Banner trang chủ

Một số giải pháp góp phần cải thiện chất lượng không khí

26/07/2024

    Để giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí ở Việt Nam hiện nay, bên cạnh việc cần hoàn thiện hệ thống chính sách và các quy định pháp luật để quản lý chất lượng môi trường không khí; nâng cao hiệu quả làm việc của bộ máy quản lý môi trường không khí ở Trung ương và các địa phương; tăng cường kiểm soát, kiểm tra nguồn thải từ các phương tiện giao thông cơ giới, chúng ta cần chú trọng thực hiện các giải pháp sau:

    1. Cải thiện thói quen sinh hoạt

    Một trong những biện pháp khắc phục ô nhiễm không khí hiệu quả nhất chính là cải thiện thói quen sinh hoạt, việc này có thể được thực hiện bằng cách xử lý rác thải đúng cách, không đốt rác hoặc những nhân tố dư thừa bừa bãi... góp phần hạn chế lượng khí thải độc hại và bụi bẩn bị đẩy ra môi trường.

Than, dầu hỏa và nhiên liệu đốt nói chung đều là những tài nguyên thiên nhiên có hạn. Quá trình đốt than, dầu hỏa làm sản sinh ra CO2 - Một loại khí gây hiệu ứng nhà kính; hhoạt động đốt cháy cũng làm sản sinh các loại bụi mịn trong không khí, gây ra các loại bệnh về hô hấpm. Do đó, người dânnên thay thế các nhiên liệu đốt từ than, củi, gas sang thiết bị điện, vừa an toàn, vừa khắc phục được ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, quá trình đốt nhiên liệu gây sản sinh ra các loại khí, khói bụi và kim loại vô cùng độc hại, không những gây ô nhiễm không khí mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Vì thế, chúng ta nên tiết kiệm điện năng bằng cách: Tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, dùng những sản phẩm tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng sạch…; sử dụng phương tiện công cộng cho việc di chuyển để giảm khí thải từ phương tiện giao thông.

    2. Làm xanh không khí ngay tại nơi mình sống

    Làm sạch không khí là việc của mỗi người và nên tổ chức thường xuyên, bắt đầu từ những việc nhỏ nhặt như trồng cây xanh để tạo ra môi trường sống tốt, đây là một trong các biện pháp hiệu quả nhất và đã được áp dụng lâu đời.

    Một số loại cây nổi tiếng trong việc làm sạch không khí, tiêu biểu như:

    Cây lưỡi hổ: Không chỉ được biết đến với khả năng phát triển mạnh trong điều kiện ánh sáng yếu, cây lưỡi hổ còn được biết đến là loại cây có khả năng thanh lọc không khí tốt, hấp thụ các chất độc như benzen, formaldehyde và xylene trong khi thải ra oxy. Cây lưỡi hổ là lựa chọn hàng đầu để vừa trang trí không gian sống vừa giảm thiểu ô nhiễm trong nhà.

    Lô hội: Ngoài chất gel làm dịu, lô hội còn có khả năng loại bỏ formaldehyde và benzen trong không khí rất hiệu quả. Lô hội là một loại cây rất dễ trồng có khả năng sống sót cao và ít chăm bón, vì vậy hãy thử trồng vài chậu lô hội trong nhà để có một không gian sống trong lành hơn.

    Dương xỉ Boston: Loài cây này có hiệu quả trong việc loại bỏ các chất ô nhiễm như formaldehyde và xylene. Chúng cũng hoạt động như máy tạo độ ẩm tự nhiên, giúp duy trì độ ẩm trong nhà tối ưu.

    Cây cọ tre: Mang nét đặc trưng của vùng nhiệt đới, cây cọ tre có khả năng lọc các chất ô nhiễm như benzen và trichloroethylene rất tốt. Bên cạnh khả năng thanh lọc không khí, cọ tre cũng là loại cây có tính thẩm mỹ cao, tạo thêm điểm nhấn cho không gian trong nhà đồng thời cọ trẻ phát triển mạnh trong điều kiện ánh sáng yếu.

Tích cực trồng cây xanh là một trong những giải pháp hữu hiệu giúp cải thiện chất lượng không khí

    Hoa cúc: Không chỉ mang lại cho căn nhà vẻ đẹp của những bông hoa rực rỡ, cây hoa cúc còn có khả năng lọc các chất ô nhiễm như benzen và amoniac. Trồng những khóm hoa cúc trong nhà vừa giúp gia chủ loại bỏ những yếu tố gây ô nhiễm không khí, vừa mang lại bầu không khí vui vẻ, sắc màu cho bất kỳ căn phòng nào.

