Banner trang chủ

Thực trạng môi trường chăn nuôi và đề xuất giải pháp giảm thiểu ô nhiễm tại tỉnh Đồng Nai

11/01/2019

     Đồng Nai là tỉnh có số lượng chăn nuôi gia súc, gia cầm lớn nhất miền Đông Nam bộ và chăn nuôi lợn lớn nhất cả nước. Với tổng đàn lợn năm 2017 đạt 1,69 triệu con, chiếm 6,19% số lợn cả nước và chiếm 52,32% số lợn khu vực Đông Nam bộ; đàn gia cầm chiếm 4,92% cả nước và 45,33% khu vực Đông Nam bộ. Những năm gần đây, nhiều cơ sở chăn nuôi (CSCN) trên địa bàn phát sinh lượng lớn chất thải và nước thải chưa được xử lý được xả trực tiếp ra môi trường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của người dân.

     Bất cập trong quản lý môi trường chăn nuôi

     Báo cáo tại Hội nghị giải trình về thực thi chính sách pháp luật về xử lý chất thải chăn nuôi (CTCN) của UBND tỉnh Đồng Nai năm 2017 cho thấy, hiện toàn tỉnh có 109 CSCN quy mô lớn và 46.000.000 cơ sở nhỏ lẻ. Trong số các CSCN quy mô lớn đang hoạt động, có 62  cơ sở đã thực hiện xây dựng hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải (XLNT) và đưa vào vận hành ổn định; 47 cơ sở đang trong giai đoạn xây dựng hệ thống xử lý. Với quy mô chăn nuôi đứng đầu cả nước nên lượng chất thải chăn nuôi phát sinh ảnh hưởng lớn đến môi trường Đồng Nai. Do đó, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chăn nuôi là vấn đề được tỉnh cũng như các địa phương quan tâm. Những biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường đều được tỉnh triển khai xuống các địa phương để các CSCN ứng dụng nhằm giảm thiểu ô nhiễm như sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý mùi hôi và ủ phân compost, chăn nuôi bằng đệm lót sinh học; ủ phân hữu cơ... Nhưng nhiều CSCN chỉ quan tâm đến lợi nhuận, chưa chú trọng đến việc áp dụng các biện pháp để bảo đảm môi trường.

     Qua công tác kiểm tra về BVMT trong hoạt động chăn nuôi của Sở TM&MT tỉnh Đồng Nai cho thấy, từ đầu năm đến nay, Sở đã tiến hành kiểm tra đối với 37 CSCN lớn trong giai đoạn trước ngày 30/11/2017 chưa hoàn thành xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Kết quả, đến nay vẫn còn 16 cơ sở chưa xây dựng hệ thống. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng mới chỉ xử lý được những trang trại chăn nuôi lớn có giấy phép, còn đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì việc xả thải gây ô nhiễm vẫn khó kiểm soát. Đơn cử như tại những vùng có chăn nuôi phát triển thuộc địa bàn các huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Thống Nhất, Trảng Bom... phần lớn người dân đều phản ảnh tình trạng ô nhiễm không khí, nước sông, suối. Khảo sát tại những khu vực trên, hầu hết nước suối đều bị ô nhiễm nặng do chất thải từ chăn nuôi. Kết luận mới đây của UBND huyện Thống Nhất về hiện trạng môi trường đối với 5 trang trại chăn nuôi ở khu vực ấp Hưng Thạnh cho thấy, các trang trại đều xây dựng với quy mô vượt quá quy định cho phép từ 1,5 - 2,5 lần; Trang trại nhỏ nhưng lượng đầu lợn chăn nuôi quá lớn dẫn đến việc các công trình phụ trợ không xử lý được hết lượng chất thải; Các hồ lắng chất thải không được xây đúng kỹ thuật, để nước thải chưa xử lý thấm trực tiếp xuống đất, gây nguy cơ ô nhiễm nguồn nước ngầm; Chất thải rắn không được xử lý, phân lợn chảy tràn ra cánh đồng bàu Bà Thống, người dân không thể sản xuất, canh tác được, nhiều khu vực đất bị bỏ hoang.

 

Hộ chăn nuôi tự phát xả chất thải gây ô nhiễm môi trường ở Đồng Nai

 

     Do các CSCN tự phát nằm xen lẫn trong các khu dân cư, vấn đề xử lý môi trường chưa được người dân quan tâm đúng mức, còn mang tính đối phó nên gây khó khăn cho các cơ quan quản lý. Hầu hết, các trang trại vẫn chưa thực hiện đúng các quy định BVMT, XLCT trong chăn nuôi. Cơ sở hạ tầng về khu chăn nuôi, khu tiêu hủy xác động vật… chưa đảm bảo so với yêu cầu. Ngoài ra, một số trang trại chăn nuôi đã áp dụng bioga trong xử lý chất thải, nhưng hệ thống bioga chưa phát huy hiệu quả; có trang trại hầm không đủ khí, có trang trại hầm đã quá cũ không thể vận hành được dẫn đến tình trạng khó khăn trong xử lý chất thải. Nhiều chủ cơ sở chưa chủ động trong việc tìm hiểu các thủ tục hành chính phải thực hiện khi xây dựng trang trại và hoạt động sản xuất kinh doanh. Các CSCN cũng không có sổ sách ghi chép quá trình sản xuất chăn nuôi, không kiểm soát được xả thải ra môi trường. Nhận thức, kiến thức về chăn nuôi an toàn sinh học và vệ sinh môi trường trong chăn nuôi của người dân còn chưa cao, đặc biệt đối với các hộ dân chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, mà đối tượng này vẫn đang chiếm số lượng lớn.

