Banner trang chủ

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và nuôi trồng thủy hải sản góp phần phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường

08/05/2020

     Việt Nam có lợi thế về môi trường tự nhiên và nguồn lợi thủy hải sản, là quốc gia đứng hàng thứ 4 thế giới về nuôi trồng thủy, hải sản. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 8,6 tỷ USD. Để phát triển bền vững ngành thủy sản, những năm gần đây, nhiều địa phương trên cả nước đã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và nuôi trồng thủy hải sản, vừa tạo ra những giá trị về kinh tế và BVMT.

 

Khu phức hợp sản xuất tôm giống chất lượng cao của Tập đoàn Việt - Úc tại xã Tân Lập, huyện Đầm Hà (Quảng Ninh)

 

Các chính sách phát triển thủy sản bền vững

    Để ngành Thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, trong những năm gần đây, Nhà nước đã ban hành nhiều các văn bản pháp luật nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong nuôi trồng thủy hải sản gắn với BVMT, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng quy mô sản xuất. Theo đó, Chiến lược Phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020 nêu rõ, kinh tế thủy sản đóng góp 30 - 35% GDP trong khối nông - lâm - ngư nghiệp, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành thủy sản từ 8 - 10%/năm. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 8 - 9 tỷ USD. Tổng sản lượng thủy sản đạt 6,5 - 7 triệu tấn, trong đó nuôi trồng chiếm 65 - 70% tổng sản lượng… Để thực hiện mục tiêu trên, Chiến lược cũng đề ra giải pháp như cần áp dụng công nghệ cao để tập trung sản xuất thành công các loại giống thủy sản sạch bệnh; sản xuất thuốc thú y thủy sản, các loại vacxin phòng trị bệnh thủy sản có chất lượng; thực hiện và kiểm soát chặt chẽ việc đánh giá tác động môi trường trong các vùng, đặc biệt là dự án phát triển nuôi trồng, chế biến thủy sản; tăng cường công tác giám sát tình hình dịch bệnh, sử dụng các hóa chất, thuốc thú y thủy sản; giám sát chặt chẽ công tác khảo nghiệm, thử nghiệm khi nhập, thử nghiệm các loài thủy sản ngoại lai vào Việt Nam. Đồng thời, lồng ghép các vấn đề môi trường trong quá trình hoạch định kế hoạch phát triển thủy sản theo từng lĩnh vực ngành; đẩy mạnh áp dụng các công nghệ mới, tiên tiến, thân thiện với môi trường để giảm thiểu và xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất của ngành thủy sản; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và tổ chức quản lý, giám sát cộng đồng để quản lý môi trường và áp dụng các hình thức xử phạt nghiêm đối với các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường; nghiêm cấm khai thác các đối tượng đang trong mùa sinh sản. Hàng năm theo mùa vụ thực hiện trên phạm vi toàn quốc việc thả tôm, cá, thủy sản giống ra biển và các dòng sông, suối, hồ chứa; duy trì, giữ vững diện tích các vùng nuôi thủy sản hữu cơ (nuôi sinh thái); bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng ngập mặn hiện có và phát triển trồng mới rừng ngập mặn trên phạm vi toàn quốc; tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của nông, ngư dân trong công tác BVMT.

    Ngoài ra, BVMT trong nuôi trồng thủy sản cũng được quy định rõ tại Điều 71, Luật BVMT năm 2014: Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thuốc thú y thủy sản, hóa chất trong nuôi trồng thủy sản phải thực hiện quy định của pháp luật về  BVMT và quy định của pháp luật có liên quan; không được sử dụng thuốc thú y thủy sản, hóa chất đã hết hạn sử dụng hoặc ngoài danh mục cho phép trong nuôi trồng thủy sản; thuốc thú y thủy sản, hóa chất dùng trong nuôi trồng thủy sản đã hết hạn sử dụng; bao bì đựng thuốc thú y thủy sản, hóa chất dùng trong nuôi trồng thủy sản sau khi sử dụng; bùn đất và thức ăn lắng đọng khi làm vệ sinh trong ao nuôi thủy sản phải được thu gom, xử lý theo quy định về quản lý chất thải; khu nuôi trồng thủy sản tập trung phải phù hợp với quy hoạch và đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường sau: Chất thải phải được thu gom, xử lý theo quy định của pháp luật; phục hồi môi trường sau khi ngừng hoạt động nuôi trồng thủy sản; Bảo đảm điều kiện vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh thủy sản; không được sử dụng hóa chất độc hại hoặc tích tụ độc hại…

