Banner trang chủ

Khắc phục tình trạng ô nhiễm nước hệ thống thủy lợi sông Bắc Hưng Hải

29/03/2018

     Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải (sông Bắc Hưng Hải) được xây dựng từ năm 1958, có tổng chiều dài hệ thống sông chính khoảng 232 km và hơn 2.000 km kênh nhánh, chủ yếu cung cấp nước tưới cho 135.000 ha và tiêu úng cho 185.000 ha đất canh tác thuộc các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh và một phần của Hà Nội. Do phải tiếp nhận nhiều nguồn nước thải chưa qua xử lý, hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải đang bị ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân.

     Ô nhiễm lan rộng toàn hệ thống

     Tình trạng xả thải gây ô nhiễm tại kênh trục chính của hệ thống sông Bắc Hưng Hải (kênh cấp 2) thuộc địa bàn Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương đã xuất hiện từ nhiều năm nay. Những nguồn gây ô nhiễm chủ yếu là nước thải của khu công nghiệp Sài Đồng A, Sài Đồng B, cụm công nghiệp Đức Giang, khu đô thị, dịch vụ, làng nghề, dân sinh dọc lưu vực sông Cầu Bây chạy qua quận Long Biên và huyện Gia Lâm (Hà Nội), các doanh nghiệp trên địa bàn. Theo kết quả kiểm tra hệ thống thủy lợi sông Bắc Hưng Hải của Tổng cục Thủy lợi (BộNN&PTNT) năm 2017 cho thấy, tại các cống đầu kênh cấp 2, nước đen kịt, bốc mùi hôi thối và rác dồn ứ.Trong đó, ô nhiễm nghiêm trọng nhất là tại cống Xuân Thụy, thuộc xã Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm, Hà Nội) là điểm "đón nước thải" của khoảng 50 cơ sở trên địa bàn. Tại kênh Đình Dù, người dân địa phương đã phản ánh nhiều lần với chính quyền địa phương về tình trạng ô nhiễm tại các cuộc tiếp xúc cử tri, nhưng đến nay vẫn chưa được cải thiện.

 

Các nguồn nước thải đổ ra sông Bắc Hưng Hải gây ô nhiễm nghiêm trọng

 

     Còn tại Hải Dương, trước đợt lấy nước đổ ải phục vụ sản xuất lúa Đông Xuân 2017-2018,  cán bộ Công ty TNHH Bắc Hưng Hải đã kiểm tra thực tế tình hình chất lượng nước kênh T2 đoạn chảy vào kênh Kim Sơn. Kết quả cho thấy, tại vị trí hạ lưu cầu Cất, nước ô nhiễm, bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng đến việc lấy nước đổ ải, tưới, nuôi thủy sản và ảnh hưởng đến đời sống người dân khu vực này. Để đảm bảo chất lượng nước đổ ải cho sản xuất vụ Đông Xuân 2017-2018, Công ty Bắc Hưng Hải đã có văn bản đề nghị TP. Hải Dương chỉ đạo Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương hạn chế tối đa việc mở xả tiêu nước trong kênh T2 ra kênh Kim Sơn hoặc có phương án tiêu khác trong thời gian 3 đợt lấy nước đổ ải. Đồng thời, đề nghị có phương án xử lý nước ô nhiễm trong kênh T2 trước khi xả, bơm ra kênh Kim Sơn.

     Cần triển khai đồng bộ các giải pháp

     Ô nhiễm nước trong các hệ thống thủy lợi ở các vùng ven đô nói chung và trong hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải nói riêng đang ngày càng gia tăng và là thách thức lớn đối với ngành nông nghiệp. Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường hệ thống sông Bắc Hưng Hải, tỉnh Hưng Yên cần cải tạo, nâng cấp toàn hệ thống sông Bắc Hưng Hải nhằm tăng cường khả năng lưu thông dòng chảy, đẩy mạnh quá trình tự làm sạch của môi trường; bảo đảm ngoài chức năng tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp của sông hiện nay có thêm chức năng tiêu thoát nước thải cho công nghiệp, dân sinh. Bên cạnh đó, tỉnh cần xây dựng mạng lưới quan trắc tự động đánh giá chất lượng nước tưới tiêu trên hệ thống sông Bắc Hưng Hải gửi kết quả cho các tỉnh, TP nằm trên hệ thống sông;Kiểm tra, đánh giá và xác định nguyên nhân ô nhiễm chính xả vào hệ thống sông Bắc Hưng Hải. Chính quyền các xã, thôn cần tiến hành vận động người dân không xả rác xuống kênh. Đặc biệt, các xã có hoạt động sản xuất liên quan đến việc sử dụng hoặc xả thải vào kênh thủy lợi phải tuân thủ kỹ thuật để giảm thiểu tác động gây ô nhiễm nguồn nước. Đồng thời, cần ngăn chặn việc vi phạm lưu không hành lang của công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải như: đào ao thả cá, đào đất, làm nhà, bến bãi vật liệu, đặc biệt là việc hút cát lòng kênh gây sạt lở bờ kênh tiềm ẩn nguy cơ sạt, vỡ bờ kênh trong mùa mưa úng…

 

Đoàn Khảo sát Tổng cục Thủy lợi kiểm tra, lấy mẫu nước tại cống Xuân Thụy, cửa xả nước sông Cầu Bây vào sông Bắc Hưng Hải

 

           Ngoài ra, TP. Hà Nội sớm đầu tư, xây dựng đưa vào vận hành 3 công trình xử lý nước thải đô thị trên địa bàn quận Long Biên; Các Sở TN&MT, NN&PTNT đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường trong việc xả nước thải của cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn quận Long Biên và huyện Gia Lâm; tăng cường phối hợp với Sở TN&MTcác tỉnh Hải Dương, Hưng Yên để cung cấp thông tin phục vụ cho việc sử dụng nước thuộc hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải đảm bảo an toàn…

 

       PGS. TS . Nguyễn Trung Dũng
Đại  học Thủy lợi

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 3/2018

 

 

Ý kiến của bạn