    Cây cao su: Có khả năng loại bỏ các chất ô nhiễm trong nhà rất tốt, bao gồm cả formaldehyde. Những chiếc lá to, bóng của cây cao su làm cho nó trở thành một điểm nhấn cho không gian sống, đây cũng là loại cây có sức sống dẻo dai và dễ chăm sóc.

    Có thể thấy, trồng cây xanh tại các công viên và vỉa hè ở các đô thị lớn để giảm tình trạng khí thải, khói bụi và góp phần làm hạ nhiệt độ cũng như tăng sự trong lành không khí. Ở những khu vực bị ô nhiễm nặng, việc kết hợp trồng những cây trang trí này góp phần đáng kể vào việc cải thiện chất lượng không khí, tạo ra một môi trường sống lành mạnh hơn. Mặt khác, trồng và phát triển những khu rừng nhân tạo cũng là một biện pháp cực kỳ hữu ích.

    Ngoài trồng cây xanh giúp điều hòa không khí, chúng ta cần phải dọn dẹp nơi ở gọn gàng; không sử dụng thuốc lá trong nhà, giúp không khí mát mẻ và ngăn chặn các hạt bụi nhỏ; sử dụng máy lọc không khí, đây là biện pháp khắc phục ô nhiễm không khí tốn kém hơn các biện pháp khác, nhưng sẽ đem lại hiệu quả cao, bởi máy lọc sẽ thu hút bụi bẩn và các chất có hại trong không khí như ẩm nấm mốc, đồng thời tỏa ra khí mát, trong sạch.

    3. Xử lý khí thải, chất thải công nghiệp đúng quy định

    Để có thể khắc phục ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất, các doanh nghiệp phải tuân thủ những quy định về xử lý và đưa chất thải ra môi trường; thay thế máy móc lạc hậu bằng các dây chuyền sản xuất hiện đại và tiên tiến, hạn chế gây ô nhiễm không khí nói riêng, ô nhiễm môi trường nói chung. Bên cạnh đó, thay thế nhiên liệu đốt cháy từ than đá, dầu mazut bằng việc sử dụng điện để ngăn chặn ô nhiễm không khí bởi mồ hóng và SO2, bởi không khí sau khi được lọc sạch chất thải sẽ được thải ra môi trường, góp phần giảm thiểu ô nhiễm không khí rõ rệt.

    Xử lý chất thải bằng công nghệ Bioflter (lọc sinh học) là biện pháp mang tính đột phá trong các biện pháp khắc phục ô nhiễm không khí dành cho các nhà máy, xí nghiệp. Các nhà máy, xí nghiệp cần cải thiện lại đường dẫn ống khói và chất thải qua bộ lọc sinh học và xử lý chất thải gây hại trước khi thải ra môi trường. Chi phí lắp đặt công nghệ Bioflter thấp và dễ dàng vận hành, sẽ giúp khử mùi, khử bụi trong không khí, rất phù hợp cho doanh nghiệp.

    4. Biện pháp khắc phục ô nhiễm không khí ngoài trời

    Các con đường xuống cấp hoặc đường đất chưa trải nhựa là nơi bụi bặm xuất hiện nhiều nhất. Do đó, việc ưu tiên đầu tiên là phải cải thiện đường sá, nhất là đường nhựa, phải định kỳ sử dụng xe tưới nước rửa đường để giảm thiểu số lượng bụi bay lên không khí.

Phát triển và khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện công cộng như xe điện để giảm chất thải, ùn tắc hoặc sử dụng xe đạp/đi bộ nếu điểm đến gần, qua đó làm giảm mật độ khói bụi và các chất thải do quá trình đốt cháy nhiên liệu xăng dầu trong không khí, nhất là vào giờ cao điểm.

    Khi chất lượng không khí kém, cảnh báo người dân đeo khẩu trang khi ra đường; tránh tập thể dục bên ngoài, thay vào đó là sử dụng máy tập thể dục hoặc đi dạo trong nhà ở trung tâm thương mại hoặc phòng tập thể dục; hạn chế thời gian cho trẻ em chơi bên ngoài.

    Tại khu vực nông thôn, cần đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân ứng dụng mô hình chăn nuôi xanh giúp cải thiện ô nhiễm, tăng sản xuất; gom rác và đổ rác đúng nơi tập kết; hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu...

Gia Linh

Ý kiến của bạn