    Mới đây, tại phiên chất vấn của Quốc hội thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã đưa ra một số giải pháp nhằm phát triển bền vững ngành thuỷ sản Việt Nam trong thời gian tới như: Gắn tái cơ cấu ngành thủy sản với tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất, cung cấp nguyên liệu đầu vào đến nuôi trồng, khai thác, chế biến, bảo quản và tiêu thụ nhằm giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm thủy sản Việt Nam; chuyển từ nuôi trồng, khai thác theo phương thức truyền thống sang công nghiệp hóa ngành thủy sản, ứng dụng công nghệ cao; tổ chức lại hoạt động khai thác, đẩy mạnh nuôi trồng, hiện đại hóa quản lý, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ; tái cấu trúc ngành khai thác thủy sản, gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, BVMT; chuyển mạnh sang nuôi trồng biển… Đây là những nhiệm vụ đột phá trong tái cấu trúc ngành thủy sản trong giai đoạn tới nhằm thúc đẩy tăng trưởng thủy sản, chuyển dịch cơ cấu lao động từ đánh bắt sang nuôi trồng, giải quyết nhiều việc làm, nâng cao đời sống cho người dân.

Mô hình ứng dụng hiệu quả công nghệ cao

 

Mô hình ứng dụng hiệu quả công nghệ cao trong nuôi trồng thủy hải sản bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế và BVMT

 

    Thực hiện những chính sách trên, nhiều địa phương trên cả nước đãứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm. Với việc quản lý ao nuôi được tốt hơn thông qua các thiết bị hiện đại như công nghệ quan trắc môi trường ao nuôi, công nghệ quản lý thức ăn, phương pháp kiểm soát dịch bệnh pockit, phân tích dữ liệu nước và cảnh báo, nhà kín nuôi tôm thâm canh... đã giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước, đồng thời giảm thiểu rác tải từ các loại bao bì đựng thức ăn tại các khu vực nuôi trồng…

    Điển hình như mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao tại Cần Giờ cho hiệu quả cao của anh Nguyễn Hoài Nam (ở ấp Trần Hưng Đạo, xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ). Anh Nam đã mạnh dạn đầu tư 7.500 m2 trên tổng diện tích 1,3 ha diện tích nuôi trồng thủy sản làm trang trại nuôi tôm chân trắng siêu thâm canh theo công nghệ Biofloc với quy trình hai giai đoạn trong nhà kín theo tiêu chuẩn VietGAP. Chi phí đầu tư nuôi tôm theo mô hình này là 2,31 tỷ đồng/năm, sản lượng thu hoạch là 33 tấn, giá bán 140.000 đồng/kg, tổng thu 4,62 tỷ đồng, lợi nhuận 2,31 tỷ đồng. Có thể thấy, hiệu quả mô hình mang lại lợi nhuận cao, bền vững. Tôm thu hoạch đạt tiêu chuẩn sạch và được khách hàng đánh giá cao về chất lượng. Quy trình nuôi tôm được chia thành  hai giai đoạn gồm, giai đoạn 1: vệ sinh hệ thống nuôi, lọc và xử lý nước, nuôi cấy vi sinh tạo floc và ươm tôm trước khi thả nuôi. Sang giai đoạn 2, khi tôm được 30 - 60 ngày tuổi, chuyển tôm sang ao nuôi, lót bạt đáy trong nhà lưới mùa nắng và che bạt kín mùa mưa; chất thải trong ao được xử lý hàng ngày. Mô hình nuôi này đầu tư thiết bị công nghệ cao như máy nano oxygen cung cấp oxy cực nhanh, khử phèn và hóa chất độc hại trong ao, ức chế các loại vi khuẩn gây bệnh, ổn định mật độ tảo khuê và tảo lục, phát triển vi sinh có lợi, giảm chỉ số PCR (hệ số chuyển đổi thức ăn). Kiểm soát 24/24 giờ, lưu trữ dữ liệu để phân tích. Công nghệ xạ Biofloc giúp năng suất cao, hệ số PCR thấp, bảo vệ môi trường. Đây là lời giải cho việc mở ra hướng sản xuất bền vững, an toàn thực phẩm.Những hộ nuôi còn đầu tư hệ thống cung cấp oxy tự động và hệ thống vệ sinh đất ao nuôi đảm bảo môi trường, giảm lượng rác thải cho khu vực nuội. Hiện Trung tâm khuyến nông TP. Hồ Chí Minh là đơn vị chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cho nhiều hộ dân khác trong vùng.

