Banner trang chủ

Giảm thiểu chất thải y tế - Giải pháp hiệu quả để bảo vệ môi trường trong các cơ sở y tế

03/10/2018

     Hiện nay, trên cả nước có 13.664 cơ sở y tế, trong đó có 1.488 cơ sở khám chữa bệnh; 1.016 cơ sở thuộc hệ dự phòng; 77 cơ sở đào tạo y, dược và 11.083 trạm y tế xã. Cùng với sự phát triển của các cơ sở y tế, lượng chất thải phát sinh từ quá trình hoạt động của các cơ sở y tế ngày càng gia tăng, vì vậy, cần phải quản lý tốt, nếu không sẽ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng.

     Các nguồn phát sinh chất thải y tế

     Tại các bệnh viện nói riêng có khoảng 450 tấn chất thải rắn được phát thải/ngày, trong đó có 47 tấn chất thải rắn y tế (CTRYT) nguy hại. Chất thải y tế này phát sinh từ cơ sở y tế, bao gồm từ hoạt động y tế và hoạt động sinh hoạt của người bệnh và người nhà bệnh nhân. Chất thải y tế bao gồm chất thải nguy hại và chất thải thông thường, trong đó chất thải y tế thông thường chiếm khoảng 80%-90% tổng lượng chất thải, còn lại là chất thải y tế nguy hại, gồm chất thải lây nhiễm và chất thải nguy hại không lây nhiễm.

     Chất thải lây nhiễm bao gồm: Chất thải lây nhiễm sắc nhọn (kim tiêm; bơm liền kim tiêm; đầu sắc nhọn của dây truyền; kim chọc dò; kim châm cứu; lưỡi dao mổ; đinh, cưa dùng trong phẫu thuật...); Chất thải lây nhiễm không sắc nhọn (chất thải thấm, dính, chứa máu hoặc dịch sinh học của cơ thể; các chất thải phát sinh từ buồng bệnh cách ly); Chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao (mẫu bệnh phẩm, dụng cụ đựng, dính mẫu bệnh phẩm, chất thải dính mẫu bệnh phẩm phát sinh từ các phòng xét nghiệm an toàn sinh học…); Chất thải giải phẫu (mô, bộ phận cơ thể người thải bỏ và xác động vật thí nghiệm).

     Chất thải nguy hại không lây nhiễm bao gồm: Hóa chất thải bỏ bao gồm hoặc có các thành phần nguy hại; Dược phẩm thải bỏ thuộc nhóm gây độc tế bào hoặc có cảnh báo nguy hại từ nhà sản xuất; Thiết bị y tế bị vỡ, hỏng, đã qua sử dụng thải bỏ có chứa thủy ngân và các kim loại nặng; Chất hàn răng amalgam thải bỏ…

 

                 Giảm thiểu chất thải y tế ngay tại nơi phát sinh

 

     Chất thải y tế thông thường bao gồm: Chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trong sinh hoạt thường ngày của con người và chất thải ngoại cảnh trong cơ sở y tế; Chất thải rắn thông thường phát sinh từ cơ sở y tế không thuộc Danh mục chất thải y tế nguy hại hoặc thuộc Danh mục chất thải y tế nguy hại nhưng có yếu tố nguy hại dưới ngưỡng chất thải nguy hại; Sản phẩm thải lỏng không nguy hại.

     Giảm thiểu chất thải y tế - Một giải pháp hiệu quả

     Giảm thiểu chất thải, trong đó có chất thải y tế đã được quy định cụ thể trong các văn bản như Luật BVMT số 55/2014/QH13 ban hành ngày 23/6/2014; Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ quy định về quản lý chất thải và phế liệu; Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 của Bộ Y tế và Bộ TN&MT về quản lý chất thải y tế; Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 và các văn bản dưới Luật khác. Đây là những căn cứ pháp lý quan trọng và khẳng định chủ trương và quyết tâm thực hiện việc giảm thiểu chất thải phát sinh, tiết kiệm tài nguyên của đất nước.

