Banner trang chủ

Xử lý chất thải rắn đô thị và phục hồi bãi chôn lấp bằng công nghệ đốt của Nhật Bản lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam

31/05/2018

     Nhằm hỗ trợ Việt Nam có thêm cơ sở xem xét áp dụng các công nghệ đốt tiên tiến, thúc đẩy hoạt động quản lý chất thải công nghiệp, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) thông qua Công ty TNHH Actree (Nhật Bản) đã tài trợ lắp đặt và vận hành thử nghiệm lò đốt chất thải Actree tại khu xử lý rác Thủy Phương (thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Để hiểu rõ hơn về công nghệ này, Tạp chí Môi trường có cuộc trao đổi với ông Hiroharu Mizukoshi - Chủ tịch Công ty TNHH Actree.

 

Ông Hiroharu Mizukoshi - Chủ tịch Công ty TNHH Actree

 

     PV: Ông có thể cho biết đôi nét về công nghệ đốt chất thải của Actree?

     Ông Hiroharu Mizukoshi: Ở Nhật Bản, vấn đề xử lý rác thải, đảm bảo an ninh rác được thực hiện hiệu quả nhờ triển khai thành công hệ thống phân loại rác ngay từ đầu và áp dụng công nghệ xử lý, tái chế rác hiện đại. Hệ thống phân loại rác của Nhật Bản tương đối rõ ràng. Mỗi TP, thị trấn và quận đều được bố trí một hệ thống hoàn toàn khác nhau, chẳng hạn như, 23 khu phố ở Tôkyô có hệ thống phân loại rác riêng, tất cả rác có thể đốt cháy được yêu cầu đựng vào túi đỏ, rác không thể đốt cháy đựng trong túi màu xanh dương trong khi giấy, nhựa, chai lọ, nhựa mềm, báo, bìa, thủy tinh và pin đựng ở túi màu trắng.  

     Mỗi năm, Nhật Bản thải khoảng 45.360.000 tấn rác, xếp thứ 8 trên thế giới. Do không có nhiều đất để chôn rác như Mỹ và Trung Quốc, Nhật Bản phải dựa vào giải pháp khác là đốt rác, sử dụng đốt bằng tầng sôi, phương pháp hiệu quả để đốt những vật liệu khó cháy.

     Công ty TNHH Actree có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực công nghệ môi trường (thành lập ngày 1/4/1971), hiện đang cung cấp các loại lò đốt: Chất thải công nghiệp và nguy hại; Chất thải y tế, truyền nhiễm; Rác phát điện; Phục hồi đất bị ô nhiễm; Tái chế tro đốt; Sấy, đốt mùn thải. Đặc biệt, Actree có lợi thế trong việc thiết kế và sản xuất các lò đốt phù hợp với nhiều loại chất thải  như chất thải đô thị, nguy hại và y tế tại Nhật Bản. Một trong những đặc điểm quan trọng của lò đốt Actree là đốt chất thải hoàn toàn trong lò quay thông qua việc cấp lửa từ phía đối diện của điểm nạp chất thải vào lò đốt. Nhờ chức năng này, chất thải có thể được đốt cháy hiệu quả tại buồng thứ cấp. Một đặc điểm nữa đó là lò đốt  Actree có hệ thống xử lý khí gas hoàn thiện với túi lọc khí có thể xử lý khí gas hoàn toàn.

     PV: Tại sao Actree lại chọn Thừa Thiên - Huế làm nơi thử nghiệm công nghệ đốt chất thải tiên tiến đầu tiên tại Việt Nam, thưa ông?

     Ông Hiroharu Mizukoshi: Hiện nay, tại Việt Nam, lượng chất thải phát sinh đang tăng nhanh theo đà tăng trưởng kinh tế. Theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2016, chuyên đề “Môi trường đô thị” của Bộ TN&MT, đến năm 2015, lượng chất thải rắn (CTR) sinh hoạt phát sinh ở khu vực đô thị khoảng 38.000 tấn/ngày với mức gia tăng trung bình 12% mỗi năm. CTR sinh hoạt đô thị có tỷ lệ hữu cơ vào khoảng 54 - 77%, chất thải có thể tái chế (thành phần nhựa và kim loại) chiếm khoảng 8 - 18%. Chất thải nguy hại (CTNH) còn bị thải lẫn vào chất thải sinh hoạt mang đến bãi chôn lấp là 0,02 ÷ 0,82%. CTR y tế phát sinh là 600 tấn/ngày với mức độ gia tăng khoảng 7,6% mỗi năm. Đối với CTR công nghiệp khu vực đô thị, hiện chưa có thống kê con số cụ thể nhưng ước tính khối lượng CTR công nghiệp phát sinh trong các khu vực đô thị khá cao, tập trung ở các ngành cơ khí, dệt may, da giầy và thực phẩm. Ước tính lượng CTNH trong CTR công nghiệp chiếm tỷ lệ khoảng 20 - 30%. Vì thế, nhiều TP lo ngại rằng, chất thải thu gom được chôn lấp tại các bãi chôn lấp (BCL) không qua bước xử lý trung gian sẽ gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt, diện tích dành cho BCL tại nhiều tỉnh, TP ngày càng hạn hẹp.

