Banner trang chủ

Phát triển năng lượng tái tạo nhằm lan tỏa tương lai xanh

03/12/2018

     Phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng là hướng đi phù hợp để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng cao, giảm phụ thuộc nhập khẩu than và mang lại lợi ích về kinh tế, môi trường, xã hội. Tuy nhiên, những hạn chế trong nhận thức và hiểu biết của cộng đồng về lĩnh vực NLTT đang là một rào cản lớn, nhất là đối với người dân sống tại các vùng nông thôn, miền núi, hải đảo, những địa bàn chưa có điện lưới, đòi hỏi cần được ưu tiên chú trọng để giảm bớt khoảng cách phát triển cho những cộng đồng này.

     Nhằm thúc đẩy phát triển NLTT và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng tại Việt Nam thông qua xây dựng năng lực cho các tổ chức xã hội, nghề nghiệp và cá nhân lòng cốt tại địa phương, Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) đã triển khai Dự án “Tăng cường năng lực cho các tổ chức xã hội, nghề nghiệp và địa phương về các giải pháp NLTT và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng” (E-Enhance). Dự án do Liên minh châu Âu tài trợ từ nguồn vốn ODA không hoàn lại, được GreenID và Viện các vấn đề môi trường độc lập của Đức (UfU) đồng thực hiện trong 4 năm, từ tháng 8/2017 - 8/2021, với tổng số tiền trị giá 685.326 EURO. Trong đó, Liên minh châu Âu cam kết tài trợ không hoàn lại 600.000 EURO, phần còn lại sẽ do GreenID và UfU đối ứng.

     Với thông điệp “Sẻ chia và lan tỏa tương lai Xanh”, Dự án E-Enhance tập trung vào các hoạt động chính như: Tổ chức khóa đào tạo, tọa đàm về NLTT và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng; Truyền thông và triển khai lắp đặt các mô hình NLTT và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng; Thực hiện các hoạt động sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng. Thông qua các khóa đào tạo cơ bản và nâng cao, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp, cộng đồng địa phương sẽ được đào tạo chuyển giao kiến thức, công nghệ về lĩnh vực này. Đồng thời, Dự án sẽ cung cấp gói hỗ trợ tài chính giúp người dân ứng dụng các mô hình năng lượng bền vững tại hộ gia đình và cơ sở công cộng. Nhận thấy, nhu cầu tiếp cận nguồn năng lượng ổn định và phù hợp với thu nhập của người dân tại địa bàn chưa có điện lưới, hoặc khu vực có tỷ lệ hộ nghèo cao, Dự án ưu tiên hỗ trợ các cộng đồng tự sản xuất ra năng lượng để đáp ứng nhu cầu cơ bản trong đời sống.

     Thúc đẩy các sáng kiến sử dụng NLTT, tiết kiệm, hiệu quả trong trường học là hợp phần quan trọng và là điểm nhấn của Dự án. Do đó, Chương trình “Trường học Xanh” được thiết kế với 2 nhóm chủ đề chính: Năng lượng xanh; Nếp sống xanh. Trong mỗi nhóm chủ đề có nhiều hợp phần khác nhau và được thực hiện song song với các bước: Xây dựng, công bố tài liệu học tập, truyền thông; Chọn trường, khởi động; Xây dựng kế hoạch thực hiện tại từng trường; Thực hiện hoạt động giáo dục nâng cao nhận thức, ứng dụng thực hành... Sáng kiến “Trường học Xanh” sẽ được triển khai thí điểm tại ít nhất 10 trường học ở khu vực phía Bắc, sau đó sẽ lan tỏa ra các địa phương khác. Nhờ đó, học sinh và giáo viên không chỉ được nâng cao nhận thức và hành động về lĩnh vực này, mà còn có thể giúp nhà trường cắt giảm chi phí năng lượng, góp phần xây dựng thành công mô hình trường học thân thiện môi trường.

