Banner trang chủ

Hành trình phân loại rác tại nguồn vì một Việt Nam xanh

19/08/2019

     Hiện nay, lượng phát sinh chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) ngày càng gia tăng, chủ yếu ở các đô thị lớn như TP. Hà Nội và Hồ Chí Minh, với thành phần ngày càng phức tạp, gây khó khăn cho công tác phân loại, thu gom, xử lý CTR. Để góp phần thực hiện Chương trình phân loại CTRSH tại nguồn, Công ty Cổ phần dịch vụ, xã hội (mGreen) đã triển khai Dự án ứng dụng công nghệ thông tin trong thu gom, phân loại rác thải tại nguồn. Đây được kỳ vọng là một trong những chìa khóa mở các nút thắt trong việc xử lý rác thải đô thị, giải quyết một phần bài toán môi trường. Phóng viên Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Thoa - Giám đốc Công ty mGreen về hành trình thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn vì một Việt Nam xanh.

     PV: Chương trình phân loại CTRSH tại nguồn đã được triển khai ở TP. Hồ Chí Minh và thủ đô Hà Nội, bà đánh giá thế nào về kết quả thực hiện Chương trình này? 

     Bà Trần Thị Thoa: TP. Hà Nội, Hồ Chí Minh là 2 đô thị lớn trên cả nước có lượng phát sinh CTRSH lớn. Theo Báo cáo môi trường quốc gia năm 2016, hiện nay, trung bình mỗi ngày TP. Hà Nội phát sinh khoảng hơn 6.400 tấn CTRSH. Con số này vẫn đang không ngừng gia tăng, trung bình khoảng 10 - 12% mỗi năm. Trước thực trạng trên, Chương trình phân loại CTRSH tại nguồn đã được triển khai ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, cụ thể: Năm 2007, Hà Nội đã triển khai thí điểm mô hình thu gom, phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn phường Phan Chu Trinh (quận Hoàn Kiếm). Đây là Dự án phân loại rác thải tại nguồn (3R - HN) được Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (Jica) hỗ trợ TP. Hà Nội thực hiện. Dự án bước đầu đã đưa 3R vào chương trình giáo dục tiểu học tại địa phương trong năm học 2007 - 2008 và nhân rộng mô hình sang các khu vực tiếp theo trên địa bàn (Nguyễn Du, Thành Công, Láng Hạ). Tuy nhiên, đến nay, việc phân loại, thu gom, xử lý rác thải  trên địa bàn Hà Nội còn nhiều bất cập. Một số khu vực vẫn sử dụng các phương tiện thu gom rác một cách thủ công, vừa mất mỹ quan, vừa gây ô nhiễm môi trường. Tại khu vực nội thành, đã thu gom hầu hết lượng rác phát sinh hàng ngày, nhưng tình trạng đổ rác thải tùy tiện vẫn xảy ra ở không ít khu vực công cộng. Thêm vào đó, các chiến dịch phát động về phân loại CTRSH tại nguồn chưa nhận được sự hưởng ứng đồng bộ của chính quyền, đơn vị thu gom rác, cộng đồng cư dân nên hiệu quả không được như kỳ vọng.

 

Bà Trần Thị Thoa - Giám đốc Công ty mGreen

 

     Tại TP. Hồ Chí Minh, hiện mỗi ngày, TP phát sinh khối lượng khoảng 9.000 tấn rác thải sinh hoạt (trung bình tăng từ 5 - 6%/năm). Trong đó, 69% CTRSH được xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh, 20 % làm phân compost, 11% áp dụng công nghệ đốt. Để giảm tỷ lệ chôn lấp chất thải, thời gian qua, TP đã triển khai Chương trình phân loại CTRSH qua nhiều giai đoạn từ thí điểm một cụm dân cư hoặc 1 phường trên địa 1 quận, đến nhân rộng trên địa bàn 6 quận giai đoạn 2015 - 2016 và sau đó nhân rộng phạm vi thực hiện trên địa bàn 24 quận/huyện từ năm 2017 đến nay. Bên cạnh việc có một số quận, huyện triển khai khá tốt công tác phân loại CTRSH, tuy nhiên vẫn có nhiều quận, huyện còn lúng túng trong thực hiện. Để đẩy mạnh công tác phân loại CTRSH tại nguồn, UBND TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 44/2018/QĐ-UBND quy định về phân loại CTRSH tại nguồn. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng, đưa công tác phân loại CRTSH tại nguồn vào giai đoạn toàn diện và hiệu quả.

     PV: Bà có thể cho biết về kết quả cũng như những khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện Dự án Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong phân loại rác thải tại nguồn?

     Bà Trần Thị Thoa: Dự án ứng dụng CNTT trong phân loại rác tại nguồn để BVMT, nằm trong khuôn khổ Chương trình “Vì một Việt Nam Xanh” do Trung Ương Đoàn phát động và giao cho mGreen thực hiện từ năm 2018. Chương trình bao gồm các hoạt động: Tổ chức hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về việc phân loại rác tại gia đình, chuyển biến từ ý thức đến hành động; Phát miễn phí sọt, túi đựng rác tái chế cho cư dân; cung cấp cho các hộ dân/cơ quan ứng dụng phân loại rác tại nguồn được tích điểm tặng quà (mobile mGreen). Theo đó, người dân được hướng dẫn cách nhận biết và phân loại rác tái chế vào thùng đựng, khi rác đầy thùng họ dùng điện thoại nhấn nút gọi thông báo tới bên thu gom, nhân viên mGreen sẽ tích điểm cho người dân dựa trên khối lượng rác thải tái chế, điểm thưởng có thể đổi thành nhiều ưu đãi và phần quà có giá trị. Đối với đơn vị thu gom rác, dự án hỗ trợ cung cấp ứng dụng nhận yêu cầu thu gom dành cho người thu gom rác tái chế (App mGreen); phương tiện làm việc (đồng phục, cân, túi...) và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu gom rác tái chế tại địa bàn.

