Banner trang chủ

Hiện trạng quản lý chất thải rắn tại thành phố Ðà Nẵng

06/10/2015

   Với mục tiêu đưa Đà Nẵng trở thành TP thân thiện với môi trường, ngày 21/8/2008, UBND TP. Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 41/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - TP môi trường”. Từ năm 2011 - 2014, Đà Nẵng vinh dự nhận các giải thưởng quốc tế về môi trường như TP bền vững về môi trường ASEAN (năm 2011), TP phát thải các bon thấp (năm 2012), TP xanh - sạch - đẹp (năm 2013) và là thành viên của Chương trình 100 TP có khả năng chống chịu (năm 2014)… Những thay đổi về diện mạo, cảnh quan mang lại sự khác biệt, nét độc đáo riêng để Đà Nẵng trở thành điểm đến hấp dẫn du khách.

   Để đạt được những thành công trên, thời gian qua, TP. Đà Nẵng đã tập trung thực hiện các giải pháp như: Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục BVMT, biến đổi khí hậu trong các cấp học, bậc học trong hệ thống giáo dục và đào tạo; vận động xây dựng lối sống thân thiện với môi trường, tiêu dùng bền vững, hình thành ý thức BVMT, tiến tới xây dựng xã hội ít chất thải, phát thải các bon thấp, hài hòa, thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, TP hoàn thiện cơ chế, chính sách lồng ghép yêu cầu BVMT trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học về môi trường, phát triển và ứng dụng công nghệ cao trong BVMT; tiếp cận công nghệ mới, tiên tiến về phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm, khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, tiết kiệm năng lượng, sản xuất và sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

Các sản phẩm tái chế từ rác của Khu liên hợp xử lý CTR tại bãi rác Khánh Sơn

   Cùng với việc mở rộng đô thị về không gian, sự gia tăng dân số và tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh dẫn đến sức ép về việc phát sinh chất thải lên môi trường của TP ngày càng lớn. Xác định việc quản lý chất thải rắn (CTR) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác BVMT, gìn giữ môi trường du lịch xanh - sạch - đẹp và đảm bảo sự thành công của Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - TP môi trường”, TP. Đà Nẵng đã đầu tư cho hoạt động thu gom rác. So sánh với một số khu vực đô thị có hoạt động du lịch tương đồng với TP. Đà Nẵng như tỉnh Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu thì tỷ lệ thu gom CTR sinh hoạt của Đà Nẵng cao hơn. Cụ thể, theo kết quả khảo sát 2014 của Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, khối lượng CTR sinh hoạt phát sinh hiện có khoảng 761 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom CTR sinh hoạt trên địa bàn toàn tỉnh hiện đạt 84%. Trong đó, tỷ lệ thu gom CTR sinh hoạt đô thị tại TP. Vũng Tàu cao nhất, đạt 95%, khu vực TP. Bà Rịa tỷ lệ thu gom đạt 90%, tiếp đến là huyện Tân Thành đạt 90%... Còn lại các huyện khác tỷ lệ thu gom chỉ đạt từ 35 - 75%. Đối với tỉnh Khánh Hòa: Tỷ lệ thu gom rác thải trung bình đạt 75%; khu vực thị trấn các huyện khu vực đô thị tỷ lệ thu gom đạt 80%; khu vực TP. Nha Trang và TP. Cam Ranh đạt tỷ lệ trên 90%; khu vực nông thôn chỉ đạt 50 - 60%.

   Nhằm từng bước nâng cao ý thức của người dân trong công tác BVMT, TP. Đà Nẵng xác định ưu tiên trong vấn đề quản lý CTR. Năm 2012, UBND TP đã ban hành Quyết định số 2832/QĐ-UBND ngày 13/4/2012 phê duyệt Đề án “Thu gom rác thải theo giờ trên địa bàn TP. Đà Nẵng”. Đề án là một nét mới, sáng tạo độc đáo của riêng TP. Đà Nẵng. Theo đó, Đề án thu gom rác thải theo giờ được triển khai thực hiện tại khu vực 6 quận nội thành của TP, bao gồm các quận: Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ, Liên Chiểu. Sau gần 3 năm thực hiện, bước đầu đã hình thành thói quen đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định trong nhân dân, bảo đảm mỹ quan đô thị do không còn tình trạng rác tồn đọng, quá tải ở các thùng rác trên các trục đường chính. Không những thế, chính quyền địa phương và các hội, đoàn thể cũng có trách nhiệm hơn trong công tác thu gom, vận chuyển rác thải. Đó còn là biểu hiện của sự chung tay, chung sức của cộng đồng trong việc thu gom rác thải nói riêng và BVMT TP nói chung.

