Banner trang chủ

Quản lý rơm rạ bền vững nhằm cải thiện sinh kế cho người dân

06/06/2018

     Nhằm giới thiệu khung hỗ trợ quá trình ra quyết định giúp các nhà hoạch định chính sách xác định các giải pháp quản lý rơm rạ bền vững, xem xét tính bền vững của hệ sinh thái nông nghiệp, khả năng tiếp cận thị trường sản phẩm làm từ rơm rạ và mức độ cơ giới hóa xử lý rơm rạ, ngày 5/6/2018, tại Hà Nội, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) phối hợp với Viện nghiên cứu Lúa quốc tế (IRRI) và các đơn vị có liên quan tổ chức Hội thảo quốc tế “Quản lý rơm rạ bền vững: Các thực hành tốt và khuyến nghị cho hoạch định chính sách”.

     Hiện nay, tình trạng đốt rơm rạ ngay trên đồng ruộng sau thu hoạch là một hoạt động gây nhiều tác hại và lãng phí. Các chất hữu cơ trong rơm rạ trong quá trình đốt sẽ biến thành các chất vô cơ làm cho đồng ruộng bị khô, chai cứng, một lượng lớn nước bị bốc hơi. Quá trình đốt rơm rạ ngoài trời không kiểm soát được lượng dioxid carbon (CO2) cùng với CO, CH4, NO2, SO2,... các khí trên đều rất có hại cho sức khỏe con người và làm tăng mức thải khí nhà kính vào bầu khí quyển.

 

Hội thảo quốc tế “Quản lý rơm rạ bền vững: Các thực hành tốt và khuyến nghị cho hoạch định chính sách”

 

     Bên cạnh đó, rơm rạ là nguồn chất hữu cơ khổng lồ, chiếm đến 50% trọng lượng của cây lúa, mỗi hecta trồng lúa có 10 - 12 tấn rơm rạ. Nếu không xử lý tốt không những không tận dụng nguồn hữu cơ mà còn gây ô nhiễm môi trường. Với hàng triệu tấn rơm rạ khô mỗi năm, đây là nguồn nguyên liệu quý nếu sử dụng hợp lý làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp. Song do nhu cầu sử dụng thấp nên sau mỗi vụ thu hoạch, có khoảng 80% lượng rơm rạ bị đốt hủy hoặc thả xuống dòng chảy gây ô nhiễm môi trường, phá hủy các công trình công cộng, hạn chế tầm nhìn gây tai nạn giao thông, đặc biệt gây mất cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng.

     Với việc tìm giải pháp quản lý rơm rạ bền vững, Hội thảo tập trung 3 mục tiêu cụ thể: (1) Đưa ra các khuyến nghị dựa trên cơ sở khoa học cho các nhà hoạch định chính sách về thức hành tốt trong việc quản lý rơm rạ bền vững; (2) Xây dựng chiến lược cho việc nhân rộng các thực hành về quản lý rơm rạ bền vững; (3) Tham vấn các nhà hoạch định chính sách trong việc lồng ghép vào chính sách.

     Tại Hội thảo, các đại biểu trong nước và quốc tế cùng trao đổi về những thách thức và cơ hội trong quản lý rơm rạ ở Việt Nam; Việc nhân rộng các giải pháp quản lý rơm rạ bền vững; Các công nghệ và mô hình kinh doanh cho quản lý rơm rạ…Mặt khác, các đại đều khẳng định, rơm rạ có thể được xử lý ngay trên đồng ruộng hoặc thu gom để sử dụng vào các mục đích kinh tế khác nhau, tiến tới loại trừ hoàn toàn việc đốt rơm trên đồng, hạn chế tối đa việc phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa gạo.

 

Nam Hưng

 

 

Ý kiến của bạn