Banner trang chủ

Sản xuất cây giống lâm nghiệp thân thiện môi trường tại Bắc Giang

12/03/2018

     Hiện nay, ở Việt Nam, việc sản xuất cây giống lâm nghiệp phổ biến là dùng túi bầu bằng ni lông nên trong quá trình sản xuất gây ô nhiễm môi trường và chất lượng cây giống không cao. Nếu đầu tư trồng rừng bằng cây giống sản xuất hiện đại, dùng túi ni lông tự hủy làm túi bầu nuôi cây vừa giảm được chi phí mà chất lượng cây giống cũng ít bị ảnh hưởng; tỷ lệ sống của rừng trồng tăng. Đặc biệt, hướng sản xuất giống cây trồng này còn giúp giảm thiểu đáng kể ô nhiễm môi trường. Đó là thành công bước đầu của kỹ thuật sản xuất cây giống lâm nghiệp chất lượng cao theo hướng hiện đại và thân thiện với môi trường, do những hộ dân ở xã Yên Định, huyện Sơn Động (Bắc Giang) gắn bó với nghề ươm giống cây lâm nghiệp. Hiện nay, hiệu quả mô hình sản xuất cây giống lâm nghiệp thân thiện môi trường bằng bầu ươm hữu cơ và sử dụng túi ni lông tự hủy đã thu được những thành công bước đầu.

      Trước đây, các hộ dân tại huyện Sơn Động thường sản xuất cây giống keo lai giâm hom bằng phương pháp dùng bầu ươm hỗn hợp đất bằng túi ni lông để trồng rừng giống như nhiều nơi khác. Vì vậy, chất lượng cây giống, giá thành sản phẩm không có sự khác biệt so với các sản phẩm trên thị trường; kế hoạch sản xuất hàng năm không ổn định và bị chi phối nhiều bởi yếu tố thị trường. Nhằm nâng cao chất lượng sản xuất cây giống lâm nghiệp theo hướng hiện đại và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đầu năm 2017, các hộ dân ở xã Yên Định (huyện Sơn Động), đã quyết định xây dựng nhà xưởng và mua máy đóng bầu ươm cây lâm nghiệp hữu cơ (bầu siêu nhẹ), để phục vụ cho việc sản xuất cây giống. Gia đình anh Nguyễn Văn Thế là một trong những người gắn bó với nghề ươm cây giống từ lâu và là người đầu tiên áp dụng phương pháp này.

 

Sản xuất cây giống lâm nghiệp thân thiện môi trường góp phần phát triển rừng trồng bền vững

 

     Máy sản xuất bầu hữu cơ gồm có 2 máy chính: Máy đóng bầu công suất 3.750 bầu/giờ, máy cắt bầu công suất 40.000 bầu/ca. Trong khi đó, một công nhân làm thủ công trong một ngày chỉ đóng được 4.000 - 4.500 bầu. Bởi vậy, từ chỗ trước đây gia đình anh Thế phải thuê 15-20 người đóng bầu ươm cây giống, thì nay với việc vận hành máy đóng bầu chỉ cần 2 người đảm nhiệm. Phương pháp này còn có những đặc điểm như: Vỏ bầu bằng chất liệu tự hoại, giá thể bầu bằng các chất hữu cơ đã chế biến từ phế liệu nông nghiệp (vỏ lạc, mùn cưa, vỏ trấu…). Do cây con ươm bằng bầu hữu cơ hay còn gọi là bầu siêu nhẹ sẽ dễ chăm sóc trong vườn ươm, dễ thoát nước, không mất công làm cỏ. Bộ rễ cây con phát triển mạnh (gấp từ 2 lần trở lên) hơn rễ cây ươm trong bầu đất nên khi trồng rừng cây nhanh bén rễ, tỷ lệ sống cao; cây ít bị vỡ bầu khi vận chuyển; giảm được chi phí nhân công trồng rừng do bầu nhẹ chỉ bằng 1/4 so với bầu đất cùng kích thước. Ngoài ra, việc sản xuất cây giống bằng bầu hữu cơ còn tận dụng được phế liệu đưa vào sản xuất, hạn chế việc khai thác đất, sử dụng túi ni lông tự hủy, góp phần BVMT.

     Trong năm 2017 gia đình anh sản xuất được 170.000 túi bầu và bán ra thị trường được 70.000 túi bầu với giá thành 150 đ/túi cho một số hộ dân ươm cây giống lâm nghiệp trong và ngoài huyện, còn lại 100.000 túi bầu anh dùng ươm cây giống để bán ra thị trường với giá trung bình từ 400 - 500đ/bầu cây (bằng giá cây giống được làm bằng bầu đất), phục vụ cho nhân dân trồng rừng trong vụ Xuân năm 2018. Như vậy, hàng năm từ việc sản xuất bầu ươm hữu cơ và ươm cây giống lâm nghiệp trừ chi phí gia đình anh đã thu nhập được hơn 300 triệu đồng/năm.

     Theo số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2017, cả nước đã trồng trên 92.600 ha rừng, tăng 23% so với cùng kỳ 2016, đạt trên 40% kế hoạch năm. Riêng hoạt động trồng rừng trong cả nước ước tính đã thải loại ra môi trường khoảng trên 265 tấn bì ni lông, đây là nguồn ô nhiễm có tính tích lũy cao và tồn tại ở môi trường trong một thời gian dài. Vì vậy, việc áp dụng thành công giải pháp kỹ thuật này sẽ giải quyết triệt để vấn đề trên.

     Có thể nói, mô hình sản xuất bầu ươm cây giống lâm nghiệp hữu cơ của gia đình anh Thế là một trong những mô hình sản xuất cây giống lâm nghiệp thân thiện môi trường, góp phần nâng cao hiệu quả, ổn định và phát triển rừng trồng ngày một bền vững.

 

Chu Thế Cường

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 2/2018

 

 

 

Ý kiến của bạn