Banner trang chủ

Một số giải pháp quản lý, nâng cao hiệu quả khai thác sử dụng đất bãi bồi ven biển tỉnh Nam Ðịnh theo hướng phát triển bền vững

19/11/2015

   Nam Định là tỉnh ven biển với khoảng 72 km bờ biển trải dài qua 3 huyện Giao Thủy, Hải Hậu và Nghĩa Hưng, trong đó, 2 huyện Giao Thủy và Nghĩa Hưng hàng năm đều được bồi đắp thêm tạo thành những bãi bồi rộng lớn. Diện tích đất bãi bồi và đất có mặt nước ven biển của 2 huyện khoảng 22.821 ha, bao gồm: Nghĩa Hưng là 5.287 ha, Giao Thủy là 17.534 ha (tính cả 7.100 ha của Vườn quốc gia Xuân Thủy).

Đất bãi bồi ven biển của 2 huyện Giao Thủy và Nghĩa Hưng đã tạo ra khu vực ĐDSH cao, là nơi sinh sống của nhiều loài chim di cư quý hiếm 

 

 

   Trước đây, việc quản lý sử dụng đất bãi bồi ven biển tại Nam Định chưa hiệu quả, cụ thể, việc quản lý đất bãi bồi ven biển được thực hiện theo quyết định của UBND tỉnh Nam Định năm 2001 đối với Nghĩa Hưng và năm 2003 đối với Giao Thủy là tạm giao quyền quản lý hành chính cho các xã ven biển, đến nay, đất bãi bồi ven biển vẫn chưa có số liệu đo đạc. Trong 15 năm qua, đặc biệt trong mấy năm gần đây, khi đất bãi bồi ven biển ngày càng có giá trị kinh tế cao thì càng bộc lộ những hạn chế trong công tác quản lý, khai thác sử dụng đất bãi bồi ven biển.

   Tiềm năng, giá trị đa dạng của đất bãi bồi ven biển Nam Định

   Vùng bãi bồi ven biển 2 huyện Giao Thủy và Nghĩa Hưng có tiềm năng mở rộng diện tích do bồi tụ hàng năm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, hiện tại, tổng diện tích là 15.720 ha. Với giá trị đa dạng sinh học (ĐDSH) cao, nguồn lợi thủy sản, nước biển, đất đai, cảnh quan của vùng rất phong phú, nhưng chưa được khai thác hết, chưa tạo ra đột phá trong phát triển kinh tế.

   Hiện đất bãi bồi ven biển vẫn chủ yếu dùng để nuôi trồng thủy hải sản và khai thác tự nhiên, với diện tích khoảng hơn 5.548 ha, chiếm 41% diện tích bãi bồi. Việc khai thác và nuôi trồng thủy hải sản đã mang lại nhiều lợi ích kinh tế, tuy nhiên, vẫn còn manh mún, chưa đảm bảo chất lượng, cũng như chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Riêng đối với ngành nuôi trồng thủy hải sản tại hai huyện ven biển Nghĩa Hưng và Giao Thủy, hiệu quả kinh tế đem lại rất lớn nếu gặp điều kiện thời tiết thuận lợi, giá cả thị trường ổn định. Nhưng khu vực này thường xuyên chịu ảnh hưởng của những cơn bão xâm nhập mặn, thay đổi môi trường sống của thủy hải sản, dẫn đến năng suất giảm đáng kể, hiệu quả kinh tế không cao.

   Hệ thống rừng ngập mặn (RNM) tự nhiên của 2 huyện đã tạo ra khu vực ĐDSH cao, có nhiều loài chim di cư quý hiếm tầm cỡ quốc tế có thể phát triển thành khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước, là vùng trọng điểm phát triển rừng, nhất là rừng phòng hộ ven biển. Diện tích rừng của 2 huyện khoảng 1.213,18 ha, chiếm 8,3% diện tích bãi bồi, trong khi diện tích đất chưa sử dụng khoảng 2.576,53 ha, chiếm 18% diện tích bãi bồi.

   Những năm gần đây, tại Nam Định, công tác quản lý đất bãi bồi ven biển đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, ngành, đặc biệt là các địa phương ven biển, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn. Cụ thể, nguồn nhân lực quản lý đất bãi bồi ven biển mỏng, cán bộ quản lý không được đào tạo chuyên sâu; công việc kiêm nhiệm nhiều, ít được tham gia tập huấn, đào tạo về quản lý, bảo vệ, sử dụng đất bãi bồi ven biển. Nguồn lực tài chính, đầu tư cơ sở hạ tầng và các trang thiết bị phục vụ công tác quản lý chưa được đầu tư đồng bộ, thống nhất. Nhìn chung, nguồn lực phục vụ công tác quản lý đất bãi bồi ven biển thiếu cả nhân lực và vật lực, do đó công tác quản lý gặp nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao.

