Banner trang chủ

Quản lý tổng hợp chất thải rắn - Giải pháp hữu hiệu để bảo vệ môi trường

20/12/2016

   Phương pháp quản lý tổng hợp chất thải rắn (CTR) trên nguyên tắc 3R (giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế) do Trung tâm Công nghệ Môi trường Quốc tế (IETC) - Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) xây dựng và phát triển. Đây là cách tiếp cận khoa học, phù hợp đối với các nước đang phát triển nhằm cải thiện công tác quản lý chất thải, giúp BVMT và tiết kiệm tài nguyên. Để tìm hiểu về phương thức quản lý tổng hợp CTR, Tạp chí Môi trường có cuộc trao đổi với TS. Mushtaq Ahmed Memon - Giám đốc IETC về vấn đề này.

TS. Mushtaq Ahmed Memon - Giám đốc IETC

   Ông có thể giới thiệu đôi nét về phương pháp quản lý tổng hợp CTR mà UNEP đang triển khai tại nhiều quốc gia trên thế giới?

   TS. Mushtaq Ahmed Memon: Hiện nay, tổng lượng CTR phát sinh tại các TP trên thế giới là 1,3 tỷ tấn/năm. Theo dự báo đến năm 2025, tăng lên khoảng 2,3 tỷ tấn/năm, đặc biệt tại các TP ở châu Á và châu Phi, lượng CTR đô thị phát sinh sẽ tăng gấp đôi trong vòng 15 - 20 năm tới. Tỷ lệ phát sinh CTR sinh hoạt có sự khác nhau giữa các quốc gia, phụ thuộc vào thu nhập của người dân, văn hóa - xã hội và khí hậu. Có thể thấy rõ, kinh tế càng phát triển, lượng CTR phát sinh ngày càng lớn. Tại nhiều quốc gia, hoạt động thu gom, tái chế, xử lý CTR vẫn chưa được thực hiện tốt. Vì thế, để xử lý CTR một cách hiệu quả, UNEP đã đưa ra cách tiếp cận tổng hợp trong quản lý chất thải (QLCT), xem xét các yếu tố như môi trường tự nhiên, xã hội, kinh tế, thể chế, với sự tham gia của các bên liên quan, thay vì chỉ tập trung vào công nghệ xử lý theo phương pháp truyền thống. Các giải pháp QLCT có thể lựa chọn là giảm nguồn thải, tái sử dụng, tái chế, sản xuất phân hữu cơ, thu hồi năng lượng… đem lại hiệu quả về kinh tế và môi trường.

   UNEP đã hỗ trợ 22 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam thực hiện quản lý tổng hợp chất thải dựa trên nguyên tắc 3R. UNEP đã cung cấp phương pháp luận và cách thức lập kế hoạch phù hợp với điều kiện của từng quốc gia. Đồng thời, hướng dẫn cơ quan quản lý môi trường, các bên liên quan thực hiện chiến lược quản lý tổng hợp CTR và xây dựng mô hình trình diễn thí điểm như: Chuyển đổi sinh khối CTR nông nghiệp thành tài nguyên; Chuyển đổi nhựa thải thành tài nguyên; Công nghệ tái chế và tiêu hủy dầu thải; Xử lý/tiêu hủy chất thải y tế; Quản lý lốp xe thải bỏ…

   Việc triển khai áp dụng phương thức quản lý tổng hợp CTR tại Việt Nam có gặp khó khăn, thách thức gì không, thưa ông?

   TS. Mushtaq Ahmed Memon: Năm 2011, IECT đã phối hợp với Tổng cục Môi trường triển khai Dự án Xây dựng năng lực quản lý tổng hợp CTR tại Việt Nam và thí điểm tại TP. Đà Nẵng. Trong quá trình triển khai Dự án cho thấy, còn tồn tại một số khó khăn, thách thức như chồng chéo trong phân công công tác quản lý CTR, thiếu đơn vị đầu mối quản lý chung ở Trung ương và địa phương; chưa có sự gắn kết, hợp tác để giải quyết các vấn đề mang tính liên vùng, liên tỉnh; việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải mang tính nhỏ lẻ, thiếu các điểm trung chuyển rác; phương pháp xử lý chủ yếu vẫn là chôn lấp; hoạt động tái chế chưa phát triển thành quy mô, phần lớn các cơ sở tái chế, xử lý rác thải đều sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường; việc huy động sự tham gia của cộng đồng vào công tác quản lý tổng hợp CTR còn hạn chế…

   Ông có đề xuất gì để Việt Nam thực hiện hiệu quả công tác quản lý tổng hợp CTR?

   TS. Mushtaq Ahmed Memon: Để thực hiện hiệu quả công tác quản lý tổng hợp CTR, trước hết, việc phân công, phân cấp QLCT giữa các cơ quan liên quan cần phải cụ thể, rõ ràng, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các bên; xác định cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về CTR ở cấp Trung ương và địa phương, đồng thời, tăng cường năng lực của bộ máy quản lý môi trường ở các cấp. Ngoài ra, các bên liên quan cần thay đổi tư duy, nhận thức từ việc xem chất thải là “gánh nặng” thành nguồn tài nguyên quý giá và tìm kiếm các công nghệ tái chế, xử lý chất thải phù hợp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Mặt khác, Chính phủ cần có những chính sách cụ thể hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng những giải pháp tái chế, sản xuất sạch hơn. Các địa phương cần tính toán, nghiên cứu và áp dụng các công nghệ xử lý CTR tiên tiến, an toàn và phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương. Bên cạnh đó, tăng cường sự tham gia của khối tư nhân và cộng đồng trong các hoạt động phân loại rác tại nguồn, tái chế chất thải. Đặc biệt, tất cả các bên từ cơ quan quản lý, chính quyền địa phương, các ngành liên quan (y tế, môi trường, xây dựng, giáo dục…), phải cùng phối hợp đồng bộ, thống nhất để giải quyết những khó khăn, thách thức nêu trên, góp phần BVMT và xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn.

Hệ thống xử lý rác thải sinh hoạt tại Nhà máy xử lý CTR Ô Môn, Cần Thơ

                P. Tâm

(Thực hiện)

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 11/2016

Ý kiến của bạn