Banner trang chủ

Lâm Đồng: Áp dụng nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường

03/01/2019

     Việc ứng dụng nông nghiệp thông minh là một trong những giải pháp cấp bách để bảo đảm an ninh lương thực và chất lượng nông sản, nhằm phục vụ tốt nhu cầu người dân, trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày càng khó lường. Với phương châm “đi ngay, nhanh và đúng”, cùng việc tận dụng lợi thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên đất đai, nguồn nước, nguồn nhân lực, điều kiện sinh thái, Lâm Đồng đã vươn lên, trở thành tỉnh dẫn đầu cả nước trong việc áp dụng nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), thân thiện với môi trường vào sản xuất.

     Từ những năm 1990, Lâm Đồng đã xác định, NNCNC là một đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, thông qua nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao đã được hình thành và hoạt động có hiệu quả. Kết quả trong xây dựng nông thôn mới tại Lâm Đồng có đóng góp rất lớn của sản xuất nông nghiệp và đặc biệt nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đến nay, theo báo cáo của Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Lâm Đồng, 100% số xã trên địa bàn đã có đề án phát triển sản xuất được phê duyệt và đang triển khai thực hiện, tập trung vào các lĩnh vực phát triển sản xuất NNCNC đối với rau, hoa, chè, cà phê, cây đặc sản, bò sữa, cá nước lạnh… Trên cơ sở thực hiện thành công chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2004 - 2015, tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Nghị quyết số 05/NQ-TU về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng 2025. Trong đó, xác định: "Tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, bảo đảm sự phát triển bền vững, trong đó chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, gắn với công tác bảo quản, chế biến sau thu hoạch".

 

Một góc vườn rau đẹp mắt trong Green Box

 

     Tính đến cuối năm 2017, tỉnh Lâm Đồng có 51.779 ha đất sản xuất theo mô hình NNCNC, chiếm 18% tổng diện tích sản xuất nông nghiệp; diện tích trồng rau là 18.968 ha, số còn lại là trồng hoa, cây đặc sản, chè, cà phê và lúa. Trong đó, có 4.040 ha nhà kính (2.070 ha rau, 1.970 ha hoa); 694 ha ứng dụng công nghệ điều khiển tự động, bán tự động về nhiệt độ, độ ẩm, cường độ và thời gian chiếu sáng; 19.507 ha rau, hoa ứng dụng hệ thống tưới kết hợp châm phân tự động. Nhờ đó, sản lượng xuất khẩu rau đạt 10.744 tấn, giá trị 27.7 triệu USD; hoa xuất khẩu đạt 291.4 triệu cành, giá trị đạt 34 triệu USD. Hầu hết các mô hình nông nghiệp thông minh ở Lâm Đồng đều sử dụng hệ thống cảm biến kết nối vạn vật (IoT Sensors), các thiết bị cảm biến và thiết bị thông minh được kết nối, điều khiển tự động trong suốt quá trình sản xuất. Cùng với đó, công nghệ đèn LED sử dụng đồng bộ trong canh tác kỹ thuật cao để tối ưu hóa quá trình sinh trưởng, canh tác trong nhà kính, nhà lưới, đồng thời, sử dụng công nghệ thủy canh, khí canh nhằm cách ly môi trường tự nhiên.

     Đến nay, tỉnh Lâm Đồng có 8 doanh nghiệp được Bộ NN&PTNT công nhận là doanh nghiệp NNCNC, gồm: Công ty cổ phần Công nghệ sinh học rừng hoa Đà Lạt, Công ty Dalat Has Farm, Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Trường Hoàng; Công ty TNHH Đà Lạt G.A.P, Công ty TNHH Hoa mặt trời, Công ty TNHH trang trại Langbiang, Công ty TNHH sản xuất - thương mại - nông sản Phong Thúy và Công ty TNHH Trà Long Đỉnh. Nhờ việc mạnh dạn đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại và tổ chức lại bộ máy sản xuất theo hướng ứng dụng NNCNC, những doanh nghiệp trên trở thành đơn vị đầu tàu trong sản xuất, kinh doanh tiêu thụ nông sản cho nông dân trên địa bàn.