 

Lò đốt chất thải Actree tại khu xử lý rác Thủy Phương

 

     Trước tình hình trên, năm 2015, Actree được JICA ủy nhiệm thực hiện nghiên cứu về phục hồi BCL ở Việt Nam. Actree đã đi khảo sát ở 19 địa phương trước khi quyết định địa điểm thực hiện dự án thí điểm và nghiên cứu hiện trạng. Kết quả nghiên cứu ở 19 tỉnh cho thấy, tại hơn ½ số BCL (29/44), 95% sức chứa của BCL đã được sử dụng. Bình quân số năm sử dụng còn lại của các BCL đó là 3,3 năm. Cuối cùng, Actree đã lựa chọn tỉnh Thừa Thiên - Huế để tiến hành lắp đặt và vận hành thử nghiệm công nghệ đốt chất thải tiên tiến đầu tiên ở Việt Nam bởi vì tỉnh có nhận thức cao về vấn đề quản lý chất thải, luôn sẵn sàng tham gia vào Dự án. Đặc biệt, chúng tôi cảm nhận được sự cố gắng và nhiệt tình của tỉnh trong việc cải thiện tình hình quản lý CTR. Thực tế, BCL chính của tỉnh Thừa Thiên - Huế được kiểm soát tốt, điều này đã gây ấn tượng với chúng tôi.

     PV: Xin ông cho biết kết quả vận hành thử nghiệm quá trình đốt chất thải công nghiệp tại khu xử lý rác Thủy Phương và những hiệu quả mà công nghệ này mang lại?

     Ông Hiroharu Mizukoshi: Nếu dùng lò đốt thông thường, rác bị chìm xuống dưới. Do đó, lò đốt chất thải Actree tại khu xử lý rác Thủy Phương (Thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế) là lò vừa quay vừa đốt nên có thể đốt toàn bộ rác thải kể cả những CTR nhỏ, chất thải dạng sệt. Với hệ thống lò đốt đang thử nghiệm, không chỉ sử dụng lò quay mà còn có hệ thống xử lý khí thải nên khí thải ra bên ngoài không còn độc, không còn chất hóa học. Chúng tôi đã tiến hành đốt thử nghiệm trong 2 trường hợp: 100% là chất thải nguy hại; 50% là CTNH (hỗn hợp chất thải nguy hại và không nguy hại). Kết quả cho thấy, đốt CTNH với tỷ lệ càng cao thì càng tốt vì như thế có thể làm tăng lợi nhuận. Với mức phí 9.000 VNĐ/1kg đã có thể sinh lợi nhuận. Nếu không đủ CTNH thì có thể đốt hỗn hợp, với mức phí phải mất hơn 16.000 VNĐ/1kg.

     Việc vận hành thử nghiệm đã chứng minh lò đốt Actree có thể được áp dụng cho chất thải Việt Nam. Chúng tôi tự hào rằng, lò đốt của Actree đem lại hiệu quả trong việc xử lý chất thải Việt Nam một cách phù hợp mà không gây ra bất kỳ ô nhiễm thứ cấp nào. Bên cạnh đó, công nghệ này còn giúp kéo dài tuổi thọ của BCL, ngăn ngừa ô nhiễm nguồn nước và dịch bệnh. Tuy nhiên, do khâu phân loại rác ở Việt Nam chưa tốt nên mất thời gian để phân loại rác thải một lần nữa trước khi đưa vào lò. Chúng tôi hy vọng tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tận dụng lò đốt này kể cả sau khi dự án kết thúc thông qua việc lựa chọn chất thải phù hợp để xử lý.

     PV: Ông có đề xuất, kiến nghị gì với các cơ quan chức năng của Việt Nam nhằm đưa công nghệ này áp dụng rộng rãi tại Việt Nam?

     Ông Hiroharu Mizukoshi: Đặc điểm chung giữa Việt Nam và Nhật Bản đều là nước có mật độ dân số cao trên diện tích tự nhiên nhỏ hẹp. Do đó, công nghệ đốt tiên tiến là một trong những giải pháp tối ưu cho tương lai. Tuy nhiên, giữa 2 nước có một số khác biệt về giá trị thông số pháp lý liên quan đến Dự án, ví dụ, nhiệt độ buồng đốt thứ cấp tại Việt Nam quy định là trên 1.050 0C, còn tại Nhật Bản là trên 800 0C. Nhiệt độ quá cao sẽ làm giảm tuổi thọ của lò đốt và tiêu thụ nhiều nhiên liệu, dẫn đến mất nhiều kinh phí.

     Để nhân rộng công nghệ này, trước hết, các cơ quan chức năng của Việt Nam cần phải xem xét và ban hành các văn bản pháp luật về xử lý CTR. Lò đốt được thiết kế để phù hợp với môi trường Việt Nam nên việc xem xét chi phí ban đầu và hoạt động là cần thiết. Đồng thời, cần tăng cường nhận thức của người dân về quá trình phân loại rác ngay từ đầu nguồn. Lò đốt không phải là hộp thần kỳ để loại bỏ chất thải, nhưng nó sẽ làm việc hiệu quả nếu chúng ta có kiến thức và kinh nghiệm tích lũy để lựa chọn các chất thải mục tiêu, đảm bảo việc đốt toàn bộ chất thải và đảm bảo được việc quản lý tài chính, với sự hỗ trợ của việc sắp xếp kinh tế - xã hội thống nhất.

     PV: Xin chân thành cảm ơn ông!

 

Vũ Nhung (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 5/2018)

Ý kiến của bạn