Banner trang chủ

Lực lượng thu gom rác dân lập - “mắt xích” quan trọng trong chuỗi giá trị tái chế rác thải

30/06/2021

     Để giải quyết bài toán rác thải sinh hoạt, ngoài các giải pháp công nghệ, chính sách, thì một yếu tố cũng quan trọng không kém đó là sự chung tay, góp sức của toàn xã hội, trong đó có các tổ chức quốc tế, ttổ chức phi chính phủ… vào công tác quán lý rác thải sinh hoạt.

     Là một tổ chức phi chính phủ quốc tế hoạt động trong lĩnh vực phát triển cộng đồng, BVMT, xóa đói giảm nghèo, quản lý rác thải..., nhiều năm qua, Tổ chức Hành động vì Môi trường và Phát triển tại Việt Nam (Enda Việt Nam) đã có những đóng góp đáng kể cho công tác BVMT, đặc biệt là quản lý rác thải tại Việt Nam. Hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường và Ngày Môi trường thế giới (5/6), Tạp chí Môi trường có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Hoài Linh - Giám đốc Enda Việt Nam về vấn đề này.

Bà Nguyễn Thị Hoài Linh - Giám đốc Enda Việt Nam

     PV: Xin bà giới thiệu đôi nét về Enda Việt Nam và hoạt động hỗ trợ cho công tác quản lý rác thải tại Việt Nam trong thời gian qua?

     Bà Nguyễn Thị Hoài Linh: Enda Việt Nam là thành viên của Enda Tiers Monde - một tổ chức phi chính phủ quốc tế có trụ sở tại Dakar (Senegal). Enda Việt Nam đã hoạt động tại các tỉnh, thành phố (TP) của Việt Nam từ năm 1995 trong các lĩnh vực về nghèo đô thị. Trong đó, tập trung vào việc quản lý hệ thống rác thải bền vững dựa vào cộng đồng, nâng cao ý thức về BVMT, nâng cấp nhà ở cho người có thu nhập thấp, các quỹ tiết kiệm, xây dựng mạng lưới cho cộng đồng... Đến nay, Enda Việt Nam đã có mặt tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, TP. Quy Nhơn (Bình Định), Hà Tĩnh…

     Enda hoạt động với tầm nhìn và sứ mệnh là góp phần xây dựng một xã hội Việt Nam hòa bình, dân chủ, bình đẳng, tích cực phát triển các chiến lược về môi trường, xã hội và kinh tế để nâng cao đời sống của người dân Việt Nam.

     Với sự tài trợ của các tổ chức, cơ quan quốc tế, Enda Việt Nam đã triển khai nhiều dự án trong lĩnh vực thu gom, quản lý rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa như: Dự án Tăng cường tiếp cận an sinh xã hội cho người thu gom rác dân lập (NTGRDL) tại TP. Hồ Chí Minh (2011 - 2015); Giới và sinh kế bền vững cho NTGRDL tại quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh (2016 - 2017); Quản lý rác thải bền vững và vì người nghèo tại TP. Quy Nhơn (Bình Định) (2011 - 2015); Tăng cường tiếp cận an sinh xã  hội và tái chế rác thải nhựa cho NTGRDL tại TP. Hồ Chí Minh (2018 - 2020).