     Nằm cách trung tâm TP. Đà Lạt khoảng 5 km, trang trại hoa Lang Biang (Lang Biang Farm), do ông Trần Huy Đường làm chủ, chuyên sản xuất giống hoa, hoa thương phẩm, giá thể trồng hoa, rau quả an toàn… Sau 15 năm hoạt động, đến nay, Công ty của ông Đường đã tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường rau, hoa Đà Lạt. Hiện Công ty có 2 trang trại: 1 trang trại 7 ha ở TP. Đà Lạt, trồng hoa với các sản phẩm chủ lực là cẩm chướng, lay ơn, cúc nhật…; 1 trang trại nằm ở huyện Lạc Dương, có diện tích 20 ha, sản xuất dâu tây, rau quả theo tiêu chuẩn VietGAP, đồng thời, sản xuất giá thể cũng như phân bón phục vụ cho sản xuất của các trang trại trong công ty và cung cấp cho nhiều hộ nông dân trong vùng. Tổng doanh thu của công ty hiện vào khoảng 40 - 50 tỷ đồng/năm. Chỉ riêng trang trại trồng hoa, bình quân mỗi năm cho doanh thu từ 4 - 7 tỷ đồng/ha. Thành công của ông Đường, có nguyên nhân quan trọng từ việc ông đã sớm áp dụng NNCNC vào sản xuất như trồng rau thủy canh, rau khí canh, autopot (hệ thống canh tác thủy canh cho phép phân phối nước và dinh dưỡng tự động theo nhu cầu của cây)…, đặc biệt là sử dụng công nghệ IoT (mạng lưới thiết bị kết nối Internet) trong trồng trọt. Theo đó, trong vườn sử dụng các thiết bị cảm biến và thiết bị thông minh được kết nối và điều khiển tự động qua mạng Internet trong suốt quá trình sản xuất. Công nghệ này giúp cải thiện khí hậu trong nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả sản xuất… Hiện, Langbiang Farm đang được coi là một trong những cơ sở tiêu biểu về ứng dụng IoT vào sản xuất ở Lâm Đồng.

 

Mô hình trồng rau bó xôi sạch mang về cho gia đình anh Nguyễn Văn Thi hàng tỷ đồng mỗi năm

 

     Ngoài ứng dụng NNCNC, ông Đường còn đầu tư phát triển mô hình du lịch nông nghiệp, bằng việc cải tạo một nhà kính chuyên sản xuất rau an toàn trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (TP. Đà Lạt), thành quán cà phê với tên gọi Green Box. Quán cà phê với thiết kế thân thiện, độc đáo, mang đậm nét của một trang trại Đà Lạt. Đến đây, thực khách được thưởng thức những ly nước ép từ dâu tây, cà chua, rau quả sạch do Langbiang Farm sản xuất. Ngoài ra, Green Box còn trưng bày những nông cụ từng gắn bó với nhà nông Đà Lạt nói riêng, Lâm Đồng nói chung, qua đó, giúp cho du khách hiểu được nghề nông truyền thống ở mảnh đất này.

     Dưới chân núi LangBiang, xã Lát, huyện Lạc Dương, có trang trại rau bó xôi của nông dân Nguyễn Văn Thi, mỗi năm đem về cho gia chủ hàng tỷ đồng. Lúc ban đầu, ông Thi vừa làm vừa học hỏi kỹ thuật từ những người đi trước, cách chăm sóc, phát hiện bệnh, biện pháp trừ diệt mầm bệnh trên bó xôi qua mạng Internet, sau 3 tháng xuống giống, trang trại bó xôi non xanh mơn mởn dưới chân núi LangBiang bắt đầu cho thu hoạch. Tuy nhiên, đúng lúc giá rau xuống thấp, thương lái không mua, gia đình ông phải bán phá giá để thu hồi vốn liếng đã bỏ ra. Sau bài học này, biết không thể cứ để phụ thuộc vào thương lái và giá cả bấp bênh của thị trường được, vợ chồng ông Thi quyết định đem cải bó xôi xuống TP. Hồ Chí Minh chào hàng tại các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị… Sau những lần kiên trì chào hàng, gia đình ông Thi được cùng lúc hai hệ thống siêu thị lớn hàng đầu là BigC và Metro đặt vấn đề ký hợp đồng cung cấp rau bó xôi dài hạn. Có đầu ra lâu dài, ổn định, ông Thi mạnh dạn mở rộng diện tích bó xôi, sản xuất theo hướng công nghệ sạch. Hiện mỗi ngày, nông trại của gia đình ông Thi cho thu hoạch 7 tạ rau. Mỗi tháng, trừ mọi chi phí đầu tư thu về gần 100 triệu đồng tiền lãi. Trong nhà lúc nào cũng có hơn 10 người được ông thuê lao động quanh năm, với mức lương 4,5 triệu đồng/tháng. Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, kiên trì học hỏi, xúc tiến mở rộng thị trường, áp dụng NNCNC, hiện nông dân Nguyễn Văn Thi đã thực sự trở thành một ông chủ của trang trại bó xôi được nhiều người biết đến.

     NNCNC là một trong những giải pháp nhằm thực hiện các mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Với hệ thống chính sách khuyến khích ngày càng được hoàn thiện cùng các điều kiện tự nhiên thuận lợi, sự quyết tâm của chính quyền địa phương, Lâm Đồng đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Từ nay đến năm 2025, tỉnh sẽ tập trung phát triển nông nghiệp hữu cơ tại huyện Đơn Dương, gắn với vùng NNCNC, thân thiện với môi trường. Trong các cơ chế khuyến khích người sản xuất tham gia vào nông nghiệp hữu cơ, tỉnh Lâm Đồng ưu tiên cho dự án đầu tư của doanh nghiệp chuyển giao cho nông dân, hỗ trợ xây dựng chuỗi ngành hàng hữu cơ…

 

Đặng Toan

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 12/2018)

 

 

Ý kiến của bạn