   Tuy nhiên, cũng như một số TP khác của Việt Nam, CTR sinh hoạt của Đà Nẵng hiện nay sau khi thu gom đều được xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh. Công nghệ này đã lạc hậu và có nhiều hạn chế như tiêu tốn nhiều diện tích đất, không khai thác, tận dụng được nguồn tài nguyên từ rác thải, tốn kinh phí cho việc xử lý nước rỉ rác và có thể phát sinh ô nhiễm môi trường nếu vận hành không đúng quy trình bãi chôn lấp… Bãi rác Khánh Sơn hiện đã lấp đầy 3/5 hộc chôn lấp rác thải đô thị. Theo quy hoạch, bãi rác này sẽ đóng cửa vào năm 2020.

   Nhận thấy những bất cập trong công tác xử lý CTR sinh hoạt nêu trên và để đạt được mục tiêu của Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - TP môi trường” đó là “Hình thành và phát triển công nghiệp tái chế chất thải để tái sử dụng và phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 70% CTR được tái chế”. Ngay từ những năm 2006, TP. Đà Nẵng đã triển khai thí điểm phân loại rác tại nguồn, trước hết là “Chương trình thí điểm phân loại rác thải sinh hoạt tại phường Nam Dương (quận Hải Châu)”. Chương trình đã thực hiện khảo sát điều tra về hiện trạng phát thải cũng như tình hình thu gom tại phường Nam Dương cùng các đánh giá về điều kiện tự nhiên, kinh tế và xã hội cũng như nhận thức của cộng động tại địa phương. Trên cơ sở đó, xây dựng mô hình thí điểm phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn ở phường Nam Dương. Rác thải được phân thành 2 loại chính là: Rác thải hữu cơ và rác thải vô cơ. Trong đó, rác thải hữu cơ được thu gom hàng ngày và rác thải vô cơ được thu gom 2 lần/tuần. Tiếp theo là chương trình do Hội Phụ nữ TP triển khai thực hiện phân loại rác thải tại các hộ gia đình nhằm thu gom các loại rác thải có thể tái chế để bán tạo nguồn thu.

   Tuy nhiên, các chương trình phân loại rác thải đã triển khai nêu trên vẫn còn nhiều tồn tại và bất cập dẫn đến việc khó thực hiện lâu dài và triển khai trên diện rộng bởi một số nguyên nhân như: Kinh phí đầu tư hạn hẹp, thiếu nguồn nhân lực, vật lực, trang thiết bị, tuyên truyền; đầu ra cho rác thải sau phân loại; thiếu tính đồng bộ và thiếu sự phối hợp, tham gia, hỗ trợ tích cực của các đơn vị liên quan và người dân.

   Mặc dù, TP cũng đã tích cực xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch, Đề án để thực hiện phân loại rác tại nguồn cho từng địa bàn hướng đến thực hiện cho toàn TP, tuy nhiên vẫn không thể thực thi được.

   Như vậy, điểm mấu chốt để thực hiện tốt phân loại rác tại nguồn chính là sự nhất quán, đồng bộ của tổng hòa các yếu tố nhân lực, vật lực và cộng đồng xã hội. Một sự đầu tư tốt về cơ sở hạ tầng kết hợp với giải pháp thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải phù hợp và sự chung tay thực hiện của toàn bộ cộng đồng xã hội thì tất yếu việc thực hiện phân loại rác tại nguồn sẽ thuận lợi và mang lại hiệu quả cao.

