Banner trang chủ

Vị giáo sư với tâm huyết với công trình sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ chất thải rắn sinh hoạt

31/05/2019

     Từng giảng dạy ở Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh chuyên ngành hóa học, vi sinh học, GS.TS Trần Kim Quy năm nay 83 tuổi đã dành gần 20 năm nghiên cứu tìm ra những vi sinh vật có ích để xử lý rác và xây dựng quy trình sản xuất phân vi sinh. Giải pháp của ông với quy trình sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) đã đạt giải Nhất tại Cuộc thi Sáng chế năm 2018 do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức. Giải pháp được đánh giá là có tính khả thi và ổn định cao trong điều kiện kinh tế hiện nay của Việt Nam.

     Hiện nay, việc thu gom xử lý rác thải sinh hoạt, sản xuất tại TP. Hồ Chí Minh nói riêng và trên cả nước nói chung chủ yếu là chôn lấp, đốt và sản xuất phân bón. Trong đó, việc xử lý bằng cách chôn lấp có nhược điểm rất lớn là gây ô nhiễm môi trường về mùi, nước rác, rỉ rác. Riêng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh mỗi ngày phát sinh khoảng 9.000 tấn rác thải sinh hoạt (trung bình tăng từ 5-6%/năm). Trong đó, 69% CTRSH được xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh, 20% làm phân compost, 11% áp dụng công nghệ đốt. Nếu tiếp tục áp dụng phương pháp chôn lấp, TP sẽ phải bố trí nhiều diện tích đất để chôn lấp rác, dự kiến mỗi năm cần khoảng 35 ha đất. Trong khi đó, TP lại đang lãng phí mỗi ngày khoảng hơn 5.000 tấn rác thải hữu cơ, vì nguồn nguyên liệu này vẫn chưa được tận dụng chế biến thành phân hữu cơ và compost.

     Trước những vấn đề từ thực tế đặt ra và mong muốn có một giải pháp để cải thiện tình trạng này, từ những năm 2004, GS.TS Trần Kim Quy cùng các cộng sự tại Viện Công nghệ hóa sinh ứng dụng TP. Hồ Chí Minh đã tập trung nghiên cứu với mục tiêu tìm công nghệ xử lý rác sinh hoạt để sản xuất phân hữu cơ phù hợp với điều kiện Việt Nam. Theo khảo sát của nhóm nghiên cứu, ở Việt Nam đang sử dụng một số công nghệ xử lý rác nhập từ Đan Mạch, Tây Ban Nha, Pháp và Trung Quốc. Các công nghệ này nhìn chung đều xử lý được rác thành phân hữu cơ đáp ứng nhu cầu sử dụng. Tuy nhiên, các công nghệ này cũng có một số hạn chế như điện năng tiêu thụ lớn, thời gian xử lý phân hủy rác lâu, lượng chất thải còn lại sau khi xử lý phải tiếp tục đưa đi chôn lấp, không xử lý được mùi hôi.

 

              GS Trần Kim Quy (thứ hai từ phải qua) nhận giải Nhất từ Ban Tổ chức

 

     Sau nhiều năm nghiên cứu và thực hiện các dự án thử nghiệm, đến năm 2012, GS.TS Trần Kim Quy và các cộng sự đã tìm ra vi sinh vật giúp phân hủy rác và xây dựng quy trình tạo phân bón dinh dưỡng cho cây trồng, được các hội đồng khoa học nghiệm thu. Thành công của đề tài là đã tìm được một số chủng thuộc nhóm vi khuẩn tự dưỡng (Thiobacillus denitrificans), vi khuẩn nhóm lactic (Lactobacillus acidophilus)… có khả năng hạn chế quá trình tạo thành các hợp chất như H2S và NH3 gây mùi hôi thối của rác thải. Hai chủng vi sinh này được sử dụng để điều chế chế phẩm OCM dùng khử mùi hôi của rác. Để rút ngắn thời gian ủ rác thành phân, nhóm nghiên cứu đã thành công trong việc tìm ra chủng xạ khuẩn ưa nhiệt (Streptomyces), nấm mốc (Aspergillus và Trichoderma). Các xạ khuẩn, nấm mốc này được phối trộn tạo ra chế phẩm CDM có tác dụng phân giải nhanh cenllulose trong rác thải. Đồng thời, nhóm nghiên cứu còn bổ sung vào rác bùn ống cống; phế liệu chế biến lương thực, thực phẩm; phân hầm cầu… giúp xử lý rác nhanh và hiệu quả.

