Banner trang chủ

Sử dụng chế phẩm sinh học sumitri để biến rơm, rạ thành phân bón cho cây trồng và nguồn thức ăn cho nuôi trồng thủy sản

12/08/2019

     Rơm rạ sau khi thu hoạch có thể được xử lý tại chỗ bằng chế phẩm sinh học sumitri để “tái sinh” làm phân bón cho cây trồng, thức ăn cho nuôi trồng thủy sản.

     Phụ phẩm nông nghiệp (rơm, rạ, hạt lúa cỏ, hạt lúa ma, hạt lúa lẫn nền, hạt cỏ dại...) sau thu hoạch thường được phơi khô và đốt hoặc thải bỏ, gây ô nhiễm môi trường, làm tắc nghẽn dòng chảy. Tuy nhiên, nếu biết khai thác, đây có thể trở thành một nguồn tài nguyên sinh lợi. 

     Theo ông Phạm Xuân Hưng, Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp Phương Nam, hiện đơn vị đang phát triển sản phẩm chế phẩm sinh học sumitri có khả năng xử lý các phụ phẩm nông nghiệp như rơm, rạ thành phân bón cho cây trồng (lúa, ngô), thức ăn cho tôm, cá…

 

Chế phẩm sinh học xử lý rơm, ra thành phân bón của Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp Phương Nam

 

     Điểm đặc biệt của chế phẩm sinh học này là có thể xử lý rơm rạ ngay tại đồng ruộng sau thu hoạch. Chế phẩm sumitri đã được thực hiện trên diện tích 100 ha canh tác lúa mùa, thuộc các xã Nhật Quang và Đình Cao (huyện Phù Cừ, Hưng Yên). Chế phẩm sumitri được phối trộn với cát, đất bột, phân bón rồi đem rải đều trên ruộng trước hoặc sau cày lồng giập rạ lần đầu.

     Liều lượng xử lý 4 kg sumitri trên 1 ha gieo cấy. Kết quả sau xử lý 3 - 5 ngày, hầu hết các tàn dư thực vật (chủ yếu là rơm rạ) trên ruộng đã bị phân huỷ hoàn toàn, mạ sau cấy bén rễ hồi xanh nhanh, cây lúa sinh trưởng phát triển cân đối, năng suất sau thu hoạch tăng 5,4 tạ/ha, thu nhập tăng (so với đối chứng không xử lý chế phẩm sumitri) gần 5 triệu đồng/ha.

     Chế phẩm vi sinh sumitri đã đoạt Giải thưởng Môi trường TP. Hồ Chí Minh năm 2018 và Giải thưởng Thách thức Nông nghiệp vùng Mekong (MATCh) năm 2018.

 

Hoàng Đàn

Ý kiến của bạn