ

Phát huy vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp tỉnh Bắc Ninh trong công tác bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng nông thôn mới

15/03/2022

    Năm 2021, tình hình dịch Covid - 19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nhưng dưới sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, sự phối hợp của các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Bắc Ninh đã nỗ lực phấn đấu, bám sát sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN, tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức hoạt động, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác BVMT.

Hiệu quả từ những mô hình BVMT

    Trong những năm gần đây, các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị và nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh phát triển nhanh, dân số cơ học tăng cao làm cho lượng rác thải sinh hoạt phát sinh ngày càng nhiều, gây ô nhiễm môi trường. Theo thống kê từ Sở TN&MT tỉnh Bắc Ninh, trên địa bàn toàn tỉnh mỗi ngày phát sinh khoảng 870 tấn rác thải sinh hoạt, và mỗi năm tăng thêm khoảng 10%, tập trung tại các địa phương có nhiều công nhân làm việc tại các khu công nghiệp. Tình trạng quá tải ở các bãi rác tập trung, nước thải không được xử lý gây ô nhiễm, còn tình trạng đổ trộm rác thải ra ven đường, kênh mương...; nhiều thôn, khu phố và hầu hết các gia đình chưa phân loại rác thải từ hộ gia đình.

    Trước những thách thức trên, phát huy vai trò của Hội LHPN các cấp tỉnh Bắc Ninh trong công tác BVMT, góp phần xây dựng NTM, từ năm 2018 đến nay, các cấp Hội phụ nữ tỉnh đã đăng ký với cấp ủy, chính quyền cùng cấp và triển khai thực hiện có hiệu quả hơn 960 công trình BVMT, với nhiều mô hình hay cách làm mới, sáng tạo góp phần tham gia xây dựng NTM được các cấp Hội duy trì và phát triển, nhân rộng, có sức lan tỏa cao trong cộng đồng, như mô hình “Làng 3 sạch/ Khu phố 3 sạch”, “Làng NTM kiểu mẫu/Khu dân cư kiểu mẫu”, “Khu dân cư không rác thải”, “Chi hội phụ nữ 5 không 3 sạch” hay “ Đường hoa/ đường cây phụ nữ”,  đoạn đường  phụ nữ tự quản …

    Một trong những mô hình tiêu biểu về BVMT được các cấp Hội phụ nữ tỉnh triển khai có hiệu quả là: “Mô hình phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình bằng vi sinh IMO”. Đây là mô hình do Hội LHPN tỉnh phối hợp với “Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ ngành bán lẻ” thực hiện từ năm 2020. Để triển khai mô hình, các cấp Hội phụ nữ tỉnh đã tổ chức tập huấn hướng dẫn phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại 8 huyện, thị xã, thành phố cho cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia; tổ chức tặng các thùng để xử lý rác hữu cơ làm vi sinh IMO cho các hộ gia đình. Do thành phần của vi sinh IMO được làm từ nước sạch, men rượu, sữa chua, men tiêu hóa, chuối chín, đường phèn, cám gạo nên rất thân thiện với môi trường. Ngoài việc sử dụng vi sinh IMO trong xử lý rác thải hộ gia đình, các cấp Hội phụ nữ còn hướng dẫn các hộ gia đình sử dụng trong sản xuất, chăn nuôi và tại các bãi tập kết rác thải ở địa phương. Điển hình như Hội LHPN huyện Gia Bình đã sử dụng vi sinh IMO để  xử lý rác thải tại 14 bãi tập kết rác thải sinh hoạt tại 14 xã/thị trấn của huyện.

    Đến nay, sau hơn một năm triển khai mô hình, các cấp Hội phụ nữ tỉnh đã vận động được 45.332 hộ gia đình hội viên phụ nữ (chiếm tỷ lệ 22,3%) thực hiện phân loại rác thải tại nguồn và sử dụng vi sinh IMO để xử lý rác hữu cơ; có 357 mô hình kinh tế hộ, hợp tác xã do phụ nữ làm chủ ứng dụng IMO trong sản xuất và chăn nuôi, trong đó có 63 hộ nuôi trồng thủy sản, 88 trang trại chăn nuôi, 206 hộ trồng trọt...

    Với phương pháp đơn giản, dễ làm, giá thành rẻ, hội viên phụ nữ có thể tự làm tại nhà, nguyên liệu sẵn có tại địa phương, mô hình đã thu hút các hộ gia đình trên địa bàn tự giác thực hiện thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn. Nhiều hộ còn học hỏi và tự ủ phân vi sinh tại nhà để chăm bón cho rau màu, cây trồng trong vườn. Từ khi áp dụng mô hình, lượng rác thải phát sinh đã giảm đáng kể, người dân cũng không đổ rác bừa bãi ở rìa đường, ven bờ kênh mương, tạo cảnh quan môi trường trong lành.

    Có thể khẳng định, mô hình phân loại và xử lý rác hữu cơ bằng vi sinh IMO nếu được sử dụng rộng rãi trong các hộ gia đình, trở thành thói quen hàng ngày sẽ góp phần rất lớn giảm thiểu rác sinh hoạt thải ra các bãi rác tập trung, làm sạch môi trường đất, nước, không khí, xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, tạo ra sản phẩm nông nghiệp hữu cơ bền vững, qua đó phát triển kinh tế, tăng thu nhập, tạo động lực giúp phụ nữ mạnh dạn khởi nghiệp tại địa phương.