     Trong khi đó, Đồng Nai là tỉnh nằm tại khu vực thượng nguồn sông Đồng Nai, việc BVMT nguồn nước sông Đồng Nai được đặt lên hàng đầu, hầu hết các cơ sở chăn nuôi hiện tại bắt buộc phải xử lý nước thải chăn nuôi tại cột A, QCVN 62-MT: 2016/BTNMT nên rất ít trang trại chăn nuôi có thể đáp ứng được.

     Bên cạnh đó, một số CSCN mặc dù có áp dụng biện pháp xử lý môi trường, nhưng vẫn gây ô nhiễm môi trường do các nguyên nhân như: quy mô công trình xử lý chất thải chưa đáp ứng đủ cho lượng chất thải dẫn đến quá tải công suất xử lý; do áp dụng công nghệ chưa phù hợp. Đặc biệt, tại các trại chăn nuôi lợn không thực hiện thu phân khô, không lọc tách phân rắn và lỏng, phát sinh các mùi hôi gây khó chịu. Tuy nhiên, hiện nay, quy chuẩn môi trường riêng về khí thải, mùi hôi cho ngành chăn nuôi chưa có nên các trại chăn nuôi gặp khó khăn trong việc lựa chọn và thực hiện giám sát các thông số khí thải, mùi hôi đặc trưng cho ngành chăn nuôi.

     Về chế tài xử phạt trong quản lý môi trường chăn nuôi. Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ (Nghị định số 155) ra đời thay thế cho Nghị định số 179/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT có hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2017 đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác  BVMT của địa phương. Tuy nhiên, việc xử phạt đều mang tính kỹ thuật cao, phụ thuộc nhiều vào kết quả quan trắc. Trong khi, cơ quan chức năng tại địa bàn các huyện, xã, còn hạn chế về phương tiện, thiết bị, lực lượng giám sát, thực thi pháp luật, gây khó khăn cho việc xác định đối tượng vi phạm.

     Đề xuất một số giải pháp

     Để tăng cường công tác BVMT chăn nuôi, tỉnh cần rà soát tổng quy mô đàn gia súc, gia cầm để quy hoạch vùng nuôi hợp lý. Ưu tiên, sản xuất chăn nuôi công nghệ cao để giảm áp lực về môi trường, phát triển chăn nuôi theo chuỗi, hạn chế chăn nuôi nhỏ lẻ;

     Khu vực thượng nguồn các con sông, gần khu dân cư, công trình quan trọng không bố trí quy hoạch chăn nuôi, vì sẽ ảnh hưởng đến môi trường đất, nước không khí và sức khỏe người dân.

     Thống kê đầy đủ thực trạng chăn nuôi và tình trạng phát sinh chất thải, biện pháp BVMT tại các CSCN nhỏ lẻ; Tăng cường công tác kiểm tra giám sát, nghiêm đình chỉ hoạt động đối với các CSCN không thực hiện các biện pháp BVMT.

     Chuyển đổi phương thức chăn nuôi với các giải pháp xử lý chất thải bằng các công nghệ phù hợp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường chăn nuôi và môi trường sống. Nghiên cứu, đánh giá toàn diện về mặt công nghệ xử lý chất thải từ hoạt động chăn nuôi; trên cơ sở đó đưa ra các quy trình công nghệ, giải pháp tổng thể về xử lý nước thải, mùi hôi trong hoạt động chăn nuôi phù hợp với thực trạng chăn nuôi để các trại lựa chọn, áp dụng.

     Đề xuất ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải, mùi hôi đặc trưng cho ngành chăn nuôi tạo điều kiện thuận lợi cho kiểm tra, giám sát, khí thải, mùi hôi. Sớm ban hành quy định hướng dẫn về tái sử dụng nước, nhất là tái sử dụng nước thải sau xử lý trong hoạt động chăn nuôi; biện pháp kiểm soát lưu lượng nước thải tái sử dụng.

     Hỗ trợ các chính sách hiệu quả cho các đối tượng chăn nuôi. Cần vận động các chủ trang trại tiếp cận lập hồ sơ vay vốn ưu đãi từ Quỹ BVMT tỉnh để có nguồn lực tài chính xây dựng hệ thống xử lý chất thải.

     Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã chăn nuôi để hình thành chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.

 

Ths. Nguyễn Thị Thu Hà

Viện Địa lí nhân văn

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 12/2018)

 

 

 

Ý kiến của bạn