Banner trang chủ

Quảng Trị: Nỗ lực giải quyết ô nhiễm môi trường do thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu

06/12/2017

   Thời gian qua, Quảng Trị đã triển khai các hoạt động xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV) tồn lưu, nhằm hạn chế chất thải độc hại phát tán ra môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân. Tuy nhiên, địa phương có tới 52 điểm ô nhiễm thuốc BVTV tồn lưu, trong khi đó, việc xử lý, cải tạo phục hồi môi trường tại các điểm tồn lưu thuốc BVTV là việc làm lâu dài, đòi hỏi sự quan tâm của các cấp, ngành và cộng đồng dân cư để chung tay BVMT.

Khu vực kho thuốc BVTV tồn lưu ở cạnh nhà dân tại đội 3, thôn Đại Hào, xã Triệu Đại (Triệu Phong, Quảng Trị)

   Theo Quyết định số 1206/QĐ-TTg ngày 2/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012 - 2015 (gọi tắt là CTMTQG), trong số 100 khu vực ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng do hóa chất BVTV tồn lưu gây ra trên phạm vi cả nước, địa bàn tỉnh Quảng Trị có 7 khu vực, gồm 2 điểm ở huyện Vĩnh Linh, 2 điểm ở huyện Cam Lộ, 1 điểm ở TP. Đông Hà, 1 điểm ở huyện Gio Linh và 1 điểm ở huyện Đakrông. Nhằm khắc phục ô nhiễm môi trường tại các điểm thuốc BVTV tồn lưu, Sở TN&MT đã triển khai Đề án điều tra, đánh giá thuốc BVTV còn tồn đọng; đồng thời, tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2424/QĐ-UBND ngày 31/10/2014 về phê duyệt danh mục các điểm ô nhiễm thuốc BVTV tồn đọng quá hạn, cấm sử dụng trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh đã phê duyệt danh mục 52 điểm ô nhiễm thuốc BVTV tồn lưu và giao cho Văn phòng điều phối CTMTQG tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, TP liên quan xây dựng kế hoạch, phương án xử lý các điểm ô nhiễm; tổ chức theo dõi, giám sát việc thực hiện biện pháp xử lý ô nhiễm tại các điểm trong Quyết định và báo cáo kết quả thực hiện cho UBND tỉnh, Ban chỉ đạo CTMTQG trước ngày 30/12 hàng năm.

   Tuy nhiên, đáng lo ngại là trong số 52 điểm ô nhiễm trên có nhiều điểm nằm trong khu dân cư, khuôn viên trường học, trong vườn của một số nhà dân, tiêu biểu như kho thuốc BVTV của Hợp tác xã (HTX) sản xuất nông nghiệp Quyết Tiến, xã Hải Quy (Hải Lăng); khóm 11, thị trấn Bến Quan (Vĩnh Linh); trong khuôn viên Trường Tiểu học số 2, xã Triệu Long (Triệu Phong); vườn nhà ông Trần Toàn, thôn Gia Độ, xã Triệu Độ (Triệu Phong); kho thuốc BVTV của HTX sản xuất nông nghiệp Tà Lộc, xã Hải Xuân (Hải Lăng)… Vì thế, việc xử lý, ngăn chặn tác hại do tồn lưu thuốc BVTV, nhằm bảo vệ sức khỏe người dân ngày càng trở nên cấp thiết đối với tỉnh Quảng Trị.

   Trước tình hình trên, thời gian qua, Sở TN&MT đã xây dựng, triển khai các dự án xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường điểm tồn lưu thuốc BVTV tại một số địa điểm. Cụ thể, Sở đã triển khai thi công công trình cải thiện và phục hồi môi trường điểm tồn lưu hóa chất BVTV tại Nông trường Tân Lâm (cũ), xã Cam Thành, huyện Cam Lộ (gồm các điểm bị ảnh hưởng là Nông trường Tân Lâm, Trường Tiểu học Kim Đồng, hội trường HTX Vân An), áp dụng công nghệ ô xy hóa nâng cao kết hợp với biện pháp xử lý sinh học để xử lý triệt để tồn lưu hóa chất BVTV thẩm thấu trong đất. Năm 2017, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2709/QĐ-UBND ngày 6/10/2017 và Quyết định số 2719/QĐ-UBND ngày 9/10/2017 về việc phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công dự toán đầu tư xây dựng công trình xử lý, cải tạo, phục hồi môi trường do tồn lưu hóa chất BVTV tại các kho thuốc trên địa bàn huyện Triệu Phong và Hải Lăng (giai đoạn I). Đồng thời, UBND tỉnh cũng đã có Quyết định phê duyệt và cấp kinh phí thực hiện cho 7 dự án xử lý, cải tạo, phục hồi môi trường điểm tồn lưu thuốc BVTV tại các địa điểm gồm: Thôn Mộc Đức (xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ); HTX Nông nghiệp Vĩnh Hiền, thôn Tân Bình (xã Vĩnh Hiền, huyện Vĩnh Linh); Đội 4, thôn Cam Lộ (xã Cam Thanh, huyện Cam Lộ); thôn Hương Bắc (xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Linh); thôn Đồng Hòa (xã Gio Hòa, huyện Gio Linh); thôn Đặng Xá (xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh); thôn Tân Lịch (xã Gio Bình, huyện Gio Linh); kho thuốc Nông trường Trường Sơn, thôn Gia Bình (xã Gio An, huyện Gio Linh)…