     Đây là lần đầu tiên quy trình ủ phân rác sinh hoạt bằng công nghệ vi sinh vật được các nhà khoa học trong nước thực hiện thành công. Điều đáng chú ý của đề tài nghiên cứu là GS.TS Trần Kim Quy và các cộng sự đã kiên trì hơn 6 năm để đi từ nghiên cứu ở phòng thí nghiệm đến ứng dụng vào thực tế. Giải pháp của GS.TS Trần Kim Quy đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng Bảo hộ độc quyền từ năm 2016. Giải pháp trên đã được chuyển giao ứng dụng và cho kết quả tốt tại Nhà máy Xử lý rác thải Thủy Phương (Thừa Thiên - Huế).

     Theo quy trình, khi rác tập kết về cơ sở sản xuất được phun vi sinh vật khử mùi và sau đó cho chạy trên băng tải. Sau quá trình phân loại, rác hữu cơ được đưa vào hầm ủ và phun chế phẩm có chứa vi sinh vật, khoảng 20 - 25 ngày, toàn bộ rác hữu cơ sẽ bị phân hủy và tạo thành phân vi sinh cung cấp dưỡng chất cho cây trồng. Ngoài ra, các thành phần khác trong rác thải được tận dụng như các chất dẻo (ni lông, nhựa) để tái chế nhựa sản xuất mặt bàn composite, chất trơ được sử dụng làm gạch block không nung lát đường, những thành phần kim loại, thủy tinh được tách ra trong quá trình xử lý để tái sử dụng.

     Qua 2 năm sản xuất thử nghiệm tại Nhà máy Xử lý rác thải Thủy Phương (vận hành xử lý từ 200 đến 360 tấn rác/ngày), lượng compost thu được có thể đem vào sản xuất phân bón hữu cơ. Kinh phí thực hiện từ khâu phân loại đến xử lý 1 tấn rác hết 800.000 đồng. Cứ 100 tấn rác thải sẽ sản xuất được 38 - 40 tấn phân vi sinh. Mỗi tấn được bán với giá 2,5 triệu đồng (rẻ bằng một nửa so với giá phân vi sinh đang bán trên thị trường từ 5 -10 triệu đồng/tấn)… Theo GS. TS Trần Kim Quy, với giá thành này giúp cho nhiều người dân mua được phân tốt để sử dụng và người đầu tư vẫn thu lợi nhuận.

     Sáng chế của GS.TS Trần Kim Quy được đánh giá cao nhờ việc giải quyết được cùng lúc 2 nhu cầu bức xúc của xã hội là xử lý rác thải sinh hoạt và cung cấp nguồn phân hữu cơ giá rẻ cho thị trường. Bên cạnh đó, thời gian xử lý rác thải rút ngắn xuống chỉ còn khoảng 1/3 so với các công nghệ tương tự cũng như giải quyết được ô nhiễm trong quá trình xử lý. Mặc dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn đeo đuổi con đường nghiên cứu. Không dừng lại ở việc sản xuất phân hữu cơ từ rác sinh hoạt, hiện ông đang đăng ký bảo hộ sáng chế tại Cục Sở hữu trí tuệ với giải pháp sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học làm từ lá cây.

 

Lê Hà

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 5/2019)

 

     Lễ trao giải Cuộc thi Sáng chế năm 2018 được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 25/4/2019 nhằm vinh danh 10 sáng chế xuất sắc, ứng dụng khả thi giúp cải thiện cuộc sống của người dân và góp phần phát triển kinh tế. Cuộc thi Sáng chế là hoạt động được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) và Cơ quan Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc (KIPO) phối hợp với Cơ quan Sở hữu trí tuệ của các quốc gia tổ chức nhằm thúc đẩy việc tạo ra các giải pháp kỹ thuật hữu ích phục vụ cuộc sống của cộng đồng ở các quốc gia. Đến nay, Cuộc thi đã được tổ chức tại 12 nước trên thế giới. Đây là lần thứ ba Việt Nam phối hợp với WIPO và KIPO tổ chức Cuộc thi Sáng chế.

 

 

Ý kiến của bạn