Banner trang chủ

Mô hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trách nhiệm, an toàn và hiệu quả

10/04/2019

     Ngày 9/4/2019, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Sơn La và Hiệp hội CropLife Việt Nam tổ chức Hội Nghị ‘‘Tổng kết 2 năm  (2017 - 2018) mô hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trách nhiệm, an toàn và hiệu quả; triển khai kế hoạch năm 2019’’ tại xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La.

     Đây là một trong các hoạt động trọng tâm triển khai theo hình thức hợp tác công-tư giữa Cục BVTV và CropLife Việt Nam với mục tiêu xây dựng mô hình liên kết giữa cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân nhằm nâng cao nhận thức về sử dụng thuốc “hiệu quả - an toàn- có trách nhiệm; góp phần sản xuất ra các sản phẩm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, hướng tới sản xuất an toàn, bền vững và nâng cao giá trị. Hai nội dung chính của chương này bao gồm: Xây dựng mô hình thu gom vỏ bao bì thuốc BVTV sau sử dụng và tổ chức các lớp tập huấn sử dụng thuốc BVTV “4 đúng”.

 

Toàn cảnh Hội nghị

 

     Tỉnh Sơn La có trên 300.000 ha đất nông nghiệp và điều kiện thuận lợi để đầu tư sản xuất các vùng nguyên liệu tập trung có quy mô lớn. Từ năm 2017, định hướng sản xuất nông nghiệp của tỉnh theo hướng chuyển đổi sang phát triển cây ăn quả trên đất dốc trong đó chú trọng đầu tư xây dựng và vận hàng chuỗi giá trị sản xuất, cung ứng chế biến, tiêu thụ và đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sạch và an toàn. Tuy nhiên, trong xu thế sản xuất nông nghiệp an toàn để phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu thì sản xuất nông nghiệp của tỉnh Sơn La cũng đang đặt ra nhiều thách thức, vấn đề về sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ hiện đang là một trong những trở ngại lớn với uy tín hàng hóa, chất lượng sản phẩm nông sản của tỉnh.

     Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục BVMT cho biết: “Sử dụng thuốc BVTV đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sản lượng xuất khẩu. Tuy nhiên, thói quen sử dụng thuốc chưa đúng - điều này không chỉ ảnh hưởng tới chất lượng hàng xuất khẩu mà còn ảnh hưởng tới đời sống của chính bà con nông dân, sức khoẻ cộng đồng và môi trường.”

     Với diện tích 35.143 ha đất sản xuất nông nghiệp, Yên Châu được lựa chọn là một trong các huyện trọng điểm của chương trình lần này – hình thức triển khai là thông qua các trang trại hợp tác xã, khu nông nghiệp. Hoạt động thu gom vỏ bao bì thuốc BVTV sau sử dụng và tổ chức các lớp tập huấn được lồng ghép và thực hiện đồng thời trong quy trình sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi, có sự gắn kết từ phát triển vùng nguyên liệu tập trung đến chế biến, bảo quản tại chỗ gắn với thị trường tiêu thụ, tập trung vào các sản phẩm có thế mạnh như: xoài, nhãn, mận hậu, chuối...

 

Các đại biểu tham gia mô hình trồng nhãn xuất khẩu tại Sơn La

 

     Theo Báo cáo của CropLife Việt Nam, sau hai năm thực hiện, chương trình đã hỗ trợ các hộ dân xây dựng và lắp đặt 75 bể chứa bao thuốc BVTV sau khi sử dụng tại 4 hợp tác xã sản xuất nông nghiệp xuất khẩu, tổng lượng vỏ bao thu gom đạt hơn 200kg mỗi năm tại Huyện Yên Châu. Ngoài ra, chương trình cũng đã tổ chức các lớp tập huấn về các quy trình hiện hành trong công tác quản lý về thuốc BVTV cho 30 cán bộ chính quyền và 600 nông dân (tương đương 25 lớp), qua đó nâng cao năng lực quản lý, phương thức tuyên truyền, hướng dẫn, vận động nhân dân thực hiện nguyên tắc “4 đúng” trong sử dụng và thu gom bao thuốc BVTV. Kết quả là chỉ tính riêng 2 năm 2017 – 2018 đã có hơn 22ha trồng xoài và 78ha trồng nhãn được cấp mã số vùng trồng, đủ điều kiện để xuất khẩu đi các thị trường khó tính.