    Ngoài ra, nhiều mô hình BVMT cũng được Hội LHPN tỉnh chỉ đạo các cấp Hội tích cực triển khai như:  Mô hình “Khu dân cư không rác thải”, với 8.609 hộ tham gia; “Làng/khu phố 3 sạch”, với 45.074 hộ tham gia; duy trì hiệu quả 12 “Làng NTM/khu dân cư kiểu mẫu”, với 2.976 hộ tham gia, 12 “Chi hội Phụ nữ 5 không- 3 sạch”.... với gần 63.800 hộ gia đình tham gia, chủ yếu ở các huyện Lương Tài, Gia Bình, Yên Phong, Quế Võ, Tiên Du.

Các đồng chí lãnh đạo Hội LHPN tỉnh Bắc Ninh tham gia trồng cây tại huyện Lương Tài

    Không chỉ thực hiện những phong trào BVMT, những năm qua, các cấp Hội phụ nữ tỉnh Bắc Ninh đã vận dụng cách làm sáng tạo, linh hoạt vào việc xây dựng NTM. Trong đó, phải kể tới thành công của cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”. Trong đó, mô hình “làng 3 sạch” sau hơn một năm triển khai thí điểm đã mang lại những hiệu quả thiết thực. Qua đó, góp phần vào phát triển văn hóa - xã hội cũng như xây dựng NTM tại địa phương. Từ cách làm sáng tạo của Hội phụ nữ các cấp, phong trào xây dựng NTM, đô thị văn minh đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

    Từ những kết quả đạt được cho thấy, nhờ công tác phối hợp chặt chẽ của các Sở, ban, ngành, đoàn thể, cũng như sự hưởng ứng, tham gia tích cực của người dân  đã đóng góp vào thành công của các mô hình BVMT. Bên cạnh những thuận lợi còn có một số khó khăn như: Ý thức của một số hộ gia đình ở địa phương khi tham gia phân loại, xử lý rác từ đầu nguồn chưa cao, nên còn một bộ phận người dân chưa tự giác tham gia, hoặc tham gia một thời gian ngắn sau lại bỏ, do vậy hiệu quả của mô hình còn mức độ nhất định. Một số nơi cấp ủy, chính quyền chưa thực sự quan tâm chỉ đạo các ngành ở địa phương phối hợp, vào cuộc với Hội Phụ nữ trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia, do vậy hiệu quả còn hạn chế. Kinh phí tổ chức các hoạt động còn hạn hẹp, một số hoạt động BVMT chưa thật sự đi vào cuộc sống hàng ngày.

    Mặt khác, các hộ tham gia chưa tự mua sắm dụng cụ, thiết bị, nguyên liệu nhân nuôi vi sinh IMO để thực hiện xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình, còn tư tưởng trông chờ vào hỗ trợ của các cấp, các ngành mới thực hiện.

Tổ phụ nữ "sinh kế" thôn Phượng Trì, Thị trấn Thứa, huyện Lương Tài sử dụng vi sinh IMO để bón cho cây trồng

Đề xuất những giải pháp

    Nhằm tiếp tục phát huy những kết quả đạt được của các cấp Hội, cán bộ, hội viên phụ nữ của tỉnh những năm qua, nhiệm kỳ 2021-2026, Hội LHPN tỉnh chọn một trong 3 khâu đột phá trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh lần thứ XVII là “Phát huy vai trò của Phụ nữ và tổ chức Hội trong BVMT, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Để thực hiện hiệu quả  mục tiêu trên, Hội LHPN tỉnh đề xuất một số giải pháp sau:

    Đề nghị Tỉnh ủy tiếp tục chỉ đạo, quán triệt đến đảng viên trong toàn Đảng bộ, tuyên truyền vận động đến người dân thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 8/11/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường”, xác định đây là nhiệm vụ mà cả hệ thống chính trị vào cuộc, kiên quyết, kiên trì, tăng cường kiểm tra giám sát việc thực hiện Nghị quyết ở cấp ủy đảng các cấp, đồng thời lấy kết quả tổ chức thực hiện để đánh giá thi đua của tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, địa phương và nhất là người đứng đầu.

    Các cấp ủy, chính quyền thường xuyên quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện hỗ trợ về kinh phí; Ban ngành chuyên môn phối hợp chặt chẽ để Hội LHPN triển khai thực hiện và nhân rộng các mô hình phụ nữ tham gia BVMT đang triển khai hiệu quả như: Mô hình đường hoa, đường cây phụ nữ, làng/khu phố 3 sạch, mô hình khu dân cư không rác thải; làng/khu phố kiểu mẫu... nhằm nâng cao hiệu quả các hoạt động BVMT nông thôn, góp phần duy trì và nâng cao tiêu chí số 17 về môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân tại các xã đạt chuẩn NTM.

    Đặc biệt, Hội LHPN tỉnh xin chủ trương của tỉnh ủy triển khai nhân rộng mô hình phân loại và xử lý rác hữu cơ bằng vi sinh IMO đến cán bộ, hội viên, phụ nữ và các hộ gia đình trên địa bàn toàn tỉnh, phấn đấu mỗi hộ gia đình đều hình thành thói quen phân loại rác thải ngay tại hộ. Tập trung xây dựng mô hình điểm tại 30 xã dự kiến đạt chuẩn NTM nâng cao ở 6 huyện được UBND tỉnh chọn tại Kế hoạch số 387/KH-UBND ngày 01/7/2021 về “Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021 - 2025”

    Ngoài ra, trên cơ sở thực tiễn và căn cứ những quy định mới tại Luật BVMT năm 2020, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025, các cấp Hội LHPN đẩy mạnh công tác tuyên tuyền phổ biến đến cán bộ, hội viên phụ nữ và các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn những quy định mới của pháp luật về BVMT; tăng cường sự giám sát của cộng đồng dân cư và biểu dương, động viên kịp thời các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt công tác BVMT.

ThS. Nguyễn Phương Mai

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bắc Ninh

Ý kiến của bạn