     Các dự án trên tập trung vào các lĩnh vực: Hỗ trợ an sinh xã hội cho NTGRDL như tặng quần áo bảo hộ lao động, ủng, khẩu trang, hỗ trợ bảo hiểm y tê và bảo hiểm tai nạn, tập huấn nâng cao nhận nhận thức cho NTGRDL; Thành lập các hợp tác xã (HTX), Liên hiệp HTX của NTGRDL và xây dựng năng lực cho NTGRDL; Truyền thông cho cộng đồng về phân loại rác tại nguồn, ô nhiễm rác thải nhưạ, vận động cộng đồng chung tay BVMT; Phối hợp với UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức Triển lãm Photo-voice: Rác - Sống và Yêu; Rác - Sống và Ngẫm tại các sự kiện như Ngày Hội Sống xanh, Ngày Hội tái chế để nâng cao nhận thức cho cộng đồng về BVMT và chống ô nhiễm rác thải nhựa; Tổ chức các sự kiện nhặt rác, nạo vét kênh mương vào Ngày Môi trường thế giới, Ngày Đại Dương thế giới: Triển khai hội nghị/hội thảo về vận động thay đổi chính sách/quyết định ảnh hưởng đến đời sống, điều kiện làm việc của NTGRDL như chính sách về chi phí thu gom rác, phương tiện thu gom rác, phân loại rác tại nguồn; Kết nối thị trường tiềm năng để tăng cơ hội tái chế rác, đặc biệt là rác thải nhựa nhằm góp phần tăng thu nhập của NTGRDL; Áp dụng giải pháp “biến rác thải thành tài nguyên”, xây dựng mô hình trung tâm hoàn nguyên tổng hợp do cộng đồng quản lý tại TP. Quy Nhơn…

     Đặc biệt, trong các đợt dịch Covis-19 bùng phát tại TP. Hồ Chí Minh vừa qua, Enda Việt Nam đã vận động các cơ quan quốc tế để hỗ trợ cho lực lượng NTGRDL và những người thu lượm ve chai, đồng nát trên địa bàn TP. Qua đó, họ được cung cấp các vật dụng cần thiết để bảo vệ sức khỏe và đảm bảo cuộc sống như gel rửa tay, khẩu trang, quần áo bảo hộ lao động, gạo…

     PV: Được biết, đối tượng hỗ trợ của hầu hết các dự án trên đều là những NTGRDL thuộc hộ nghèo, cận nghèo, vậy trong quá trình triển khai, Enda Việt Nam đã gặp khó khăn, thách thức gì, thưa Bà?

     Bà Nguyễn Thị Hoài Linh: Dù đã có chủ trương, chính sách, nhưng để việc triển khai đạt hiệu quả đòi hỏi sự chỉ đạo sát sao và vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, ngành. Tuy nhiên, đôi khi, chính quyền địa phương triển khai chậm các chủ trương, chính sách đã đề ra nên chưa đạt được hiệu quả.

     Ngoài ra, việc thay đổi hành vi của con người, thậm chí là toàn xã hội về BVMT không phải một sớm, một chiều, mà cần thời gian, sự kiên nhẫn và phối hợp nhất quán từ dưới lên trên (truyền thông, vận động), từ trên xuống dưới (các chính sách).

NTGRDL được cung cấp lương lực

     Mặt khác, hệ thống cơ sở hạ tầng, trang thiết bị trong hoạt động quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khác của Việt Nam không đồng bộ, dẫn đến nhiều khó khăn khi triển khai công tác phân loại rác tại nguồn. Hơn nữa, phần lớn NTGRDL là người nghèo, cận nghèo, chủ yếu từ các tỉnh khác đến TP. Hồ Chí Minh sinh sống, làm việc, do không có hộ khẩu nên khó tiếp cận các chương trình vì người nghèo của TP, hay chương trình an sinh xã hội khác. Bên cạnh đó, các thủ tục để xin phê duyệt dự án cần nhiều thời gian, dẫn đến chậm tiến độ triển khai hoạt động tại địa phương.

     PV: Bà có thể cho biết một số kết quả chính của các dự án?

     Bà Nguyễn Thị Hoài Linh: Nhận thức được vai trò của những người đồng nát, ve chai, NTGRDL, cũng như thấu hiểu nỗi nhọc nhằn, khó khăn mà họ đang phải gánh chịu, các dự án của Enda Việt Nam triển khai hoạt động theo 2 hướng tiếp cận, bao gồm hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp thông qua vận động chính sách. Qua đó, Enda Việt Nam đã giúp NTGRDL tham gia vào các mạng lưới, hợp tác xã để liên kết với nhau, tạo ra chỉnh thể nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động thu gom rác, tăng thu nhập, góp phần cải thiện cuộc sống của họ. Đến nay, cơ bản, thu nhập của những NTGRDL dã tăng từ 60 - 80% so với trước đây, bao gồm cả nguồn thu từ việc bán rác tái chế.

