Banner trang chủ

Phát triển nông nghiệp hữu cơ - Xu hướng tất yếu trong tương lai

02/10/2018

     Phát triển nông nghiệp hữu cơ (NNHC) là xu thế tất yếu nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm thiểu tác động tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng, cũng như môi trường. Ở Việt Nam, sản xuất NNHC đã được chú trọng phát triển trong thời gian gần đây. Đến nay, 33 tỉnh/thành phố (TP) đã có mô hình sản xuất NNHC, với diện tích khoảng 70.600 ha, tăng 3,6 lần so với năm 2010, với các hình thức, quy mô, sản phẩm rất đa dạng.

     Lợi ích của NNHC

     Theo Tổ chức NNHC Quốc tế (IFOAM), NNHC là hệ thống đồng bộ nhằm thực hiện các hoạt động sản xuất nông nghiệp, bảo đảm hệ sinh thái bền vững, thực phẩm an toàn, dinh dưỡng tốt, không sử dụng các hóa chất nông nghiệp và các chất sinh trưởng phi hữu cơ...

     Sản xuất NNHC yêu cầu không sử dụng 5 nguồn vật liệu đầu vào cho sản xuất, bao gồm: Hóa chất bảo vệ thực vật; Phân bón hóa học; Chất kích thích tăng trưởng; Sản phẩm đột biến gen và phân bắc. Nguồn vật liệu đầu vào của sản xuất NNHC chủ yếu dựa vào luân canh, sử dụng phân chuồng đã qua ủ nóng, phân xanh, phân vi sinh và áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp để canh tác.

     Canh tác NNHC sẽ mang lại những lợi ích như duy trì và bảo toàn độ phì nhiêu của đất; ít gây ô nhiễm nguồn nước (nước ngầm, sông, hồ); bảo vệ đời sống hoang dã (chim chóc, ếch nhái, côn trùng…); đa dạng sinh học cao; đối xử tốt hơn với động vật nuôi; ít sử dụng năng lượng và đầu vào không có khả năng phục hồi từ bên ngoài; ít dư lượng thuốc trừ sâu trong thực phẩm; chất lượng sản phẩm tốt hơn (hương vị, đặc tính tích lũy)... Với phương thức canh tác làm việc với chu trình tự nhiên, bảo toàn và làm phong phú hệ sinh thái nông nghiệp, NNHC sẽ mang lại lợi ích không chỉ đối với sức khỏe của người sản xuất và tiêu dùng mà còn góp phần cải tạo, BVMT và phát triển bền vững.

     Một số mô hình NNHC tại Việt Nam

     Việt Nam nằm trong 170 quốc gia có mô hình sản xuất NNHC trên thế giới. Từ năm 2007 - 2015, diện tích canh tác và nuôi trồng hữu cơ trên cả nước tăng từ 12.120 ha lên 70.600 ha, nhanh hơn tốc độ trung bình toàn cầu. Trong giai đoạn phát triển mới hướng đến nền nông nghiệp phát triển bền vững, việc phát triển NNHC nhằm đưa ra thị trường các sản phẩm nông sản đạt tiêu chuẩn hữu cơ và bổ dưỡng cho người tiêu dùng là một đòi hỏi khắt khe và cũng đang là một xu thế tiêu dùng mới.

 

Mô hình sản xuất rau hữu cơ tại Sóc Sơn (Hà Nội)

 

     Đến nay, Việt Nam có 33 tỉnh, TP có mô hình sản xuất NNHC với tốc độ tăng trưởng nhanh về quy mô, sản lượng cũng như giá trị và chủng loại sản phẩm, trong đó, nhiều mô hình hợp tác xã đã sản xuất thành công như mô hình sản xuất rau ở Lương Sơn (Hòa Bình); Thanh Xuân - Sóc Sơn (Hà Nội); chè Shan Tuyết  Bắc Hà (Lào Cai); cam Hàm Yên (Tuyên Quang)… Nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất NNHC có sản phẩm và đã được các tổ chức quốc tế chứng nhận và xuất khẩu thành công sang các thị trường EU, Mỹ, Trung Quốc như Công ty Viễn Phú (Cà Mau) sản xuất lúa gạo hữu cơ 220 ha, 2 vụ/năm, rau hữu cơ 50 ha/năm; Công ty Organik (Đà Lạt) sản xuất rau hữu cơ; Công ty Ecolink và Công ty Hùng Cường xây dựng hệ thống công nhận quốc tế (ICS), dựa trên mạng lưới sản xuất nông hộ chè hữu cơ giống shan tuyết tại Bản Liền, tỉnh Lào Cai (374 ha); Hà Giang (645 ha)…

     Đối với lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản, đã có 2 trang trại chăn nuôi bò sữa hữu cơ quy mô lớn, được Tổ chức Chứng nhận quốc tế Control Union (Hà Lan) chứng nhận là Trang trại bò sữa hữu cơ của Công ty Vinamilk, với trang trại tại Lâm Đồng có tổng đàn 500 con bò sữa hữu cơ nhập từ Mỹ; Trang trại bò sữa hữu cơ của Công ty TH TrueMilk tại Nghệ An, với tổng đàn bò sữa hữu cơ khoảng 1.000 con. Ngoài ra, đã có một số doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi lợn hữu cơ theo tiêu chuẩn Nhật Bản, sản phẩm được tiêu thụ ở thị trường trong nước như Trang trại Bảo Châu, Trang trại Anh Đào... 

     Khuyến khích phát triển NNHC

     Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng để phát triển NNHC. Để NNHC có thể phát triển bền vững theo xu thế hội nhập, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2018/NĐ-CP về NNHC, trong đó quy định cụ thể chính sách khuyến khích phát triển NNHC. Nghị đinh nêu rõ, sẽ ưu tiên kinh phí khoa học, khuyến nông để thực hiện đề tài nghiên cứu, dự án khuyến nông, đặc biệt về giống kháng sâu bệnh, phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thuốc thú y thảo mộc.

     Cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm hữu cơ, hoặc vật tư đầu vào phục vụ cho sản xuất hữu cơ được hưởng ưu đãi đầu tư đối với nông nghiệp, nông thôn dựa trên một số chính sách đã được ban hành gồm: Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp; Liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, xây dựng cánh đồng lớn; Đào tạo nghề cho lao động nông thôn; Tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn; Cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; Chính sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong nuôi trồng, khai thác dược liệu; Hỗ trợ xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu; Hỗ trợ gắn Nhãn xanh Việt Nam, hỗ trợ cơ sở thân thiện với môi trường...

     Nghị định cũng quy định cụ thể một số chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, nhóm hộ sản xuất sản phẩm hữu cơ. Theo đó, hỗ trợ 100% kinh phí xác định các vùng, khu vực đủ điều kiện sản xuất hữu cơ (điều tra cơ bản, khảo sát địa hình, phân tích mẫu đất, nước, không khí do cấp có thẩm quyền phê duyệt); hỗ trợ một lần 100% chi phí cấp Giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp TCVN về NNHC do Tổ chức chứng nhận cấp (cấp lần đầu, hoặc cấp lại); hỗ trợ đào tạo, tập huấn sản xuất hữu cơ; hỗ trợ xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất hữu cơ theo TCVN, định mức hỗ trợ chi phí giống kháng sâu bệnh, phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học đối với mô hình trồng trọt; chi phí giống, thức ăn hữu cơ, thuốc thú y được phép sử dụng đối với mô hình chăn nuôi, thủy sản và chi phí nhân rộng mô hình theo quy định của Chính phủ về khuyến nông.

 

Đinh Quang Thành

Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 9/2018)

 

 

Ý kiến của bạn