   Xuất phát từ thực tiễn của TP là hoạt động thu hồi, tái chế, tái sử dụng CTR còn mang tính tự phát trên cơ sở định hướng của Nhà nước về 3R (giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế). Mặc dù, tiềm năng thực hiện 3R là có khả năng, song tỷ lệ CTR sinh hoạt được thực hiện 3R còn rất thấp 10%. Riêng các loại CTR công nghiệp không nguy hại, như: bê tông, xi măng, gạch đá (28,4%); kim loại (11,4%); phế phẩm từ thực phẩm và đồ uống (39,1%); xỉ lò đốt (12,3%) phần lớn cũng được thực hiện 3R, còn lại là đốt và chôn lấp không đảm bảo. Đáng lưu ý, đối với CTR có chứa yếu tố nguy hại, nhưng vẫn được tái sử dụng, tái chế tự phát gây ô nhiễm và ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Nhận thức được “rác là tài nguyên” nên thời gian qua TP đã khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư BVMT, triển khai mạnh mô hình hợp tác công - tư (PPP), thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn vay ưu đãi, vốn hỗ trợ phát triển từ các tổ chức quốc tế và Chính phủ các nước trong xây dựng TP môi trường; đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động BVMT, huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế đầu tư cho BVMT.

   Theo đó, TP đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, hỗ trợ và những đề nghị hợp tác, giúp đỡ của nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đối với lĩnh vực môi trường như Tổ chức JICA (Nhật Bản), Dự án GIZ (Đức)... trong đó sự đầu tư của Công ty CP Môi trường Việt Nam xây dựng “Khu liên hợp xử lý CTR tại bãi rác Khánh Sơn” là giải pháp chính cho vấn đề tái chế rác thải.

   Khu liên hợp xử lý CTR tại bãi rác Khánh Sơn có tổng diện tích khoảng 10 ha bao gồm 3 dây chuyền tách lọc rác thủ công kết hợp cơ giới với tổng công suất 800 tấn rác/ngày; 2 dây chuyền sản xuất PO, RO từ ni lông phế thải với tổng công suất 63 tấn ni lông/ngày; 1 dây chuyền sản xuất gạch không nung công suất 65 tấn/ngày và 1 lò đốt chất thải công suất 162,6 tấn/ngày kèm theo hệ thống tận thu nhiệt để sản xuất viên đốt công nghiệp từ CTR hữu cơ.

   Ngày 27/6/2015, Công ty CP Môi trường Việt Nam đã khánh thành giai đoạn 1 của Dự án với công suất xử lý 200 tấn rác thải/ngày. Giai đoạn 2 của Dự án dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2016. Như vậy, thông qua việc xử lý rác thải theo hướng tái chế, Khu liên hợp xử lý CTR tại bãi rác Khánh Sơn không chỉ góp phần giảm thiểu lượng rác thải phải chôn lấp mà còn cho phép tận thu các thành phần của rác thải để tạo thành các nguồn năng lượng và sản phẩm hữu ích.

Khánh thành giai đoạn 1, Khu liên lợp xử lý CTR Khánh Sơn

   Sau khi giai đoạn 1 của Dự án đi vào hoạt động, UBND TP đã đặt hàng xử lý rác thải đô thị với Công ty và giao Sở TN&MT xây dựng quy định về việc khuyến khích các đơn vị sử dụng ngân sách TP, ưu tiên sử dụng dầu PO, RO đạt chất lượng do đơn vị sản xuất; tổ chức tuyên truyền phổ biến đối với các nhà máy sử dụng lò hơi, quan tâm sử dụng sản phẩm than biochar.

   Có thể thấy, sự ra đời của Nhà máy, cùng với sự hỗ trợ của TP đã chứng minh những nỗ lực, quyết tâm của các cấp chính quyền, người dân Đà Nẵng trong hành trình tìm kiếm, trải nghiệm và áp dụng những công nghệ xử lý chất thải mới, tiên tiến, thân thiện với môi trường, từ đó đưa Đà Nẵng đến gần hơn với danh hiệu “TP Môi trường”.

Nguyễn Điểu

Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 9 - 2015)

Ý kiến của bạn