     Như vậy, giảm thiểu chất thải y tế được coi là một giải pháp hiệu quả để BVMT trong các cơ sở y tế. Điều này không chỉ góp phần BVMT, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, mà còn tiết kiệm chi phí mua vật tư, nguyên vật liệu và chi phí xử lý chất thải cho các bệnh viện. Theo Bộ Y tế, chi phí thường xuyên để xử lý chất thải y tế cần hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, trong đó, chỉ tính riêng việc thu gom, xử lý CTRYT và nước thải tại 1.250 bệnh viện đã tiêu tốn hơn 500 tỷ đồng/năm. Ước tính của Ngân hàng thế giới, Việt Nam cần khoảng 500 triệu USD để xây dựng các hệ thống xử lý chất thải y tế. Vì vậy, giảm thiểu chất thải y tế, đặc biệt là chất thải rắn giúp giảm gánh nặng ngân sách của các cơ sở y tế trong việc xử lý chất thải y tế.

     Tổ chức Y tế thế giới cũng đã đưa ra hướng dẫn hình tháp quản lý chất thải, trong đó giải pháp ưu tiên là giảm thiểu chất thải y tế. Giảm thiểu chất thải y tế tập trung vào 3 vấn đề chính: giảm thiểu, tái chế và tái sử dụng. Tổ chức Y tế thế giới cũng khuyến cáo “giảm thiểu CTRYT tại nguồn, quản lý và kiểm soát ở cấp độ bệnh viện”. Theo đó, các hoạt động giảm thiểu tại nguồn bao gồm: sử dụng những vật dụng mà lượng chất thải phát sinh là ít nhất hoặc ít chứa chất thải độc hại nhất; sử dụng phương pháp làm sạch bằng lý học thay vì hóa học, tránh lãng phí khi sử dụng. Ở cấp độ bệnh viện, việc quản lý và kiểm soát được đề cập tới là giám sát việc sử dụng hóa chất trong cơ sở y tế từ khi phát thải tới khi được xử lý, đặc biệt là chất thải rắn nguy hại. Trong tất cả các hoạt động nêu trên, nhân viên y tế đóng vai trò quan trọng trong quá trình này và phải được đào tạo về giảm thiểu CTRYT.

     Để việc giảm thiểu CTRYT được thực hiện hiệu quả cao và lâu dài, trước tiên, các cơ sở y tế cần phải giảm lượng chất thải y tế phát sinh; giảm khối lượng chất thải y tế cần phải xử lý, tiêu hủy; sử dụng các sản phẩm có thể tái chế, tái sử dụng; quản lý tốt, kiểm soát chặt chẽ quá trình thực hành và phân loại chất thải y tế ngay từ nơi phát sinh. Đồng thời lắp đặt, sử dụng các thiết bị, dụng cụ, thuốc, hóa chất và các nguyên vật liệu phù hợp, bảo đảm hạn chế phát sinh chất thải y tế; đổi mới thiết bị, quy trình trong hoạt động y tế nhằm giảm thiểu phát sinh chất thải y tế; quản lý và sử dụng vật tư hợp lý và hiệu quả.

     Mặt khác, các cơ sở y tế cũng cần xây dựng các văn bản, quy định, quy chế nội bộ liên quan đến quy trình hướng dẫn thực hiện việc giảm thiểu chất thải y tế; tổ chức kiểm tra, giám sát và có cơ chế xử phạt, khen thưởng đối với các tổ chức, cá nhân; tuyên truyền phổ biến, tập huấn hướng dẫn việc thực hiện các quy trình kỹ thuật về giảm thiểu chất thải y tế nhằm thay đổi thái độ, thực hành của nhân viên y tế.

     Hiện Bộ Y tế đang xây dựng Hướng dẫn thực hiện việc giảm thiểu CTRYT nguy hại tại bệnh viện. Với việc xây dựng thành công hướng dẫn giảm thiểu CTRYT đảm bảo tính hiệu quả và có khả năng ứng dụng cao trong thực tế sẽ góp phần giúp bệnh viện cũng như các cơ sở y tế giảm thiểu chi phí quản lý chất thải không cần thiết, quản lý tốt hơn đối với các chất thải y tế phát sinh nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng cơ sở y tế xanh-sạch-đẹp.

 

Thu Hà

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 9/2018)

 

 

 

 

Ý kiến của bạn