     Bên cạnh đó, các hoạt động của dự án nằm trong vùng trồng cây ăn quả xuất khẩu đã góp phần nâng cao chất lượng, tính an toàn về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cho sản phẩm, tạo uy tín cho các sản phẩm nông sản xuất khẩu của tỉnh.

     Ông Hà Văn Hải, trưởng bản Văng Lùng, xã Chiềng Hạc, huyện Yên Châu cho biết: “Chúng tôi hiện nay có hai hợp tác xã trồng xoài với tổng diện tích gần 40ha được cấp mã số vùng trồng và xuất khẩu sang Úc. Nhờ có chương trình này, ý thức sử dụng và thu gom bao bì thuốc BVTV của nông dân đã được cải thiện rõ rệt. Đặc biệt hầu hết nông dân trong bản là người dân tộc thiểu số với trình độ học vấn hạn chế, việc các cán bộ của chi cục cũng như các doanh nghiệp đến tận nơi “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn thực tế cho bà con nông dân đã mang lại hiệu quả rất cao.”

     Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Lò Minh Hùng, chia sẻ: “Chúng tôi đánh giá cao hiệu quả mà chương trình sử dụng thuốc BVTV an toàn, trách nhiệm đã thực hiện trong thời gian qua. Mặc dù thời gian triển khai chưa lâu nhưng đến nay đã có rất nhiều hộ dân nhận thức được sự nguy hại khi lạm dụng hoặc sử dụng không đúng cách thuốc BVTV, thậm chí ở nhiều địa phương đã đưa cả quy định dùng thuốc BVTV đúng cách vào hương ước, quy ước của thôn, bản. Tôi hy vọng và mong muốn Cục BVTV, Tổ chức Croplife Việt Nam quan tâm hơn nữa để có thể nhân rộng các mô hình này tới nhiều hộ dân trong huyện Yên Châu nói riêng và tỉnh Sơn La nói chung”.

 

Người dân thu gom vỏ thuốc BVTV đúng nơi quy định

 

     Cũng theo ông Nguyễn Quý Dương: “Việc hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc BVTV có trách nhiệm chỉ là bước đầu cho dự án dài hơi hơn, đó là cấp mã số vùng trồng nhằm đẩy mạnh xuất khẩu các trái cây đặc sản của tỉnh Sơn La. Đây mới chính là mục tiêu lâu dài của ngành nông nghiệp mà chúng ta cần hướng tới và nhân rộng ở hầu hết các vùng trồng trái cây trọng điểm của Việt Nam”.

      Tuy nhiên, với thời gian 2 năm, quy mô của các mô hình còn nhỏ nên số lượng nông dân hưởng lợi từ chương trình này còn hạn chế (600 nông dân) so với các vùng trồng xuất khẩu (hơn 2000 nông dân). Việc triển khai hoạt động của tổ dịch vụ bảo vệ thực vật chưa đạt được hiệu quả cao do hiện nay hầu hết các hộ gia đình tự thực hiện kiểm tra tình hình dịch hại, phun thuốc bảo vệ thực vật; nhu cầu sử dụng dịch vụ bảo vệ thực vật còn hạn chế do điều kiện kinh tế còn thấp. Giải pháp được đưa ra cần mở rộng mô hình với sự tham gia đầy đủ của các bên có liên quan để phát huy tính liên kết đặc biệt là vai trò của các doanh nghiệp kinh doanh vật tư nông nghiệp cũng như các doanh nghiệp đầu ra của sản phẩm giúp mô hình phát triển một cách bền vững. “Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ tiếp tục có những hoạt động hỗ trợ, nâng cao về sử dụng thuốc BVTV, năng lực quản lý, hoạt động của tổ dịch vụ BVTV tại vùng dự án đã thực hiện trong thời gian tới” - Đại diện Hiệp hội CropLife Việt Nam cho biết.

 

Phạm Đình

 

 

 

Ý kiến của bạn