Banner trang chủ

Thu hái bền vững cây dược liệu tự nhiên góp phần bảo vệ đa dạng sinh học tại Bắc Cạn

07/12/2018

     Bắc Cạn là địa phương có tỷ lệ các hộ nghèo cao, khoảng 40% các hộ dân được xếp dưới mức nghèo. Hoạt động thu hái cây dược liệu và hương liệu tự nhiên (MAP) đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế địa phương, chiếm tới 20% thu nhập của các hộ gia đình. Trước đây, nhiều cây dược liệu như giảo cổ lam và cẩu tích… đã từng bị thu hái không bền vững. Chính điều này đã khiến cho nguồn tài nguyên dược liệu ngày càng trở nên khan hiếm và nguồn thu nhập chính của các hộ dân cũng bị giảm sút. Trước thực trạng đó, năm 2011, Mạng lưới giám sát buôn bán động, thực vật hoang dã (TRAFFIC) đã phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Cạn (FPD) nghiên cứu về các hoạt động thu hái thực vật tự nhiên tại tỉnh Bắc Cạn.

     Thu hái thảo dược và hương liệu tự nhiên bền vững

     Nhằm thu hút sự tham gia của cộng đồng trong hoạt động thu hái bền vững,  TRAFFIC đã triển khai Dự án thí điểm thu hái bền vững cây dược liệu tự nhiên (2011-2015) tại tỉnh Bắc Cạn như giảo cổ lam, lông cu li, sa nhân, thảo đậu khấu và các loài thực vật tự nhiên khác. Dự án đã thu hút được 100 người thu hái tham gia, trong đó có 51 người đăng ký chính thức với Chi cục Kiểm lâm để thành lập hợp tác xã (HTX).

     Trên cơ sở đó, giai đoạn 2015 - 2018, Dự án đã thúc đẩy hoạt động bảo tồn MAP bằng cách cải thiện các liên kết xuyên suốt chuỗi thương mại, tăng cường năng lực cho cộng đồng và các cấp chính quyền theo nguyên tắc của Tiêu chuẩn FairWild (một bộ tiêu chuẩn khung về thông lệ thực hành tốt nhất được quốc tế công nhận cho các hoạt động sử dụng và thương mại bền vững đối với thực vật tự nhiên được thu hái).

     Tiêu chuẩn FairWild bao gồm 11 nguyên tắc và 29 tiêu chí, đề cập đến các yêu cầu về sinh thái, xã hội, kinh tế đối với việc thu hái bền vững thực vật tự nhiên, bộ phận của thực vật, sản phẩm từ thực vật, nấm, địa y, được thu hái từ môi trường sống tự nhiên. Đồng thời, Tiêu chuẩn FairWild thúc đẩy các thông lệ thực hành kinh doanh có trách nhiệm xã hội. Chứng nhận FairWild là hệ thống chứng nhận được kiểm toán của bên thứ ba cho các nguyên liệu thành phần hoặc sản phẩm, xác nhận cho người mua rằng thành phần (từ người thu hái, đến người bán và đến người tiêu dùng) được thu hái bền vững và giao dịch công bằng hợp pháp.

     Chính vì vậy, để đảm bảo chất lượng sản phẩm từ thực vật tự nhiên và tăng khả năng thu hút thị trường trong nước, quốc tế, TRAFFIC đã sử dụng Tiêu chuẩn FairWild làm nền tảng cho Dự án này như một phương tiện hướng dẫn rõ ràng cho người thu hái địa phương và các công ty sản xuất sản phẩm được thu hái tự nhiên, có nguồn gốc bền vững. Khi bắt đầu Dự án, Tiêu chuẩn FairWild đã được sử dụng như một công cụ để đánh giá hiện trạng của hoạt động thu thập MAP tự nhiên ở tỉnh Bắc Cạn và xác định phương tiện để cải thiện hoạt động này. Dự án tập trung vào việc đào tạo người thu hái MAP về các phương pháp thu thập, chế biến và bảo quản được cải thiện; xây dựng quy tắc thu hái và xử lý; cải thiện khả năng truy xuất nguồn gốc; nâng cao khả năng tiếp cận thị trường cho các sản phẩm được chứng nhận.