   Đối với xu thế sử dụng đất bãi bồi trong những năm tới là tăng diện tích nuôi trồng thủy sản mang tính bền vững, khai thác thủy sản xa bờ, phát triển đất rừng phòng hộ ven biển, mở rộng phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái và đẩy mạnh phát triển cảng - giao thông đường thủy, phục vụ cho phát triển sản xuất.

   Trên cơ sở hiện trạng, xu thế khai thác, sử dụng đất bãi bồi ven biển và các quan điểm sử dụng bền vững đất bãi bồi, định hướng sử dụng đất bãi bồi ven biển phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, với tiêu chí phát triển bền vững theo hướng đa mục tiêu, đa lĩnh vực, nhằm tạo thuận lợi cho quản lý tổng hợp tài nguyên vùng đất bãi bồi; bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường (bền vững về môi trường), phát triển kinh tế (bền vững về kinh tế) và đảm bảo công bằng xã hội (bền vững về xã hội).

   Giải pháp quản lý, nâng cao hiệu quả khái thác sử dụng bền vững đất bãi bồi ven biển

   Để nâng cao hiệu quả khai thác sử dụng, quản lý đất bãi bồi ven biển cần áp dụng các giải pháp sau:

   Đo đạc, xây dựng cơ sở dữ liệu đất bãi bồi ven biển theo hướng chính quy, hiện đại, quy hoạch sử dụng đất bãi bồi ven biển hợp lý, khoa học. Việc quy hoạch phải dựa trên cơ sở nghiên cứu khoa học về bồi tụ, xói lở và phải tính tới yếu tố biến đổi khí hậu đang diễn ra;

Tổ chức cắm mốc, phân định ranh giới bãi bồi từng huyện, xã và lập hồ sơ địa giới hành chính. Lập hồ sơ giao đất bãi bồi ven biển cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu và năng lực khai thác, cấp phép khai thác tài nguyên;

   Thực hiện nghiêm các quy định của Luật Đất đai, Luật ĐDSH năm 2008, Luật BVMT năm 2014, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Nghị định số 51/2014/NĐ-CP ngày 21/5/2014 của Chính phủ quy định về giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác và sử dụng tài nguyên; Thông tư số 02/2015/TT-BTNMT ngày 27/1/2015 của Bộ TN&MT quy định chi tiết một số điều của Nghị định 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai...

   Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý cho ngành TN&MT nói chung và các xã, huyện ven biển nói riêng, tập huấn, nâng cao năng lực và đầu tư trang thiết bị, máy móc phục vụ cho công tác quản lý. Ứng dụng kết quả của đề tài khoa học cấp tỉnh: “Điều tra, xây dựng cơ sở dữ liệu GIS phục vụ quản lý phát triển bền vững quỹ đất bãi bồi ven biển Nam Định” và phần mềm do đề tài xây dựng trong công tác quản lý đất bãi bồi ven biển. Định kỳ giám sát, đo đạc, quan trắc những biến động đất bãi bồi ven biển, cập nhật đầy đủ vào cơ sở dữ liệu những biến động và các hoạt động kinh tế biển có tác động đến vùng đất bãi bồi;

   Tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân, nhất là cộng đồng dân cư ven biển về phương thức nuôi trồng thủy sản, lợi ích của RNM tại khu vực bãi bồi ven biển làm ảnh hưởng đến môi trường, hệ sinh thái và ĐDSH;

   Xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành để phát triển du lịch bền vững; Quy hoạch phát triển thủy sản, kêu gọi đầu tư chế biến thủy, hải sản; Hỗ trợ chuyển đổi mô hình sản xuất để sử dụng khai thác hợp lý tài nguyên, nhiên nhiên.

   Đối với đất bãi bồi huyện Giao Thủy (trong đó có Vườn quốc gia Xuân Thủy - nơi có ĐDSH cao, vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển đồng bằng sông Hồng) phải quy hoạch xác định rõ các vùng bảo tồn, phát triển nuôi trồng thủy sản, khai thác tự nhiên, phát triển du lịch, trồng rừng và bảo vệ đê biển… tập trung phát triển những thế mạnh của địa phương. Đối với huyện Nghĩa Hưng, về lâu dài để đất bãi bồi mang lại giá trị kinh tế cao phải quy hoạch sử dụng đất theo hướng phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế (kể cả huyện Hải Hậu), phát triển thành phố, cảng biển, sân bay tiến ra biển, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Vũ Minh Lượng

Sở TN&MT Nam Định

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 10 - 2015)

Ý kiến của bạn