Banner trang chủ

Ứng dụng công nghệ phục hồi một số loài san hô cứng tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm

30/10/2017

     Sau khi được Viện Hải dương học Nha Trang tập huấn chuyển giao công nghệ phục hồi một số loài san hô cứng, các cán bộ khoa học của Ban quản lý Khu bảo tồn biển (KBTB) Cù Lao Chàm đã nghiên cứu đề xuất và được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Nam chấp thuận cho triển khai thực hiện Đề tài: “Ứng dụng công nghệ phục hồi một số loài san hô cứng tại KBTB Cù Lao Chàm có sự tham gia của cộng đồng”.

 

Cán bộ Ban quản lý KBTB Cù Lao Chàm chăm sóc san hô sau khi trồng phục hồi

 

     Đề tài bắt đầu được triển khai từ tháng 9/2015 và kết thúc vào tháng 8/2017, với mục tiêu phục hồi và nâng cao hiệu quả quản lý hệ sinh thái rạn san hô tại KBTB Cù Lao Chàm. Vận dụng có chọn lọc kỹ thuật tách, di chuyển và cố định các tập đoàn san hô được tuyển chọn từ tự nhiên của một số quốc gia đã thực hiện thành công, nhóm nghiên cứu đã điều tra, đánh giá sự đa dạng sinh học biển tại 10 khu vực nằm trong diện tích của KBTB (với phương pháp Reefcheck và Manta Tow). Qua đó, đánh giá tổng thể hiện trạng phân bố và sức khỏe của các rạn san hô trong KBTB để quyết định chọn các khu vực trồng phục hồi san hô cũng như thiết lập các vườn ươm san hô cố định dưới đáy biển. Kết quả đã chọn lựa được 2 khu vực Bãi Bắc, Bãi Tra (mỗi khu vực có diện tích 2.000 m2) là 2 khu vực trồng phục hồi san hô và chọn được 2 địa điểm thiết lập vườn ươm san hô cố định dưới đáy biển tại Bãi Bò và Bãi Nần. Các khu vực lựa chọn những loài san hô cứng, đảm bảo thỏa mãn các điều kiện vô sinh, hữu sinh và xã hội cần thiết tại vùng nghiên cứu.

     Đề tài nghiên cứu đã sử dụng kỹ thuật tách được 2.783 tập đoàn san hô cứng để phục vụ cho việc trồng phục hồi và thiết lập vườn ươm san hô. Qua đó, đã tuyển chọn 11 được loài san hô thuộc 4 giống: Acropora (có 5 loài: A. accuminata; A. cytherea; A. hyacinthus; A.nobilis; A. robusta); Echinopora (có 2 loài: E. gemmacea; E. lamellose); Montipora (có 2 loài: M. vietnamensis; M. crassituberculata); Pachyseric (có 2 loài: P. rugosa; P. speciosa).

     Kết quả sau gần 2 năm triển khai thực hiện, Đề tài đã ghi nhận được tỷ lệ sống của các tập đoàn san hô được tách và trồng phục hồi bình quân là 79,85%, trong đó tỷ lệ sống cao nhất là khu vực Bãi Bò (99,15%), kế đến là Bãi Nần (95,09%), Bãi Tra (72,23%) và Bãi Bắc (52,94%); tỷ lệ sống bình quân của các giống san hô cứng đã nghiên cứu thực nghiệm trên 4 địa điểm (Bãi Bắc, Bãi Tra, Bãi Nần, Bãi Bò) với giống Montipora (80,8%), Acopora (83,46%), Pachyseric (80,95%) và Echinopora (50,9%); Tốc độ tăng trưởng trung bình của san hô ở các khu vực nghiên cứu: Bãi Bắc (2,36 cm/năm), bãi Nần (5,99 cm/năm), bãi Tra (0,38 cm/năm) và bãi Bò (3,6 cm/năm).

     Bên cạnh những kết quả trên, nhóm nghiên cứu còn ghi nhận được khả năng thích nghi môi trường của một số giống san hô trong khu vực nghiên cứu. Cụ thể, để trồng phục hồi san hô nên chọn các giống san hô: Acropora, Montipora và Pachyseric. Các loài san hô thuộc giống Acropora có khả năng chịu đựng sự ngọt hóa tức thời cao hơn các loài san hô thuộc dạng phiến (Montipora, Echinopora, Pachyseric) và các giống san hô thuộc dạng phiến có khả năng thích ứng với trầm tích cao hơn các giống san hô thuộc dạng cành (Acropora).

     Thành công của Đề tài nghiên cứu trên có ý nghĩa quan trọng, giúp các cán bộ khoa học của KBTB Cù Lao Chàm xây dựng kế hoạch và quy trình mô hình phục hồi một số loài san hô cứng tại các rạn san hô bị tác động bởi các yếu tố tự nhiên trong điều kiện biến đổi khí hậu, cũng như những tác động của con người gây ra trong KBTB trong thời gian tới. Đây cũng là cơ sở để Ban quản lý KBTB Cù Lao Chàm phối hợp, hướng dẫn cho doanh nghiệp và cộng đồng tham gia xây dựng mô hình rạn san hô nhân tạo để phát triển các loại hình dịch vụ du lịch sinh thái biển trên cơ sở bảo tồn và tôn tạo, phát triển rạn san hô tại địa phương.

     Có thể nói, đây là một nghiên cứu thực nghiệm điển hình về bảo tồn tài nguyên đa dạng sinh học biển nói chung và các loài san hô nói riêng. Trên cơ sở đó, có thể nhân rộng mô hình sang các KBTB khác trên cả nước, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo tồn và phát triển TN&MT biển của nước ta.

 

ThS. Lê Xuân Ái

KS. Lê Vĩnh Thuận

                               Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 10/2017)

Ý kiến của bạn