Banner trang chủ

Bảo vệ môi trường ở làng nghề sản xuất tăm hương Quảng Phú Cầu

08/03/2019

     Làng nghề truyền thống tăm hương Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa, Hà Nội), cách trung tâm TP. Hà Nội khoảng 35 km, đã tồn tại từ hơn 100 năm nay, ban đầu chỉ tập trung ở thôn Phú Lương Thượng, nhưng gần đây, phát triển ra cả 5 thôn của xã, gồm: Xà Cầu, Quảng Nguyên, Phú Lương Hạ, Cầu Bầu và Đạo Tú. Xuất phát chỉ là nghề phụ, nhưng về sau, sản phẩm tăm hương được ưa chuộng và phát triển mạnh, trở thành nghề chính, thu hút 70% số hộ dân trong xã tham gia, mang lại nguồn thu nhập chính cho gần 3.000 hộ dân nơi đây. Tuy nhiên, trước bối cảnh hội nhập, làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức về môi trường.

     Nguyên liệu để làm tăm hương là vầu, tre, nứa, nhựa cây trám, được thu mua từ các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Thanh Hóa… Những người thợ làm tăm hương luôn tâm niệm, hương liên quan đến thế giới tâm linh, nên các công đoạn làm hương không được cẩu thả. Để có một sản phẩm hoàn chỉnh, phải bỏ nhiều thời gian và công sức, từ chẻ, phơi nguyên liệuh, nhuộm chân hương, làm thân nhang, phơi khô, đóng gói... Đầu tiên, vầu, tre, nứa được pha thanh, sấy (phơi) khô rồi đưa vào hệ thống máy chẻ tự động thành từng que. Tại khâu phân lớp, những que tăm hương tròn, đẹp được nhuộm chân và phơi khô, loại que chất lượng kém hơn thì dùng để tái chế. Nhựa trám sau khi lọc sạch tạp chất, trộn với than của các loại thảo mộc rồi nghiền mịn, tạo thành một hỗn hợp dẻo mịn để se với tăm hương. Hương làm xong thường được phơi dưới trời nắng từ 1 - 2 ngày.

 

Nghề sản xuất tăm hương tạo công ăn việc làm, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương

 

     Sản phẩm tăm hương của làng nghề Quảng Phú Cầu phân thành hai loại: Tăm hương xuất khẩu và tăm hương nội địa. Với tăm hương xuất khẩu, nguyên liệu nhất thiết phải là cây vầu, dễ cháy nhưng đọng tàn, không bị gãy. Loại tăm hương này chẻ bằng máy, thân tăm đảm bảo độ đều, tròn, bóng. Còn tăm hương nội địa thường sử dụng nguyên liệu nứa, làm thủ công bằng tay, có thể chẻ vuông, nhưng trước khi chẻ phải ngâm nứa hai tháng để tránh bị mọt. Tăm hương Quảng Phú Cầu chủ yếu là sản phẩm thô, bán buôn cho tiểu thương các tỉnh, thành phố để se hương thành phẩm, phân phối ở thị trường trong nước và xuất khẩu sang một số nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Malaixia… được người tiêu dùng đón nhận bởi làm từ 100% nguyên liệu thảo mộc thiên nhiên, không hóa chất, an toàn cho sức khỏe và môi trường.

     Với thị trường tiêu thụ rộng khắp, nghề làm tăm hương đã tạo công ăn việc làm, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều lao động trong vùng, cuộc sống người dân cải thiện đáng kể, nhà cửa xây dựng khang trang, hệ thống đường giao thông nông thôn được nâng cấp. Tuy nhiên, quá trình sản xuất tăm hương cũng đối diện với nhiều thách thức về ô nhiễm môi trường. Mỗi ngày, làng nghề sử dụng từ 300 - 500 tấn tre, nứa, vầu, thải ra môi trường khoảng 70 tấn mùn cưa, đầu mẩu. Chất thải không được thu gom, xử lý mà đổ bừa bãi ra đồng ruộng, ven đường, kênh mương, cản trở giao thông, tắc nghẽn hệ thống thủy lợi. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân ngâm nứa ở các sông, kênh, rạch, tạo thành những vũng nước tù ứ đọng; hóa chất nhuộm màu từ các cơ sở chế biến tăm hương không qua xử lý, đổ trực tiếp xuống cống, rãnh, gây ô nhiễm nguồn nước. Khi lượng mùn tồn đọng quá nhiều, một số hộ đóng vào bao tải, đưa ra đồng ruộng đốt, khói cùng mùi khét theo hướng gió bay vào trong làng, ảnh hưởng đến môi trường không khí. Ngoài ra, những ngày trời nắng, khói bụi mùn gỗ từ các cơ sở bay ra, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và đời sống sinh hoạt của người dân.

 


Lò sấy nguyên liệu bằng hơi nước sử dụng phế liệu nứa, vầu tại làng nghề Quảng Phú Cầu

 

     Ðể giải quyết vấn đề này, huyện Ứng Hòa đã triển khai Dự án “Xây dựng lò đốt rác thải làng nghề”, với công suất 5 tấn/ngày tại Quảng Phú Cầu, nhưng chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu xử lý rác thải của làng nghề. Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội cũng đầu tư xây dựng lò sấy nguyên liệu bằng hơi nước từ phế thải của làng nghề. Nguyên lý hoạt động của lò là sử dụng mùn cưa, đầu mẩu nứa, vầu để làm nhiên liệu đun nóng nước trong nồi hơi để cấp cho lò sấy nguyên liệu, nhờ đó, một lượng lớn chất thải được tái sử dụng hiệu quả, góp phần cải thiện môi trường. Tuy nhiên, chi phí để xây dựng một lò sấy hơi nước lên tới 400 triệu đồng, khiến người dân chưa quyết định đầu tư. Mới đây, huyện Ứng Hòa đã phê duyệt quy hoạch xây dựng cụm công nghiệp làng nghề tập trung, diện tích 10 ha tại thôn Cầu Bầu để di dời các hộ sản xuất ra khỏi khu dân cư.

     Ngành nghề sản xuất tăm hương truyền thống phát triển đã mở ra cho xã Quảng Phú Cầu một hướng đi mới đầy hứa hẹn, nhưng để phát triển một cách bền vững thì làng nghề rất cần sự chung tay của các ngành, cấp chính quyền cũng như sự thay đổi từ nhận thức đến hành động của người dân. Vì vậy, thời gian tới, các cơ quan chức năng cần tạo cơ chế thuận lợi cho nhân dân phát triển làng nghề; tích cực vận động người dân chủ động thực hiện sản xuất an toàn, có giải pháp giảm thiểu ô nhiễm từ khói, bụi, nguồn nước, không khí… Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền để các cơ sở sản xuất chấp hành nghiêm quy định về BVMT, nhằm cải tạo chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người lao động cũng như người dân địa phương.

 

Trương Thị Giang

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 2/2019)

Ý kiến của bạn