Banner trang chủ

Biến vỏ cua xanh châu Âu thành các dụng cụ nhựa thân thiện với môi trường

21/02/2020

     Cua xanh châu Âu là một loài xâm lấn và được gọi là cua “sát thủ” vì xu hướng ăn thịt đồng loại của nó. Cua xanh cái có thể sinh ra hơn 175.000 quả trứng trong một vòng đời, khiến loài này trở nên nhanh chóng áp đảo về số lượng ở mọi môi trường sống.

     Một nhóm các nhà khoa học ở Canađa đã nghiên cứu thành công phương pháp biến vỏ cua xanh châu Âu thành các cốc nhựa, dao, kéo. Dự án được phát triển bởi Audrey Moores - nhà hóa học tại Đại học McGill, hợp tác với Công viên quốc gia Kejimkujik ở Nova Scotia, nơi đã phải vật lộn với số lượng cua xanh châu Âu xâm lấn từ những năm 1980.

 


Cua xanh châu Âu

 

     Theo đó, nhóm nghiên cứu của Moores đã thu hoạch cua xanh từ công viên và chế biến vỏ của chúng để chiết xuất ra loại hóa chất có tên gọi là chitin, được sử dụng để tạo ra nhựa thân thiện với môi trường, tự phân hủy trong các bãi chôn lấp và đại dương mà không có bất kỳ tác động xấu nào tới môi trường.

     Trước đây, chitin đã được chiết xuất từ ​​nhiều loại vỏ động vật khác nhau bằng cách sử dụng axit hydrochloric và sau đó thêm một hỗn hợp hóa học khác để xúc tác chitin thành một hợp chất ổn định hơn gọi là chitosan. Mặc dù nhựa được sản xuất qua quá trình này có khả năng phân hủy sinh học, nhưng nó vẫn để lại một lượng đáng kể nước thải hóa học.

     Trong Dự án Kejimkujik, Moores đã nghĩ ra một phương pháp mới và ít độc hại tới môi trường để chế biến chitin liên quan đến việc nghiền vỏ cua và trộn chúng với một loại bột đặc biệt. Phương pháp này sử dụng ít nước và hóa chất hơn, đảm bảo tạo ra rất ít chất thải hóa học.

     Moores cho biết, nhựa được sản xuất qua quá trình này rất cứng, giống như thủy tinh. Hiện nhóm nghiên cứu đang sản xuất một chất mềm hơn, có thể được đúc thành các vật phẩm như cốc, đĩa, dao, kéo bằng nhựa.

 

Phạm Đình

Ý kiến của bạn