 

Khóa tập huấn “Giảng viên cộng đồng về Năng lượng bền vững” tại xã Cư Pui (Krông Bông, Đắc Lắc)

 

     Đến nay, sau 1 năm triển khai Dự án, GreenID đã phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Đắc Lắc bàn giao hệ thống cung cấp điện và nước sạch sử dụng năng lượng mặt trời cho người dân thôn Ea Rớt thuộc xã Cư Pui, huyện Krông Bông. Hệ thống tích hợp này có công suất lắp đặt 6,24 kW và có thể triển khai đến 24 kW, sử dụng các  pin năng lượng mặt trời để tạo ra năng lượng điện cho mục đích sinh hoạt của người dân và cung cấp điện cho hệ thống lọc nước tinh khiết RO có thể uống ngay tại chỗ. Theo công suất thiết kế, hệ thống có thể sản xuất 20 kWh/ngày đáp ứng đủ nhu cầu thắp sáng cho khoảng 20 hộ gia đình và cung cấp từ 700 - 1.000 lít nước sạch mỗi ngày cho người dân trong thôn. Lượng điện làm ra còn lại sẽ được tích trữ vào bình ắc quy để bà con dùng cho việc thắp sáng vào buổi tối. Khi nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng lên, công suất phát điện của hệ thống có thể dễ dàng điều chỉnh tăng theo để đáp ứng nhu cầu. Đây là mô hình tích hợp cung cấp nước sạch và  năng lượng lần đầu tiên được triển khai tại khu vực, mở ra một hướng tiếp cận mới trong việc giải quyết hai vấn đề quan trọng cho cuộc sống đồng bào thiểu số tại Tây Nguyên và hướng tới phát triển bền vững.

     Cùng với đó, GreenID đã tổ chức thành công buổi Triển lãm kết hợp gameshow tại khu vực Tượng đài Lý Thái Tổ, hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội, trong khuôn khổ sự kiện “Ngôi làng châu Âu”. Buổi triển lãm thu hút gần 200 lượt người đến tham quan, khoảng 80 người tham gia Thách thức Xanh và hơn 100 trẻ em, các bạn trẻ... cùng chung tay tạo nên 2 bức tranh dài 14 m với thông điệp nổi bật "Năng lượng Xanh - Không khí Sạch". GreenID cũng đã tổ chức được một khóa Tập huấn về NLTT và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả cho hơn  35 học viên là cán bộ quản lý, đoàn thể địa phương, hoạt động môi trường các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên; 2 Khóa đào tạo giảng viên nguồn nâng cao về NLTT và Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho 26 học viên đến từ 12 tỉnh, thành phố từ Tây Bắc đến đất mũi Cà Mau. Các khóa tập huấn, đào tạo này tập trung vào nội dung năng lượng bền vững và các giải pháp thúc đẩy ứng dụng quy mô cộng đồng về NLTT, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Đặc biệt, chương trình “Ra mắt Câu lạc bộ Sao Xanh”, “Tìm hiểu về Ô nhiễm không khí” và khởi động “Trường học xanh” đã được GreenID thực hiện tại trường THCS, THPT Đoàn Thị Điểm, Hà Nội. Trong mỗi chương trình, các em học sinh đã được tìm hiểu kiến thức về chủ đề không khí, tiết kiệm năng lượng, nâng cao kỹ năng giao tiếp tư duy phản biện qua các trò chơi câu đố mang tính tương tác cao. Với mong muốn nâng cao nhận thức, chia sẻ câu chuyện truyền cảm hứng trong lĩnh vực năng lượng bền vững, đồng thời, trang bị hành trang cho các em học sinh tự bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình khỏi vấn nạn ô nhiễm không khí, các chương trình được xây dựng dựa trên cấu trúc cuộc thi nhằm thúc đẩy tối đa sự tham gia, trao đổi của các em học sinh với chuyên gia, thầy cô trong trường.

     Hy vọng, những kết quả bước đầu của Dự án góp phần không nhỏ trong việc nâng cao nhận thức và ứng dụng các giải pháp năng lượng bền vững tại cộng đồng, từ đó thúc đẩy phát triển NLTT, tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí nhà kính, theo định hướng phát triển bền vững đất nước.

 

Nguyễn Thu Hà

Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 11/2018)

 

 

Ý kiến của bạn