Banner trang chủ

Năng lượng thông minh: Hướng đi nào cho Thành phố Hồ Chí Minh

26/04/2018

     Ngày 20/4/2018, Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển (CHANGE) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Vùng và Đô thị (CRUS) tổ chức Toạ đàm “Năng lượng thông minh: Hướng đi nào cho TP. Hồ Chí Minh?”.

 

Toàn cảnh buổi Tọa đàm

 

     Tọa đàm nằm trong khuôn khổ chiến lược dài hạn của CHANGE hướng đến mục tiêu thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo tại TP. Hồ Chí Minh và các đô thị lớn của Việt Nam. Mục đích của buổi Tọa đàm là mang đến các tham luận phân tích về các mô hình xây dựng TP thông minh phù hợp với tình hình phát triển của TP, từ khía cạnh phát triển năng lượng. Bên cạnh đó, Tọa đàm cũng mong muốn mở ra cuộc thảo luận giữa các chuyên gia về năng lượng, doanh nghiệp và người dân TP trong việc xây dựng một cộng đồng sử dụng năng lượng hiệu quả, góp phần vào chiến lược phát triển TP thông minh.

     TP. Hồ Chí Minh cùng khu vực đồng bằng sông Cửu Long là vùng có tiềm năng lớn nhất cả nước cho các dự án về phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời và sinh khối với số giờ nắng cao, mùa nắng kéo dài, và nguồn phụ phẩm nông nghiệp dồi dào như rơm rạ, cám, trấu, bã mía, phân gia súc… Quy hoạch điện 7 điều chỉnh do Thủ tướng Chính phủ ban hành vào tháng 3/2016 đã nhấn mạnh tầm quan trọng của năng lượng tái tạo trong việc đáp ứng nhu cầu tiêu thụ năng lượng đang ngày càng gia tăng tại Việt Nam, với tỷ trọng 10% trong cơ cấu nguồn điện vào năm 2030. Cùng với đó, năm 2016, tại COP22, Việt Nam cùng 47 quốc gia khác của Diễn đàn các Quốc gia dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu đã ký vào cam kết hướng tới mục tiêu 100% năng lượng tái tạo tới năm 2050.

     Tại buổi Toạ đàm, CHANGE chia sẻ kế hoạch và đề xuất các đại biểu tham dự thảo luận và đóng góp ý kiến cho dự án sắp tới của trung tâm “Put Solar On It” (tạm dịch Nóc nhà Mặt Trời), với mục tiêu khuyến khích người dân, doanh nghiệp lắp pin năng lượng mặt trời trên nóc nhà. Dự án sẽ tổ chức các hội thảo chuyên đề với các chuyên gia, các hoạt động dành cho cộng đồng tại các khu đô thị trong địa bàn TP; vận động các công ty năng lượng tái tạo cũng như các ngân hàng hỗ trợ về giá đầu tư và các gói vay ưu đãi, cũng như vận động EVN và các cơ quan ban ngành hỗ trợ về chính sách cho các gia đình lắp đặt điện mặt trời nối lưới.

     Được biết, trong thời gian tới, CHANGE sẽ tiếp tục thực hiện hàng loạt các hoạt động truyền thông sáng tạo nhằm đẩy mạnh phong trào sử dụng năng lượng tái tạo, sản xuất phim tài liệu và ấn phẩm truyền thông, tổ chức tập huấn cho nhà báo và nâng cao năng lực cho giới trẻ cùng các nhóm cộng đồng trẻ tại địa phương.

 

Hoàng Đàn

Ý kiến của bạn