Banner trang chủ

Giải pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực sản xuất xi măng hướng đến sự phát triển bền vững

28/08/2018

     Trong những năm qua, ngành công nghiệp sản xuất xi măng ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, đây là ngành tiêu thụ nhiều năng lượng và phát thải nhiều khí nhà kính (KNK) gây ô nhiễm môi trường. Trong quá trình sản xuất xi măng, khí CO2 được tạo ra khi đốt cháy nhiên liệu hóa thạch như than, dầu và khí ga cũng như khi nung đá vôi hay sử dụng điện năng từ lưới điện quốc gia. Do đó, việc giảm nhẹ phát thải KNK trong lĩnh vực sản xuất xi măng có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia cũng như toàn thế giới. 

 

Trong quá trình sản xuất xi măng, khí CO2 được tạo ra khi đốt cháy nhiên liệu hóa thạch

 

    Việt Nam xếp thứ 5 trong số 10 nước sản xuất nhiều xi măng trên thế giới, với tổng công suất khoảng 113.8 triệu tấn/năm. Hiện có 65 nhà máy sản xuất clinker và 14 trạm nghiền xi măng, trong số đó phần lớn là các nhà máy do nhà nước nắm giữ và kiểm soát trực tiếp và gián tiếp. Trên thực tế, Việt Nam là một trong các nước xuất khẩu xi măng lớn trên thế giới, trong 10 tháng năm 2017, Việt Nam đã sản xuất 64.6 triệu tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó tiêu thụ nội địa 49.3 triệu tấn, và xuất khẩu 15.3 triệu tấn, tăng 2%. Hiện nay, sản lượng xi măng Việt Nam ước đạt 86 triệu tấn, tiêu thụ nội địa chỉ khoảng 60 triệu tấn.

    Đồng hành với sản xuất, năng lượng tiêu thụ trong ngành xi măng chiếm tỷ trọng đáng kể, khoảng 8% tổng năng lượng tiêu thụ trong các ngành công nghiệp, tốc độ tăng trưởng khoảng 15% mỗi năm. Đứng trước nhu cầu đó, Việt Nam đã ban hành một số chính sách nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới dây chuyền công nghệ và loại bỏ các công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng và ảnh hưởng môi trường.

    Để phát triển bền vững ngành xi măng, năm 2017, Bộ Xây dựng đã ban hành “Kế hoạch hành động giảm nhẹ phát thải KNK trong công nghiệp xi măng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”,vớiquan điểm: Phát triển ngành công nghiệp xi măng theo hướng tăng trưởng xanh, tiết kiệm tài nguyên và năng lượng, BVMT, góp phần giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu. Kế hoạch đề ra mục tiêu, đến năm 2020, giảm 20 triệu tấn CO2tđ và đến năm 2030 giảm 164 triệu tấn CO2tđ so với kịch bản phát triển thông thường (BAU);hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất xi măng đầu tư cải tiến công nghệ, tăng cường năng lực quản lý sản xuất nhằm giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính; nâng cao năng lực quản lý của Bộ Xây dựng về phát thải KNK trong lĩnh vực sản xuất xi măng.

    Thực hiện mục tiêu trên, một số giải pháp chuyển đổi công nghệ nhằm giảm phát thải KNK ngành xi măng đã được triển khai như:

    Cải thiện hiệu quả năng lượng: Ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào các nhà máy mới và cải tạo các nhà máy hiện hữu. Giải pháp này ước tính giảm 0.26 GtCO2, tương ứng 3% lượng giảm phát thải lũy kế toàn cầu vào năm 2050, và khoảng 12% phát thải CO2 trực tiếp của ngành xi măng.

    Chuyển đổi sang nhiên liệu thay thế ít phát thải: Thúc đẩy sử dụng nhiên liệu sinh khối và rác làm nhiên liệu cho lò nung, góp phần hạn chế chôn lấp và đốt rác truyền thống. Giải pháp được kỳ vọng sẽ giúp giảm 0.9 GtCO2, tương ứng 12% tổng lượng giảm phát thải lũy kế toàn cầu vào 2050, và khoảng 42% phát thải CO2 trực tiếp của ngành xi măng.

    Giảm tỷ lệ clinker trong xi măng: Tăng cường sử dụng phụ gia và phát triển thị trường phụ gia nhằm giảm hàm lượng clinker trong xi măng. Giải pháp sẽ giúp ngành xi măng cắt giảm khoảng 2.9 GtCO2, tương ứng 37% lượng giảm phát thải lũy kế đến 2050 và 128% lượng giảm phát thải trực tiếp.

    Ứng dụng công nghệ mới và tiên tiến:Sử dụng công nghệ đồng phát EHR trong phát điện, hoặc điện mặt trời… Với việc ứng dụng các công nghệ mới và tiên tiến cho phép giảm tới 3.7 GtCO2, tương ứng 48% lượng giảm phát thải CO2 lũy kế toàn cầu vào năm 2050 và khoảng 166% lượng phát thải trực tiếp của ngành.Các giải pháp giảm phát thải KNK trong ngành xi măng đóng vai trò quan trọng để đạt được mục tiêu giảm phát thải trong đóng góp do Quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam, đồng thời góp phần vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong thực hiện và đạt mục tiêu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, Việt Nam rất cần nghiên cứu đánh giá thực trạng tiêu thụ năng lượng và xây dựng định mức năng lượng, từ đó đề ra giải pháp giảm mức tiêu thụ năng lượng cho ngành xi măng Việt Nam.

 

Nguyễn Ái Dương

Bộ Xây dựng

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tăng trưởng xanh năm 2018)

Ý kiến của bạn