Banner trang chủ

Hiện tượng sương mù và các biện pháp bảo vệ sức khỏe

10/02/2025

    Hiện tượng sương mù thường xảy ra hàng năm vào mùa đông, nhất là ở các tỉnh phía Bắc, khu vực miền núi. Tại Hà Nội, hiện tượng này khá hiếm, nhưng đã xuất hiện trong thời gần đây; đây là vấn đề của thời tiết và khí hậu. Bộ Y tế cảnh báo, trong thời tiết sương mù, nồm ẩm rất dễ lây lan các bệnh về hô hấp; khi ra đường, người già và trẻ em cần giữ ấm, đeo khẩu trang để phòng bệnh.

    Các chuyên gia cũng cho rằng, sương mù là hiện tượng tự nhiên, là độ ẩm không khí tạo thành, không hẳn là ô nhiễm không khí, tuy nhiên, độ ẩm tăng cao cũng làm cho một số bệnh truyền nhiễm dễ lây lan hơn. Hiện tượng sương mù không phải vấn đề quá lớn với sức khỏe, nhưng người dân cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh trong thời điểm này. Hiện nay, thời tiết vẫn diễn biến bất thường, tại khu vực miền Bắc đang là mùa giá lạnh, hanh khô, xen kẽ những ngày nồm ẩm là nguyên nhân nhiều dịch bệnh truyền nhiễm lây lan, nhất là bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Trong bối cảnh nhu cầu giao thương, du lịch đang ngày càng tăng cao và mùa lễ hội sắp tới, nguy cơ gia tăng các bệnh truyền nhiễm là rất cao. Những bệnh truyền nhiễm dễ lây lan thời điểm này là: Cúm, COVID-19, sởi, thủy đậu…

    Để chủ động công tác phòng, chống dịch và kiểm soát hiệu quả các dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là các bệnh lây qua đường hô hấp, Bộ Y tế đã liên tục có các công văn chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống dịch; thường xuyên cung cấp, cập nhật các khuyến cáo, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh mùa đông xuân, bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương phối hợp chặt chẽ với các Viện Vệ sinh Dịch tễ, Pasteur và các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế lấy mẫu, giải trình tự gen phát hiện sớm các biến thể mới, các tác nhân gây bệnh, nhất là các tác nhân gây bệnh lây truyền qua đường hô hấp và tổ chức tiêm bổ sung vaccine phòng COVID- 19 cho các nhóm đối tượng, đặc biệt là nhóm nguy cơ cao như người cao tuổi, người mắc bệnh lý nền, phụ nữ mang thai.

    Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương theo dõi, giám sát, phát hiện sớm, xử lý kịp thời triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm, không để lây lan, bùng phát lan rộng ra cộng đồng; tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu để phát hiện sớm, cách ly, xử lý kịp thời những trường hợp nghi ngờ, trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, không để dịch bệnh xâm nhập và lây lan vào Việt Nam; đồng thời, xây dựng phương án sẵn sàng ứng phó với các tình huống của dịch bệnh.

    Đối với người dân, việc chuẩn bị kỹ lưỡng, tuân thủ các biện pháp an toàn sẽ giúp giảm thiểu tác động của sương mù đến sức khỏe và tránh nguy hiểm. Theo đó, mọi  người cần tránh ra đường quá sớm vào buổi sáng, khi sương mù chưa tan, hạn chế di chuyển ngoài trời để giảm nguy cơ hít phải không khí ô nhiễm; đeo khẩu trang y tế giúp lọc bụi mịn, khí độc trong sương, bảo vệ hệ hô hấp; giữ ấm cơ thể, đặc biệt chú ý bảo vệ vùng cổ, ngực và bàn chân để tránh cảm lạnh. Bên cạnh đó, vệ sinh cá nhân, rửa tay, mặt thường xuyên sau khi từ ngoài về, giúp loại bỏ vi khuẩn và bụi bẩn; không phơi đồ qua đêm bởi độ ẩm cao trong sương mù có thể làm quần áo nhiễm nấm mốc, ảnh hưởng đến da và sức khỏe; đi khám khi có triệu chứng bất thường về hô hấp, cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời.

    Ngoài ra, cần đảm bảo an toàn khi di chuyển; kiểm tra phương tiện, đảm bảo hệ thống đèn pha và đèn sương mù hoạt động tốt; sử dụng đèn chiếu gần giúp tăng khả năng quan sát mà không gây lóa mắt người đối diện; đi chậm, giữ khoảng cách để giảm nguy cơ va chạm trong điều kiện tầm nhìn hạn chế; tuân thủ biển báo, lưu ý các biển báo nguy hiểm trên đường và luôn tập trung cao độ.

Thu Hằng

Ý kiến của bạn