Banner trang chủ

Hoàn thiện mạng lưới quan trắc môi trường không khí tại Thành phố Hà Nội

12/06/2017

   Trong mấy năm gần đây, môi trường không khí tại TP. Hà Nội ngày càng ô nhiễm, đặc biệt là tại các trục đường giao thông và khu vực có công trình xây dựng. Nguyên nhân là do Hà Nội có tốc độ đô thị hóa cao, các nguồn phát thải khí từ các hoạt động công nghiệp, làng nghề và số lượng các phương tiện tham gia giao thông gia tăng, gây ô nhiễm không khí, tác động xấu đến sức khỏe người dân. Để quản lý chất lượng không khí (QLCLKK), bên cạnh các giải pháp như kiểm soát chặt chẽ nguồn phát thải, tăng cường thanh tra, kiểm tra về BVMT, nâng cao ý thức BVMT của người dân, thì TP cũng rất quan tâm đến việc hoàn thiện mạng lưới quan trắc tự động (QTTĐ) trên địa bàn. 

   Quy hoạch mạng lưới quan trắc môi trường không khí (QTMTKK) của TP

   Trong giai đoạn 1999 - 2011, tại Hà Nội, số lượng trạm quan trắc được đầu tư ít, chỉ có 5 trạm), tần suất quan trắc chưa đảm bảo 100% theo đúng quy trình kỹ thuật đã được Bộ TN&MT ban hành, số liệu cập nhật hạn chế và sự kết nối giữa các trạm quan trắc của TP với các trạm quan trắc môi trường quốc gia vẫn chưa được thực hiện... làm cho công tác đánh giá hiện trạng, xu thế và diễn biến chất lượng môi trường gặp nhiều khó khăn. Trước tình trạng đó, từ năm 2012, TP. Hà Nội đã tăng cường đầu tư hoàn thiện hệ thống mạng lưới quan trắc không khí trên địa bàn. TP đã giao Sở TN&MT thực hiện Dự án Quy hoạch mạng lưới điểm/trạm quan trắc không khí trên địa bàn TP giai đoạn 2012 - 2020. Dự án được Trung tâm Nghiên cứu Quan trắc và Mô hình hóa Môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên thực hiện theo Quyết định số 335/QĐ-UBND của UBND TP. Hà Nội. Theo đó, UBND TP đã phê duyệt mạng lưới quan trắc trên địa bàn TP mở rộng, bao gồm 2 loại hình: điểm quan trắc định kỳ (chủ động và thụ động) và trạm quan trắc cố định tự động. Nguyên tắc để lựa chọn các trạm quan trắc cố định đó là các trạm phải đặc trưng cho khu vực, hoặc loại hình cần giám sát (quan trắc nền, giao thông, dân cư...); các vị trí được lựa chọn là các vị trí nằm trong khu vực trung tâm nội thành và ngoại thành của TP, các cửa ngõ Thủ đô, không bị che chắn bởi các cây cối, tường bao hoặc các tòa nhà cao tầng, đảm bảo các yếu tố tự nhiên về hướng gió, khí tượng, khí hậu; các vị trí đất công được lựa chọn thuận tiện cho việc thu hồi đất và đảm bảo các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật như điện, viễn thông...

Trạm quan trắc tự động môi trường không khí tại khu vực Lăng Bác và Quảng trường Ba Đình, Hà Nội 

   Theo Quy hoạch, mạng lưới quan trắc không khí cố định được xây dựng trên cơ sở duy trì, cắt giảm những điểm thừa và bổ sung những điểm mới từ hệ thống mạng lưới quan trắc cũ gồm 1.258 điểm (2 trạm tự động liên tục; 716 điểm quan trắc định kỳ chủ động và 540 điểm quan trắc thụ động) để có mạng lưới quan trắc tối ưu theo quy hoạch mới gồm 359 điểm (7 trạm quan trắc tự động liên tục; 176 điểm quan trắc định kỳ chủ động và 176 điểm quan trắc thụ động) đến năm 2020. Đối với các trạm, điểm quan trắc không khí theo các trạm tự động liên tục, các điểm quan trắc định kỳ chủ động và thụ động được quy hoạch theo mức độ ưu tiên để đầu tư xây dựng, nâng cấp theo 2 giai đoạn: 2011 - 2015 và 2016 - 2020.

   Rà soát mạng lưới quan trắc đã được phê duyệt năm 2012

   Để tiếp tục tăng cường giám sát, cảnh báo và đưa ra giải pháp cải thiện chất lượng môi trường không khí, TP có chủ trương lắp đặt các thiết bị tự động hóa quan trắc liên tục để có số liệu liên tục 24/24h, độ chính xác cao, thay thế cho số liệu quan trắc định kỳ. Vì vậy, Sở TN&MT TP đã kết hợp với các chuyên gia thực hiện Dự án Nâng cao năng lực QTMTKK TP giai đoạn 2012 - 2020 và định hướng đến 2030. Dự án được thực hiện với mục đích rà soát và hoàn thiện hệ thống mạng lưới trạm/điểm QTMTKK phù hợp theo giai đoạn 2016 - 2020 và tầm nhìn đến 2030 để cung cấp số liệu QTMTKK một cách chính xác và khách quan liên tục 24/24h. Đồng thời, nâng cao năng lực quản lý, giám sát chất lượng môi trường phù hợp với yêu cầu quản lý và nghiên cứu xây dựng mô hình dự báo ô nhiễm môi trường không khí để cảnh báo mức độ ô nhiễm đến cộng đồng trên các bản tin điện tử, website và truyền hình.

