Banner trang chủ

Chuyện về người dân tộc Ban Mê lưu giữ nguồn gen lan rừng quý, hiếm

31/01/2018

   Cách trung tâm TP. Buôn Ma Thuột 12 km về phía Tây theo hướng tỉnh lộ 1 (hướng đi Trung tâm du lịch Buôn Đôn). Khu bảo tồn (KBT) lan rừng Troh Bư do ông Đỗ Tuấn Hưng, người dân tộc Ban Mê làm chủ, là nơi lưu giữ nguồn gen lan rừng quý hiếm, cần được bảo tồn và phát triển.

Ông Đỗ Tuấn Hưng bên cạnh những giò lan trong KBT lan rừng tự nhiên lớn nhất Việt Nam

   Tốt nghiệp ngành kinh tế nông nghiệp nhưng ông Đỗ Tuấn Hưng lại nối nghiệp cha làm lâm nghiệp. Công việc thường xuyên đi rừng càng làm ông thêm yêu rừng, mong muốn có một mảnh đất để trồng nhiều loại cây. Năm 1995, một người bạn thân rủ ông đến khu rẫy của gia đình ở buôn Niêng 3, xã Ea Nuôl chơi. Nhận thấy vùng đất có địa thế đẹp, suối nước trong xanh, xung quanh là đồi thấp, ao hồ đầy nước thuận lợi để trồng nhiều loại cây, ông tìm gặp già làng để hỏi gốc tích và càng yêu thích hơn khi được nghe kể về huyền thoại Troh Bư (ngày xưa có vùng đất bị Giàng phạt, khô hạn kéo dài, cư dân bỏ đi, cuối cùng tìm được thung lũng có suối đầy cá lóc). Sau nhiều đêm trăn trở, anh nảy ra ý định hồi sinh vùng đất huyền thoại này thành nơi lưu giữ văn hóa Tây Nguyên. Ông đạp xe đến từng nhà dân vùng Troh Bư mua đất để trồng cà phê, cây ăn quả, phát triển du lịch vườn.

   Tuy nhiên, thấy cây gỗ rừng ở Troh Bư tái sinh nhanh nên ông Hưng đã quyết định phát triển thành khu rừng nhỏ mang đặc trưng rừng Tây Nguyên và sưu tầm các loại lan rừng đưa về nơi đây để bảo tồn. Với sự cố gắng của ông, khu rừng ngày càng xanh tốt, phong lan phát triển thành quần thể đa dạng. Ông quyết định chặt bỏ bớt cây cà phê và cây ăn trái để khu rừng phát triển tự nhiên, tạo môi trường cho lan sinh sản. Cuối tuần, ông lại tìm đến cánh rừng nguyên sinh ở các huyện Ea Súp, Buôn Đôn tìm kiếm nhiều giống lan rừng mang về trồng.

KBT lan rừng Troh Bư hiện có trên 200 loài phong lan rừng

   Đến năm 2013, ông Hưng chính thức khai trương KBT lan rừng Troh Bư với 10.000 cá thể của 200 loài lan, hơn 10.000 giò gắn trên cây sống của 02 ha rừng tái sinh; trong đó, có nhiều giống lan quý ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên như: Giả hạc, nghinh xuân, hoàng thảo thái bình, long tu, thủy tiên… và nổi bật nhất là loài giáng hương (nhạn sóc Lào) đặc trưng của rừng Buôn Đôn. Bên cạnh đó, sau gần 20 năm kiên trì phục hồi rừng tự nhiên, vườn Troh Bư đã có lan rừng trở lại và tái sinh hạt; một điều hiếm gặp ở các vườn lan. Giới chơi lan tìm đến đây đều trầm trồ trước hàng trăm loại lan rừng tự nhiên và gọi nó bằng cái tên “Bảo tàng lan rừng” hay “KBT lan rừng”. Ngoài ra, KBT còn lưu giữ chiếc thuyền độc mộc bằng gỗ sao nguyên khối lớn nhất Việt Nam, với chiều dài 9 m, rộng 1,75 m, cao 1,2 m, do nghệ nhân Nai Nen Lào (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) đục từ năm 1998 và giàn chiêng đá có 23 thanh, ngắn nhất 0,6 m, dài nhất 1,5 m bằng đá mẹ bazan cổ xưa, được giữ nguyên bản không qua chế tác, khi gõ phát ra âm thanh như giàn cồng chiêng của đồng bào dân tộc thiểu số và hàng chục bức tượng gỗ dân gian.

   Ngoài việc tiếp tục nhân rộng nguồn gen lan rừng, Troh Bư còn bảo tồn một số loài thú hoang dã như chim công, trĩ, thỏ, rùa, sóc bay, heo rừng và giống gà đồng bào Ê Đê bản địa. Mục tiêu của ông Hưng là trong thời gian tới sẽ hoàn thiện khu vườn thành “Ngũ bách lan viên” (vườn hoa lan gồm 500 loại), đồng thời vừa là khu du lịch sinh thái phục vụ nhu cầu tham quan của du khách, vừa là điểm hẹn của những người yêu thích lan rừng. Đồng thời, ông Hưng còn dự định sẽ đặt hàng các viện nghiên cứu cấy mô để nhân giống phát triển lan. Như vậy, du khách đến đây sau khi ngắm hoa lan thì có thể tự làm một giỏ lan để kỷ niệm hoặc đem tặng người thân, bạn bè. Ngoài ra, khách đến đây sẽ được thưởng thức các món ăn mang đậm chất núi rừng như cơm lam, gà nướng Bản Đôn, heo nướng, rau rừng dân dã… hay tổ chức cắm trại, pic nic, câu cá và tự nấu ăn trong vườn.

   Nhờ mô hình độc đáo, mỗi năm, KBT đón hơn 10.000 lượt du khách trong và ngoài nước tới thăm, trong đó có cả chuyên gia nước ngoài. Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietking) cũng vừa xác nhận 3 kỷ lục cho ông Đỗ Tuấn Hưng gồm: Bộ sưu tập bản tồn lan rừng tự nhiên lớn nhất Việt Nam; Thuyền độc mộc bằng gỗ sao lớn nhất; Dàn chiêng đá cổ xưa, nguyên bản nhiều thanh nhất. Đây là niềm vui lớn và là động lực để ông tiếp tục công cuộc bảo tồn lan rừng cũng như giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc dân tộc Việt Nam. Với những người yêu lan, một KBT lan rừng Việt Nam đến nay vẫn đang là ước mong cháy bỏng. Vì vậy, việc xây dựng KBT lan rừng không chỉ hấp dẫn du khách muốn tìm hiểu, khám phá kho tàng hoa lan Việt Nam mà còn có ý nghĩa rất lớn đến vấn đề bảo tồn, gìn giữ nguồn gen lan và làm du lịch Buôn Ma Thuột thêm hấp dẫn.

   Với sự phong phú và đa dạng về các loài cây cỏ, hoa lan rừng, KBT lan rừng Troh Bư đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam sẽ là tài sản quý giá cho thế hệ mai sau

                Phương Lê

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 1/2018

Ý kiến của bạn