   Tuy nhiên, để thực hiện một dự án xử lý ô nhiễm môi trường thì phải cần kinh phí hàng tỷ đồng, trong khi đó ngân sách của tỉnh còn hạn hẹp nên việc triển khai đồng bộ, dứt điểm còn gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, với mức hỗ trợ của Trung ương là 50%/dự án, còn lại là địa phương nên nhiều dự án khi xây dựng kế hoạch xong thì việc triển khai không thể diễn ra theo đúng thời gian. Mặt khác, yêu cầu quản lý và kỹ thuật xử lý phức tạp mà trong nước vẫn chưa thể đáp ứng đầy đủ.

   Với quyết tâm trả lại môi trường sống an toàn cho người dân, mới đây, tỉnh đã quyết định phê duyệt kinh phí để thực hiện các dự án theo từng giai đoạn (giai đoạn 1 xử lý toàn bộ lượng hóa chất BVTV tồn lưu, đất nhiễm hóa chất BVTV và giai đoạn 2 tiến hành xử lý tại chỗ ở các địa điểm). Qua đó, sẽ góp phần xử lý các kho thuốc BVTV gây ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe và ổn định cuộc sống của người dân ở các địa phương. Ngoài ra, Sở cũng đã gửi công văn đến các địa phương liên quan yêu cầu thực hiện một số biện pháp cảnh báo, xử lý các điểm ô nhiễm thuốc BVTV tồn lưu để người dân biết và phòng tránh. Thực hiện nhiệm vụ Sở TN&MT giao, Chi cục BVMT đã đưa nhiệm vụ khảo sát, cắm mốc, khoanh vùng, cảnh báo khu vực ô nhiễm thuốc BVTV vào dự toán ngân sách sự nghiệp môi trường năm 2017, nhằm cô lập, ngăn chặn phát tán ô nhiễm tại khu vực ô nhiễm có rủi ro cao, tránh ảnh hưởng đến các khu vực xung quanh và xây dựng kế hoạch xử lý đối với từng vùng ô nhiễm.

   Tỉnh Quảng Trị đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ hoàn thành cơ bản việc xử lý 52 điểm ô nhiễm thuốc BVTV mức độ nghiêm trọng, dự kiến kinh phí khoảng 134 tỷ đồng. Để đảm bảo an toàn cho người dân, tại các địa điểm bị ảnh hưởng, chính quyền địa phương cần tăng cường thông báo, tuyên truyền cho người dân biết tình trạng ô nhiễm, xây dựng hàng rào cách ly, treo biển cảnh báo ở những khu vực này. Các ngành chức năng khuyến cáo người dân trong vùng bị ô nhiễm không trồng và sử dụng các sản phẩm như rau màu, trái cây, nguồn nước ngầm, nước mặt, cũng như không tiến hành cấp đất xây dựng đối với khu vực bị ô nhiễm. Bên cạnh đó, kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư các dự án xử lý ô nhiễm thuốc BVTV tồn lưu và tăng cường tìm kiếm các giải pháp, công nghệ phù hợp để xử lý ô nhiễm môi trường do thuốc BVTV tồn lưu gây ra. Việc giải quyết triệt để các vấn đề liên quan đến tồn dư thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh Quảng Trị cần phải có lộ trình nhất định, cũng như sự quyết tâm, nỗ lực của nhiều cấp, ngành và ý thức, trách nhiệm của người dân để xóa bỏ các điểm ô nhiễm thuốc BVTV tồn lưu, đem lại môi trường sống trong lành cho cộng đồng dân cư.

Nguyễn Thị Liên

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 11/2017

Ý kiến của bạn