   Qua rà soát và nghiên cứu, Dự án đã đề xuất số lượng các trạm quan trắc không khí tự động, gồm 20 trạm, trong đó có 2 trạm cũ cần nâng cấp (trạm quan trắc giao thông Phạm Văn Đồng, trạm quan trắc khu vực Thượng Đình - Nguyễn Trãi); bổ sung 18 trạm theo các loại hình: 2 trạm nền (cốt 400 - Ba Vì, trạm nền Hương Sơn - Mỹ Đức); 3 trạm giao thông (nút giao thông Cầu Giấy - Phạm Hùng, nút giao thông Pháp Vân - Cầu Giẽ, nút giao thông Thái Hà - Tây Sơn); 3 trạm đầu và cuối hướng gió (đầu gió Đông Nam - Văn Quán, Hà Đông; cuối gió Đông Nam - giao Láng Hòa Lạc và đường 70; đầu gió - ngã tư Đức Giang, Long Biên); 10 trạm với các loại hình khác đặt tại những điểm tập trung đông người (sân bay, nhà ga xe lửa, dân cư, chung cư đô thị…) và 2 trạm là loại hình xe di động.

   Ngoài các trạm QTTĐ cố định, sẽ bổ sung các trạm quan trắc online cảm biến thay thế cho các điểm quan trắc định kỳ trước đây. Hiện tại, Sở TN&MT Hà Nội đã lắp đặt được 2 trạm QTTĐ cố định tại 2 điểm (UBND phường Minh Khai - Bắc Từ Liêm và Quỹ BVMT Hà Nội) và 8 trạm online cảm biến tại 8 vị trí (UBND phường Mỹ đình 1, UBND phường Hoàng Văn Thụ, UBND phường Minh Khai, UBND phường Tây Mỗ, Trường Mầm non Kim Liên, Công viên hồ Thành Công, trụ sở Công an phường Hàng Mã và Công an quận Hoàn Kiếm) để thử nghiệm quan trắc và đánh giá, làm cơ sở cho việc quy hoạch hệ thống QTTĐ và trạm online cảm biến theo lộ trình đến 2020, định hướng đến 2030.

   Một số đề xuất và giải pháp nhằm nâng cao năng lực qTMTKK

   Chủ trương của TP. Hà Nội về rà soát, quy hoạch mạng lưới điểm/trạm QTTĐ cố định và trạm quan trắc online cảm biến là phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Để đáp ứng yêu cầu trên, xin đề xuất một số giải pháp:

   TP xem xét và có quyết định phê duyệt Dự án Rà soát tổng thể về mạng lưới QTTĐ để sớm thực hiện theo lộ trình và có cơ chế, chính sách phù hợp trong việc hợp tác với các nhà khoa học, DN (hỗ trợ kinh phí) để triển khai Dự án được hiệu quả.

   Sở TN&MT cần xây dựng trung tâm điều hành mạng lưới quan trắc (gồm: Phòng quản lý các đơn vị có đủ năng lực thực hiện quan trắc; Phòng tin học và GIS để kết nối dữ liệu quan trắc, xây dựng phần mềm tính toán xử lý, đồng nhất chuỗi số liệu quan trắc); Công bố các chỉ số ô nhiễm hàng ngày đến cộng đồng trên các phương tiện truyền thông đại chúng theo 5 cấp đánh giá: tốt; trung bình (không ảnh hưởng đến sức khỏe), kém (bắt đầu ảnh hưởng đến sức khỏe), xấu (ảnh hưởng đến sức khỏe) và rất xấu (ảnh hưởng rất xấu tới sức khỏe), tương ứng với các thang màu quy định: xanh, vàng, da cam, đỏ và nâu. Sở cần tuyển chọn những cán bộ có trình độ chuyên môn sâu về lĩnh vực quan trắc và mô hình hóa môi trường; đồng thời, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao năng lực quản lý, quan trắc môi trường cho các cán bộ làm công tác môi trường. Ngoài ra, Sở cũng cần lập kế hoạch xây dựng đề tài “Nghiên cứu ứng dụng mô hình hóa dự báo ngày về chỉ số chất lượng ÔNKK” để cảnh báo kịp thời mức độ ÔNKK đến cộng đồng trên các phương tiện truyền thông đại chúng càng sớm càng tốt.

   Mặc dù, trạm quan trắc online cảm biến có giá thành thấp hơn khoảng 8 lần so với trạm QTTĐ cố định, nhưng độ chính xác và tuổi thọ của các trạm online cảm biến chưa được đánh giá. Vì vậy, Sở TN&MT cần tổ chức đánh giá chất lượng, độ chính xác đo các thông số của trạm cảm biến online so với trạm QTTĐ cố định (được xem là có chất lượng và độ chính xác cao nhất hiện nay). Nếu có sai số lớn giữa 2 loại trạm, cần tìm ra một công thức hiệu chỉnh số đo của trạm online theo số đo của trạm cố định tự động. Điều này rất quan trọng, là cơ sở để lựa chọn số lượng trạm cần thiết lắp đặt, bổ sung; còn các trạm cảm biến online chỉ lắp đặt tại những vị trí thích hợp trên địa bàn TP.

   Giảm thiểu ÔNKK một cách tổng thể là vấn đề nan giải, trước mắt và lâu dài, đòi hỏi phải có sự chung tay của các nhà quản lý, DN, nhà khoa học và cộng đồng mới đem lại hiệu quả, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, BVMT bền vững, xứng tầm là TP hòa bình, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của cả nước.

GS.TS. Phạm Ngọc Hồ - Viện trưởng

Viện Tự động hóa và Môi trường - Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 5/2017

 

Ý kiến của bạn