Banner trang chủ

Quy trình kiểm định phương tiện đo nồng độ SO2, CO, NO, NO2 của trạm quan trắc không khí tự động, liên tục

04/10/2016

   Ngày 20/7/2016, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã ban hành Quyết định số 1573/QĐ-TĐC về văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam (ĐLVN 333:2016)- Quy trình kiểm định phương tiện đo nồng độ SO2, CO, NO, NO2 của trạm quan trắc không khí tự động, liên tục có phạm vi đo (0 ÷ 10)x10-4 đối với (SO2, NO, NO2),(0 ÷ 100)x10-4 đối với CO và sai số cho phép 5% giá trị đọc.

   Theo quy định của pháp luật, một số phương tiện đo (PTĐ) trong quan trắc môi trường (QTMT) thuộc nhóm 2 (Khoản 2, Điều 16, Luật Đo lường) dùng để đánh giá chất lượng môi trường, thanh tra, kiểm tra, giám định tư pháp các yếu tố tác động lên môi trường là các PTĐ bắt buộc phải thực hiện kiểm định. Trong số đó, các PTĐ nồng độ SO2, CO, NO, NO2 của trạm quan trắc không khí tự động, liên tục cũng thuộc danh mục nằm trong quy định tại Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN.

   Hiện nay có khoảng 50 trạm QTMT không khí tự động (cố định và di động) được đầu tư và đưa vào sử dụng. Trong thời gian tới, số lượng các trạm lắp đặt tại Trung ương và địa phương sẽ tăng lên. Trước đây, việc kiểm định các PTĐ của trạm quan trắc không khí tự động, liên tục chưa được thực hiện do chưa ban hành quy trình kiểm định đối với các PTĐ này.

   Để đảm bảo hiệu quả trong hoạt động quan trắc và thực hiện các biện pháp kiểm soát đo lường, Tổng cục Môi trường và Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng phối hợp ban hành Quy trình kiểm định PTĐ nồng độ SO2, CO, NO, NO2 của trạm quan trắc không khí tự động, liên tục theo đúng trình tự, thủ tục xây dựng và ban hành văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam.

   Theo đó, Quy trình bao gồm các nội dung:

   Áp dụng đối với kiểm định (ban đầu, định kỳ và sau sửa chữa) PTĐ nồng độ SO2, CO, NO, NO2 của trạm quan trắc không khí tự động, liên tục có sai số lớn nhất cho phép ± 5 % giá trị đọc và không áp dụng đối với trạm quan trắc môi trường khí thải.

   Liệt kê tất cả các chuẩn, phương tiện khác và phương tiện phụ cần thiết sử dụng để kiểm định. Đối với chuẩn và PTĐ khác ghi rõ phạm vi đo, cấp chính xác và đặc trưng đo lường. Đồng thời, quy định về khí chuẩn sử dụng và giá trị nồng độ khí chuẩn pha loãng.

Trạm Quan trắc chất lượng không khí tự động

   Quy định chuẩn bị kiểm định bao gồm việc lựa chọn giá trị nồng độ khí chuẩn pha loãng, bảo quản bình khí chuẩn, ổn định PTĐ cần kiểm định, kết nối hệ thống và vận hành thiết bị chuẩn.

   Đồng thời, ĐLVN 333:2016 quy định phép kiểm định gồm: kiểm tra bên ngoài; kiểm tra kỹ thuật; kiểm tra đo lường. Trong đó, kiểm tra bên ngoài bao gồm kiểm tra bằng mắt để xác định sự phù hợp của PTĐ với các yêu cầu quy định trong tài liệu kỹ thuật về hình dáng, kích thước, hiển thị, nguồn điện sử dụng, nhãn hiệu và phụ kiện kèm theo. Kiểm tra kỹ thuật bao gồm kiểm tra cơ cấu chỉnh, trạng thái hoạt động bình thường của PTĐ theo tài liệu kỹ thuật của nhà sản xuất. Kiểm tra đo lường bao gồm kiểm tra độ trôi điểm “không”, kiểm tra độ trôi điểm “nồng độ”, kiểm tra sai số, kiểm tra độ lặp lại, kiểm tra thời gian đáp ứng và xác định đặc trưng kỹ thuật theo công thức đã ban hành.

   Ngoài ra, ĐLVN 333:2016 quy định các hình thức xử lý, đánh giá đối với PTĐ sau khi kiểm định. PTĐ nồng độ SO2, CO, NO, NO2 của trạm quan trắc không khí tự động, liên tục sau khi kiểm định nếu đạt các yêu cầu quy định trong quy trình kiểm định thì được dán tem kiểm định, cấp giấy chứng nhận kiểm định theo quy định và niêm phong các vị trí có thể làm sai lệch kết quả đo. Nếu không đạt một trong các yêu cầu quy định trong quy trình này thì không được cấp giấy chứng nhận kiểm định và xóa dấu kiểm định cũ (nếu có). Chu kỳ kiểm định của PTĐ nồng độ SO2, CO, NO, NO2 của trạm quan trắc không khí tự động, liên tục là 12 tháng.

   Việc ban hành ĐLVN 333:2016 đã tạo căn cứ pháp lý và kỹ thuật cho hoạt động kiểm định các thiết bị QTMT đi vào nề nếp. Các tổ chức được ủy quyền kiểm định PTĐ phải thực hiện kiểm định theo đúng quy định của Nhà nước về quản lý đo lường, kiểm định PTĐ. Đồng thời, các cơ sở sử dụng PTĐ phải bảo đảm các điều kiện bảo quản, sử dụng PTĐ theo quy định của nhà sản xuất và phải thực hiện kiểm định lần đầu, kiểm định định kỳ, kiểm định sau sửa chữa đối với PTĐ trong quá trình sử dụng và chấp hành tốt việc thanh tra, kiểm tra về đo lường của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Dương Thành Nam, Trần Sơn Tùng

Tổng cục Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 9/2016)

Ý kiến của bạn