    Tiếp theo là một số hộ dân trong tỉnh Bắc Giang đã mạnh dạn đầu tư hạ tầng, áp dụng khoa học, kỹ thuật hiện đại vào nuôi trồng thủy sản công nghệ cao đã  tạo ra bước đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Điển hình mô hình nuôi cá “sông trong ao” của hợp tác xã (HTX) chăn nuôi Trường Thành, xã Danh Thắng. Mô hình sản xuất này có ưu điểm: Ao nuôi rộng 250 m2, xây dựng thành 2 ngăn có láng xi măng, lắp đặt hệ thống sục khí, máy quạt nước, đẩy nước để tạo dòng chảy mạnh, cho cá ăn và hút phân thải của cá... Ông Tô Hiến Thành - Giám đốc HTX cho biết, tháng 5/2018, ông đầu tư 3 tỷ đồng xây dựng khu nuôi thả cá. Lứa cá đầu tiên, ông thả hơn 3 vạn con. Sau 5 tháng nuôi, ông thu hoạch được khoảng 40 tấn cá thương phẩm, cao hơn rất nhiều so với phương pháp nuôi thông thường; tổng doanh thu đạt khoảng 1 tỷ đồng. Khi có dòng chảy, cá sẽ hình thành thói quen bơi ngược dòng liên tục, hấp thụ tốt thức ăn, thịt chắc, thơm ngon; chất thải của cá được máy bơm hút ra ngoài giúp môi trường ao luôn sạch, cá lớn nhanh.

    Đầu năm 2019, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) cũng đã hỗ trợ hai mô hình nuôi trồng thủy sản công nghệ cao; tổng quy mô 1,8 nghìn m2 tại xã Tân Hưng và Đại Lâm. Cụ thể, hộ anh Triệu Văn Trọng, khu nuôi trồng thủy sản xã Đại Lâm là một trong những gia đình được thụ hưởng. Trên diện tích 900 m2, anh nuôi thả các loại cá gồm: Trắm, chép, rô phi đơn tính… Ao nuôi xây dựng đúng quy cách, sử dụng hệ thống máy tạo ô xi, sục khí và máy cho ăn tự động lắp đặt bảo đảm quy cách. Với phương pháp này, chỉ cần sử dụng điện thoại di động kết nối mạng Internet là có thể điều khiển việc cho cá ăn… Theo đánh giá của Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT Bắc Giang), nuôi trồng thủy sản bằng công nghệ cao là phương pháp đang được khuyến khích áp dụng và nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Các hộ nuôi sử dụng cách làm này giúp tăng năng, chất lượng an toàn, tiết kiệm chi phí, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

    Để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và nuôi trồng thủy hải sản, mới đây, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 3851/QĐ-UBND thành lập khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về thủy sản.Tỉnh Quảng Ninh có hơn 21.400 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, có thuận lợi về vùng nước mặn, lợ, ngọt và biển; có nguồn thủy hải sản phong phú. Việc thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về thủy sản sẽ giúp tỉnh Quảng Ninh tập trung thực hiện hoạt động nghiên cứu ứng dụng các thành tựu về khoa học công nghệ và phát triển công nghệ cao trong lĩnh vực thủy sản mà trọng tâm là phát triển tôm; phòng chống dịch bệnh; phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ ngành công nghiệp tôm cho khu vực miền Bắc nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng… Theo đó, Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ được xây dựng tại xã Tân Lập, huyện Đầm Hà với diện tích 169,5ha. Tổng mức đầu tư toàn dự án là 829 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh là 159 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp do Công ty CP Thủy sản Việt - Úc đầu tư là 670 tỷ đồng. Doanh nghiệp này cũng đồng thời là nhà đầu tư chiến lược, hạt nhân trong Khu và được quản lý diện tích 102,6 ha, chiếm 60,5% tổng diện tích toàn Khu. Tiến độ thực hiện của Đề án được chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1, đến năm 2020 thực hiện điều chỉnh quy hoạch, thực hiện GPMB, đưa vào hoạt động phân khu trung tâm, phân khu sản xuất giống tôm và một phần khu nuôi tôm chất lượng cao; Giai đoạn 2, từ năm 2021-2023, tiếp tục đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tiến hành mở rộng khu nuôi trình diễn, triển khai đầu tư khu thử nghiệm để tạo ra công nghệ cao, phục vụ sản xuất giống, nuôi trồng đối với các đối tượng thủy sản nuôi chủ lực của tỉnh; Giai đoạn 3, từ năm 2024-2025, hoàn thiện đầu tư cơ sở hạ tầng còn lại, tiếp tục nghiên cứu đầu tư khu thử nghiệm và nhân rộng các mô hình, công nghệ đã thử nghiệm thành công.

    Như vậy, những mô hình ứng dụng hiệu quả công nghệ cao trong nuôi trồng thủy hải sản đã nêu ở trên, góp phần thúc đẩy ngành thủy sản phát triển, bảo đảm điều kiện vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh thủy sản, thích ứng với điều kiện tự nhiên, nâng cao chất lượng xuất khẩu thủy sản… Đồng thời, thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư vào nuôi trồng, xuất khẩu thủy hải sản, góp phần BVMT, phát triển bền vững.

 

Xuân Lập - Châu Loan

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 4/2020)

Ý kiến của bạn