Banner trang chủ

Xây dựng nông thôn mới góp phần phát triển bền vững ở huyện Quảng Xương, Thanh Hóa

05/03/2019

     Quảng Xương là huyện đồng bằng ven biển của tỉnh Thanh Hóa với diện tích tự nhiên 17.422 ha. Hiện nay, hệ thống đơn vị hành chính trực thuộc của huyện Quảng Xương gồm 1 thị trấn và 29 xã, với dân số 188.400 người. Sau gần 8 năm triển khai chương trình nông thôn mới (NTM), với nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo, đến nay huyện Quảng Xương đã đạt được những kết quả quan trọng, trở thành huyện thứ 2 của tỉnh hòan thành 9 tiêu chí huyện NTM.  

     Thực hiện đồng bộ các giải pháp

     Năm 2010, huyện Quảng Xương triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng NTM nhằm xây dựng huyện phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; thay đổi cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ; môi trường sinh thái được bảo vệ; đời sống của người dân ngày càng được nâng cao.

     Xác định Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM là nhiệm vụ quan trọng, cũng như cơ hội để Quảng Xương chuyển mình, bứt phá, huyện Ủy, HĐND và UBND huyện đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng NTM; rà soát, xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng tiêu chí, lộ trình dựa trên tình hình thực tế. Trên cơ sở đó, Quảng Xương đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp để thực hiện các tiêu chí NTM như: Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, cán bộ, cùng nhân dân triển khai xây dựng NTM. Đồng thời, huyện ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện xuống từng xã; xây dựng cơ chế khuyến khích, kích cầu trong NTM… Nhờ đó, huyện đã đạt những kết quả nổi bật trong xây dựng NTM, đưa chương trình về đích đúng theo kế hoạch. Tới nay, huyện có 29/29 xã được công nhận đạt chuẩn NTM.

     Từ năm 2010 đến nay, toàn huyện đã huy động được gần 4.800 tỷ đồng để xây dựng NTM. Từ nguồn lực huy động được, huyện cùng các địa phương tập trung triển khai đầu tư xây dựng và nâng cấp hạ tầng thiết yếu, các công trình phúc lợi công cộng như đường giao thông trục huyện, xã, thôn, xóm…, góp phần làm thay đổi diện mạo địa phương. Bên cạnh đó, ý thức của cộng đồng dân cư được nâng lên, người dân tin tưởng vào sự lãnh đạo, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Môi trường sống được cải thiện, năng suất lao động tăng, quốc phòng, an ninh được giữ vững, an sinh xã hội trên địa bàn được đảm bảo.

     Song song với đó, huyện đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nhiều chuỗi liên kết và nhân rộng các mô hình sản xuất. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 36 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 2,5 lần so với thời điểm bắt đầu triển khai xây dựng NTM; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 24,8% (năm 2010) xuống còn 4,9% (năm 2017); tỷ lệ lao động có việc làm đạt 94,2%.

 

Mô hình bể chứa rác thải, thuốc bảo vệ thực vật trên cánh đồng tại xã Quảng Chính (Quảng Xương)

 

     Bên cạnh đó, Ban Tuyên giáo huyện ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) huyện, các tổ chức đoàn thể đã xây dựng chương trình hành động theo các lĩnh vực được phân công phụ trách, vận động hội viên chung tay xây dựng NTM thông qua các mô hình “Trồng hoa, cây cảnh thay cỏ dại ven đường”; “Cựu chiến binh phối hợp tham gia chỉnh trang nhà văn hóa thôn và xây dựng tủ sách pháp luật tại nhà văn hóa thôn”; “Thu gom, xử lý vỏ, bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo vệ sinh đồng ruộng và chất lượng an toàn thực phẩm”; “Câu lạc bộ Thanh niên phát triển kinh tế”... Mặt khác, phòng, trung tâm văn hóa, Đài Truyền thanh huyện đã có nhiều chương trình đưa tin phóng sự về xây dựng NTM. Các xã, thị trấn treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền dọc theo các trục đường giao thông liên xã, Nhà Văn hóa thôn, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân góp công, góp sức, chung tay xây dựng NTM.

     Xây dựng NTM theo hướng bền vững

     Nhìn lại chặng đường đã qua trong phong trào xây dựng NTM, Quảng Xương có được những kết quả trên là nhờ sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của các cấp, ngành Trung ương, tỉnh, các doanh nghiệp, cùng sự nỗ lực, đoàn kết của toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong huyện.

     Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục duy trì Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được; hướng dẫn nông dân sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, công nghệ cao, sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm. Đặc biệt, tận dụng lợi thế có gần 20 km đường biển với bãi cát đẹp và hàng chục di tích lịch sử văn hóa, huyện sẽ tập trung đẩy mạnh quy hoạch các khu du lịch biển, phát triển các dịch vụ phục vụ du lịch; gắn với BVMT…

     Đồng thời, tập trung rà soát, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025 của huyện cho phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh Thanh Hóa; đồng thời, phát huy tiềm năng, lợi thế của huyện ở vị trí trung tâm các khu kinh tế động lực; chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa; đưa các loại giống có năng suất, chất lượng hiệu quả cao vào sản xuất; mở rộng có kiểm soát diện tích một số cây trồng có hiệu quả cao như cói, khoai tây, ớt, rau vụ đông; Áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến, công thức luân canh mới, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường.

     Nâng cao tỷ trọng giá trị chăn nuôi trong ngành nông nghiệp. Khuyến khích chăn nuôi đại gia súc bằng thức ăn tự sản xuất (phương pháp bán công nghiệp) với trang trại quy mô hợp lý; đảm bảo an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi. Phấn đấu giá trị sản xuất chăn nuôi năm 2020 chiếm 45% giá trị trong ngành nông nghiệp.

     Tiếp tục quảng bá, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất tại khu, cụm công nghiệp đã có; nghiên cứu, đề xuất quy hoạch các cụm công nghiệp mới; có giải pháp thúc đẩy các ngành công nghiệp mở rộng quy mô sản xuất hoạt động kinh doanh hiệu quả.

     Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các dự án: Khu du lịch Tiên Trang; khu thương mại Bắc Ghép; khu du lịch Quảng Lưu, Quảng Thái, các dự án giao thông, thủy lợi. Hoàn thành xây dựng các công trình trọng điểm: Khu trung tâm hành chính huyện; các công trình giao thông: Đường Tân - Định; đường Lĩnh - Trường - Vọng; đường vào khu đô thị Quảng Lợi; mở rộng các tuyến đường: Lưu - Bình, Tân - Trạch, Phong - Hòa, Bình - Yên, Định - Đức....

     Tăng cường quản lý nhà nước, nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng về bảo vệ TN&MT; có giải pháp xử lý triệt để chất thải rắn, rác thải sinh hoạt, chất thải từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hạn chế xây dựng các bãi rác thải tập trung tại các xã. Kêu gọi, tạo điều kiện và có chính sách hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải, nhà máy cung cấp nước sạch trên địa bàn huyện...

 

Lê Văn Tùng

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 2/2019)

 

Ý kiến của bạn