Banner trang chủ

Bảo vệ môi trường ở khu du lịch quốc gia Hạ Long - Cát Bà

04/10/2018

     Vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà đã trở thành khu du lịch quốc gia hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, hiện nay, cùng với hoạt động du lịch và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội khác trên địa bàn, Khu du lịch quốc gia Hạ Long - Cát Bà đang đối mặt với những thách thức về môi trường…

     Hiện trạng môi trường Khu du lịch quốc gia (KDLQG) Hạ Long - Cát Bà

     Tại các khu vực ven bờ biển vịnh Hạ Long đã có những biểu hiện ô nhiễm cục bộ do tăng lượng chất rắn lơ lửng, giảm lượng ô xy hòa tan, nitơrit… Theo thống kê của Ban Quản lý (BQL) vịnh Hạ Long, hiện nay, khu vực Hạ Long - Cẩm Phả có 21 dự án lấn biển và 17 dự án đổ bùn thải làm đe dọa nghiêm trọng đến vùng di sản. Các hoạt động dịch vụ du lịch trên bờ không được quản lý chặt chẽ. Mặt khác, chất thải do khách du lịch và từ các hoạt động cung cấp dịch vụ, các làng chài, hoạt động khai thác đánh bắt trên vịnh xả thải trực tiếp xuống biển

     Ngoài ra, do tiếp giáp với khu vực biển Cát Bà - vùng biển đang có nhiều nhà hàng, lồng bè sử dụng nhiều phao nổi, khi thủy triều lên, rác đã dạt sang vịnh Hạ Long gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. Cùng nằm trong một hệ sinh thái ven biển và có sự tương tác chặt chẽ với nhau, nên mọi hoạt động phát triển … từ phía Cát Bà sẽ gây tác động trực tiếp đến vịnh Hạ Long và ngược lại. Theo báo cáo của BQL di sản quần đảo Cát Bà, hiện tại, khu vực này có 486 bè nuôi, với hơn 8.600 ô lồng và có 463 gian bè tập trung. Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích kinh tế thì việc nuôi cá lồng bè cũng ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sinh thái, đặc biệt gây ra ô nhiễm nguồn nước, khiến cho các rạn san hô đang có xu hướng giảm dần tại Khu du lịch Hạ Long - Cát Bà.

     Qua khảo sát thực địa của Đại học Hạ Long năm 2017 cho thấy, lượng rác thu gom hàng ngày đạt 58% rác trôi, 30% từ khách tham quan và 12% từ dân cư tại các làng chài. Tổng số khối lượng rác thu gom hàng ngày đạt khoảng 7,5m3. Các nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm nước ở Hạ Long - Cát Bà do cư dân trên làng nổi (21%), khai thác than (31%), hoạt động du lịch trên đảo/hang động (24%), khách sạn và nhà hàng trên bờ (14%), dân cư trên bờ (10%). Sự ô nhiễm có thể nhận thấy bằng mắt thường thông qua hiện tượng rác nổi trên mặt nước, sự thay đổi màu nước cũng như nổi mùi hôi, có váng dầu tại các bến cảng và vùng ven bờ.

     Cần tăng cường các hoạt động BVMT

     Mặc dù đã có những biện pháp nhằm giảm thiểu sự tác động tiêu cực tới môi trường KDLQG Hạ Long - Cát Bà nhưng đứng trước xu thế phát triển mới và đối mặt với những thách thức môi trường mang tính thời đại, cần tăng cường các hoạt động BVMT KDLQG Hạ Long - Cát Bà.

 

Đảo Cát Bà (Hải Phòng)

 

     Áp dụng công nghệ điện mặt trời hỗ trợ phát triển du lịch: Hiện nay, điện mặt trời hỗ trợ phát triển du lịch, BVMT đã được triển khai ở Việt Nam, tuy nhiên chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Trước thảm họa về nguy cơ biến đổi khí hậu toàn cầu mà Việt Nam sẽ chịu nhiều hậu quả nặng nề, Khu du lịch quốc gia Hạ Long - Cát Bà cần triển khai việc sử dụng năng lượng tái tạo nhằm BVMT, giảm thiểu hiệu ứng nhà kính.

     Tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp và cộng đồng địa phương trong BVMT: Điều này được thể hiện trong xu hướng ngày càng nhiều doanh nghiệp du lịch sở hữu logo môi trường (thể hiện sự cam kết BVMT của doanh nghiệp). Trong chiến lược hành động, các doanh nghiệp và cấp chính quyền nên chú ý đến xu hướng trên, đồng thời cần xây dựng kế hoạch hành động vì môi trường.

     Khi các doanh nghiệp du lịch xây dựng các công trình phải xây dựng khu xử lý nước thải ngay từ đầu, và phải đầu tư đúng mức, vì sự đầu tư này sẽ mang lại lợi nhuận. Bên cạnh đó, môi trường văn hóa được quan tâm và môi trường lao động cũng cần đầu tư đúng mức. 

     Bên cạnh sáng kiến Liên minh Hạ Long - Cát Bà, cần nghiên cứu, áp dụng, phổ biên các mô hình BVMT dựa vào cộng đồng, như mô hình cam kết BVMT, tổ chức tự quản xử lý ô nhiễm môi trường, lồng ghép xóa đói giảm nghèo với BVMT, vệ sinh môi trường… Trong đó, các tổ chức chính trị - xã hội (Hội Phụ nữ, Nông dân, Đoàn Thanh niên…) đóng một vai trò quan trọng.

     Tăng cường phát triển du lịch thân thiện với môi trường: Đây là xu thế mới trên thế giới nhằm hướng tới việc tạo ra cảnh quan hài hòa với môi trường, giảm khí các bon thải ra. Cần tăng cường quản lý về năng lượng, nước, chất thải, hóa chất và tiêu dùng có trách nhiệm; quản lý khí thải trong khu vực, bảo vệ và tái tạo môi trường sinh thái. 

     Như vậy, để khi đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch cần hướng tới lối kiến trúc hài hòa với thiên nhiên, chỉ xây dựng theo những gì thiên nhiên đã có. Hiện nay, nhiều khu nghỉ dưỡng trên thế giới được xây dưới tán rừng, đá núi, nên cây rừng vẫn được giữ nguyên, cảnh quan thiên nhiên không bị phá hủy. Đây chính là phong cách kết hợp hài hòa với thiên nhiên, tận dụng những ưu điểm sẵn có của thiên nhiên. Với hướng đi mới, KDLQG Hạ Long - Cát Bà sẽ tiếp tục hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, đồng thời phát triển theo hướng bền vững, có trách nhiệm.

 

Ngô Hải Ninh

Trường Đại học Hạ Long

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 9/2018)

 

 

       

Ý kiến của bạn