 

Thu hái giảo cổ lam

 

     Phần lớn, các hoạt động Dự án được thực hiện trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn tại vùng đệm của Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc, Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, Vườn quốc gia Ba Bể và một số xã của huyện Na Rì. Đến nay đã có ít nhất 893 hộ gia đình người dân tộc thiểu số ở nông thôn, có thu nhập thấp đã tham gia Dự án. Các hộ gia đình này được đào tạo về cách thu hái bền vững MAP, cũng như về sự nhạy bén kinh doanh liên quan đến hoạt động mua bán MAP. Kết quả là các hộ gia đình này đã tăng 31% thu nhập từ MAP tự nhiên. Thông qua Dự án, nhiều nỗ lực đã được thực thi nhằm bảo vệ tài nguyên thực vật tự nhiên, đảm bảo thu hái tự nhiên bền vững, thông qua việc xây dựng một kế hoạch quản lý loài, khu vực dựa trên kiểm đếm tài nguyên và đào tạo thực hành thu hái bền vững. Dự án còn cung cấp các loại máy sấy dược liệu và thiết bị hỗ trợ khác cho các hộ dân thu hái nhằm nâng cao năng suất. Máy có thể sản xuất với khối lượng lớn, đồng thời giúp kéo dài tuổi thọ của sản phẩm cũng như đảm bảo tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm so với phương thức sấy khô truyền thống.

     Một số mô hình thành công cần được nhân rộng

     Xuân Lạc là một mô hình nhóm thu hái MAP tự nhiên thành công kiểu mẫu. Thông qua các khóa đào tạo về kỹ thuật thu hái bền vững, nhóm Xuân Lạc đã phát triển sản phẩm và mang lại những hiệu quả về kinh tế. Các cải tiến được áp dụng cho sản phẩm trà giảo cổ lam (khả năng truy xuất nguồn gốc, thông tin về xuất xứ và an toàn, bao bì chân không và thời hạn sử dụng tăng) đã giúp tăng mức giá thành sản phẩm và khả năng tiếp thị.

     Với các kỹ năng học được trong các khóa đào tạo, cùng với sự hỗ trợ của TRAFFIC, nhóm Xuân Lạc đã đàm phán ký kết thành công một hợp đồng 3 năm với Công ty DK Nature để giao dịch giảo cổ lam. Hợp đồng được ký với mức giá cao hơn 5% so với giá thị trường nguyên liệu và Công ty DK Nature cam kết hỗ trợ HTX nâng cao kỹ thuật tiền chế biến nguyên liệu phơi khô theo yêu cầu chất lượng của sản phẩm thành phẩm. Khi kết thúc Dự án, nhóm cũng đã đàm phán bán giảo cổ lam cho Công ty Vherb. Ngoài việc hợp tác thương mại thành công, nhóm đã xây dựng mối quan hệ với chính quyền địa phương. Chính quyền xã đã phối hợp với nhóm để hoàn tất các thủ tục giấy tờ liên quan (đăng ký người thu hái, lưu trữ hồ sơ), tái cấu trúc doanh nghiệp và tìm kiếm người thu hái.

     HTX Bảo Châu cũng là một ví dụ điển hình về thu hái MAP tự nhiên. Mặc dù HTX Bảo Châu được hình thành trước khi Dự án bắt đầu, nhưng HTX đã tiên phong trong việc sử dụng các kỹ thuật quản lý kinh doanh và phát triển sản phẩm hiệu quả. Hợp đồng mua bán giữa Công ty DK Natura và HTX Bảo Châu đã được ký kết để thu mua giảo cổ lam, gừng, song quắn thùy... HTX Bảo Châu đã được Sở NN&PTNT Bắc Cạn chứng nhận phù hợp với tiêu chí an toàn thực phẩm theo quy định trong Quyết định số 97/QĐ-CCQLCL. Các cơ sở sản xuất của HTX Bảo Châu được thiết kế, sắp xếp theo các tiêu chí an toàn thực phẩm và đăng ký sản phẩm an toàn. Sự thay đổi cơ sở hạ tầng kinh doanh và chứng nhận này là chìa khóa để nâng cao giá cả sản phẩm, khả năng tiếp cận thị trường. HTX có đủ điều kiện về mặt kỹ thuật để được cấp chứng nhận và đăng ký, đủ điều kiện nhận hỗ trợ từ chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” vào năm 2019 về phát triển ba sản phẩm chủ lực chè dây, giảo cổ lam và cà gai leo.

     Dự án đã giới thiệu tiêu chuẩn FairWild và các khái niệm liên quan sẽ có tác động lâu dài đến chính sách quốc gia, địa phương. Đồng thời góp phần chia sẻ lợi ích công bằng và sử dụng bền vững đa dạng sinh học làm phương tiện để Việt Nam thực hiện Công ước về Đa dạng sinh học (CBD), Nghị định thư Nagoya và Công ước quốc tế buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES). Việc triển khai Dự án tại Bắc Cạn sẽ giúp tỉnh có kế hoạch quản lý loài, tiến tới ổn định hóa MAP và hệ sinh thái rừng ở miền Bắc Việt Nam trong khi tạo ra các cơ chế khuyến khích hoạt động bảo tồn dựa vào khu vực.

 

Đỗ Phương Liên

Traffic tại Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 11/2018)

 

 

 

                        

 

 

 

 

                                  

 

 

 

Ý kiến của bạn