     Với các dự án được triển khai tại TP. Hồ Chí Minh trong thời gian qua, Enda Việt Nam đã tiếp cận và hỗ trợ cho 2.700 NTGRDL; 100% NTGRDL được cung cấp trang thiết bị bảo hộ lao động; 40% NTGRDL được bảo hiểm y tế và 100% được bảo hiểm tai nạn. Ngoài ra, Enda Việt Nam cũng tổ chức đào tạo tập huấn về phương pháp phân loại rác, quản lý rác thải nguy hại, cách thức ứng phó khi xảy ra rủi ro cho NTGRDL và những người hành nghề thu gom đồng nát, ve chai. Thông qua đó, họ được nâng cao nhận thức về công tác BVMT, hiểu rõ ý nghĩa, trách nhiệm của mình để thực hiện đúng các quy định, pháp luật trong quản lý rác thải. Nhờ các hoạt động truyền thông của Enda Việt Nam, những NTGRDL không còn mặc cảm về nghề như trước, họ được đối thoại trực tiếp với chính quyền địa phương về những quy định, chính sách ảnh hưởng đến công việc của họ. Đồng thời, chính quyền TP cũng có đánh giá, nhìn nhận chính xác hơn về vai trò và giá trị của lực lượng thu gom rác thải phi chính thức, xem họ là một “mắt xích” trong chuỗi giá trị tái chế rác thải, để từ đó có những chính sách hỗ trợ cụ thể, thiết thực.

     Mặt khác, người dân trên địa bàn mà dự án triển khai cũng có ý thức hơn về BVMT, tác hại của ô nhiễm rác thải nhựa và dần dần thay đổi hành vi trong phân loại rác, bỏ rác đúng nơi quy định. Đặc biệt, nhiêu người đã hiểu hơn về vai trò của lực lượng NTGRDL trong hoạt động quản lý rác thải nên đã có sự tôn trọng, hợp tác và tạo điều kiện tốt hơn cho NTGRDL hoàn thành công việc.

     PV: Bà có đề xuất gì để nâng cao hiệu quả công tác quản lý CTRSH tại Việt Nam trong thời gian tới?

     Bà Nguyễn Thị Hoài Linh: Như đã biết, Luật BVMT năm 2020 sẽ có hiệu lực từ tháng 1/2022, nên rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ, tích cực của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, sự tham gia thực hiện của đông đảo người dân trong công tác BVMT nói chung, quản lý CTRSH nói riêng.

     Để đạt hiệu quả trong triển khai, thực hiện những quy định liên quan đến quản lý rác thải trong Luật BVMT năm 2020, chính quyền các địa phương cần phải tiến hành đồng bộ các giải pháp từ việc ban hành chủ trương, chính sách, đến đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải. Đồng thời, phải có cơ chế phối hợp rõ ràng, chặt chẽ trong công tác thu gom rác giữa lực lượng chính thức là các công ty môi trường đô thị, dịch vụ công ích như CITENCO/URENCO và phi chính thức là NTGRDL, những người buôn đồng nát, ve chai. Xã hội cần có cái nhìn tôn trọng hơn với NTGRDL, coi họ là một nhân tố quan trọng để phát triển “văn hóa phân loại rác thải tại nguồn”, đặc biệt là chống ô nhiễm rác thải nhựa, giúp thu gom, phân loại và cung cấp đầu vào cho các cơ sở tái chế rác.

     Đặc biệt, cần tăng cường vai trò giám sát của cộng động và sự tham gia của các tổ chức dân sự, tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ… trong công tác quản lý CTRSH tại Việt Nam trong thời gian tới.

     PV: Xin cảm ơn Bà!

Phương Linh (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 6/2021)

 

 

 

 

Ý kiến của bạn