     Sau 1 năm triển khai Dự án tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, Dự án đã đạt kết quả đáng ghi nhận và nhận được sự hưởng ứng của cộng đồng xã hội. Ở Hà Nội, Dự án đã triển khai ứng dụng mobile mGreen tại các tòa nhà: Diamond Flower tower, Hacinco building, 7 tòa tại khu đô thị Dương Nội, với 40% cư dân tham gia và thu được 450 kg rác tái chế mỗi tháng. Dự kiến trong năm 2019, Dự án sẽ triển khai trên 800 tòa nhà chung cư tại Hà Nội, với 150.000 hộ dân tham gia. Tại TP. Hồ Chí Minh, mGreen đã phát động Chương trình ứng dụng “Phân loại rác tại nguồn được tích điểm tặng quà mGreen” cho gần 1.000 cư dân tại Cụm chung cư Citihome (đường Nguyễn Thị Định, phường Cát Lái, quận 2). Các hộ dân đăng ký tham gia Chương trình được tặng miễn phí sọt đựng rác tái chế và ứng dụng di động (App mGreen) để gọi người thu gom. Ngoài ra, Công ty Nestlé Việt Nam đã đồng hành cùng mGreen triển khai Chương trình “Phân loại và tái chế rác thải” tại các tòa nhà dân cư và trường học tại khu đô thị Vinhomes Central Park (quận Bình Thạnh). Từ cuối năm 2018, Chương trình đã được thực hiện tại khối trường tiểu học Vinschool Central Park và đang trong giai đoạn thử nghiệm tại khối trường trung học, cũng như tại một số tòa nhà khu dân cư. Kết quả của Chương trình sẽ được đánh giá vào cuối năm 2019 để hoàn thiện và nhân rộng tại các khu vực dân cư và trường học các địa điểm khác. Có thể nói, các hoạt động của Dự án đã góp phần nâng cao nhận thức BVMT, khuyến khích cư dân phân loại rác thông qua hình thức đổi thưởng, mặt khác cũng tạo việc làm cho những người thực hiện công tác thu gom.

 

mGreen tặng sọt đựng rác tái chế và thẻ tích điểm cho các em học sinh 

 

     Về những khó khăn, mGreen thực hiện những dự án xã hội, phi lợi nhuận nên cần vận động kinh phí, vốn xã hội hóa để triển khai. Kinh phí tài trợ để mua phương tiện cho cư dân nhận (sọt, túi đựng rác), cung cấp phương tiện cho người thu gom rác tái chế (xe đẩy, cân tay, đồng phục, hỗ trợ lương giai đoạn đầu) và tặng quà đổi điểm phân loại rác cho cư dân…Tuy vậy, trong quá trình thực hiện Dự án tại TP. Hồ Chí Minh, mGreen đã nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của Công ty Môi trường đô thị TP và nhiều doanh nghiệp khác. Cùng với đó, quyết tâm của lãnh đạo ngành TN&MT TP đã tạo cơ hội cho mGreen vận hành tốt Dự án.

     PV: Để nhân rộng Chương trình phân loại CTR SH  tại nguồn, mGreen sẽ triển khai những hoạt động gì trong thời gian tới và bà có những đề xuất, kiến nghị với cơ quan chức năng?

     Bà Trần Thị Thoa: Trong thời gian tới, mGreen sẽ củng cố hệ thống kỹ thuật để vận hành tốt ứng dụng mobile mGreen; Đẩy mạnh hợp tác với các tập đoàn hàng tiêu dùng nhanh, đồ gia dụng, nước giải khát, thực phẩm... để hỗ trợ quà tặng và thực hiện trách nhiệm cộng đồng về BVMT. Bên cạnh đó, mGreen sẽ liên kết với Hiệp hội vệ sinh công nghiệp (housekeeping), tuyển dụng mạng lưới thu gom toàn quốc; Thử nghiệm chuyển giao công nghệ cho các đơn vị thu gom rác tái chế, rác sinh hoạt; Phát triển ứng dụng mobile mGreen trên toàn TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và một số tỉnh thành khác.

     Hiện nay, việc triển khai phân loại CTRSH rất khó khăn, đòi hỏi phải có sự quyết tâm của các ngành, các cấp và cả hệ thống chính trị và toàn thể người dân. Vì vậy, người đứng đầu các cấp chính quyền địa phương phải thật sự quyết liệt trong chỉ đạo, cùng với sự phối hợp, tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể trong việc tuyên truyền sâu rộng đến từng hộ gia đình, chủ nguồn thải, người dân để hiểu và chuyển biến nhận thức tham gia thực hiện phân loại rác. Bên cạnh đó, hệ thống thu gom, vận chuyển, xử lý cũng cần được kết nối đồng bộ, khi đó công tác triển khai phân loại CTRSH mới thực sự đạt hiệu quả.

     Để thực hiện hiệu quả Chương trình phân loại CTRSH, chúng tôi kiến nghị, đề xuất: Bộ TN&MT, UBND các tỉnh cần vào cuộc tuyên truyền đồng bộ, sâu rộng đến toàn dân; Các công ty thu gom rác, đơn vị công ích và Nhà nước cần đầu tư thêm phương tiện thu gom,  máy móc, dây chuyền xử lý rác thải đáp ứng hoạt động phân loại rác thải của cư dân; Ban hành quy định về nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững; Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức xã hội, công ty hoạt động về môi trường.

     Trân trọng cảm ơn bà!

 

Châu Loan (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 7/2019)

 

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn