Banner trang chủ

Đẩy mạnh phát triển các hợp tác xã nông nghiệp sinh thái thân thiện với môi trường ở vùng nông thôn TP. Hồ Chí Minh

03/10/2018

     Những năm qua, ở các vùng nông thôn TP. Hồ Chí Minh đã phát triển nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp (SXNN) sinh thái, chủ yếu với các loại hình như mô hình kinh tế hộ nông dân, trang trại, hợp tác xã (HTX)… mang lại hiệu quả kinh tế cao. Việc phát triển các mô hình HTX nông nghiệp sinh thái (NNST) đã tạo ra việc làm và góp phần sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên khu vực nông thôn.

     Theo thống kê của Sở NN&PTNT TP. Hồ Chí Minh, hiện trên địa bàn TP có trên 25.400 hộ nông dân tham gia sản xuất nông nghiệp, với hơn 72.000 lao động. Kinh tế hộ nông dân được xem là lực lượng chủ lực của ngành nông nghiệp TP, chiếm hơn 77% tổng giá trị sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp chủ lực phù hợp với nông nghiệp đô thị như hoa lan, cây kiểng, cá cảnh, rau an toàn, chăn nuôi bò sữa… Tuy nhiên, do đa phần các hộ nông dân quy mô sản xuất nhỏ, thiếu liên kết (chiếm 65% hộ), nên chất lượng nguồn nhân lực hạn chế, phụ thuộc nguồn vốn vay, vì vậy, sản phẩm của hộ nông dân không có thương hiệu, dễ dàng bị ép giá trên thị trường.

     Trước thực tế này, để phát triển kinh tế, nhiều hộ nông dân trên địa bàn TP đã tham gia vào mô hình  Hợp tác xã (HTX) nông nghiêp sinh thái (NNST), hình thành nên các chuỗi liên kết giữa nông dân- trang trại- hợp tác xã hay liên kết giữa hộ nông dân- trang trại- doanh nghiệp. Kết quả khảo sát 500 hộ nông dân do Sở NN&PTNT TP thực hiện từ năm 2017 cho thấy, lợi ích thiết thực của nông dân khi tham gia vào mô hình HTX SXNN sinh thái, lợi nhuận của nông dân sau khi gia nhập HTX NNST đã tăng lên  30 - 35% . Chẳng hạn, với rau an toàn, hộ nông dân tham gia vào HTX đạt giá trị sản lượng bình quân 873, 6 triệu đồng/ha (cao hơn hộ sản xuất độc lập 35,7%). Còn lĩnh vực chăn nuôi bò sữa, hộ nông dân tham gia HTX đạt giá trị bình quân 467,4 triệu đồng/năm (cao hơn hộ sản xuất độc lập 10,9%). Nguyên nhân do các hộ nông dân khi tham gia HTX được hướng dẫn quy trình trồng trọt, chăn nuôi nên năng suất cao hơn, đồng thời, bao tiêu sản phẩm với mức giá ổn định, nên không lo mất mùa rớt giá.

     Với những ưu thế mà mô hình HTX NNST mang lại, TP. Hồ Chí Minh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho HTX thành lập mới như TP đã ban hành quyết định số 26/2015/QĐ-UBND ngày 8/6/2015 về chính sách hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu cho các HTX nông nghiệp - dịch vụ thành lập mới trên địa bàn giai đoạn 2015 - 2020. Cụ thể,  các HTX đăng ký ngành nghề hoạt động thuộc những lĩnh vực, như: Trồng trọt (rau, dưa hấu, nấm các loại, hoa - cây kiểng, hoa lan, cây ăn trái chuyên canh, cây thức ăn chăn nuôi và cây công nghiệp); chăn nuôi (bò sữa, bò thịt, heo, thỏ, trùn, dế); nuôi trồng thủy sản (tôm, cá, nghêu, sò, hàu, vọp, cua, lươn, ếch, ba ba, cá cảnh); lâm nghiệp; Dịch vụ tư vấn, thiết kế và thi công sân vườn; cung cấp bon sai; chăm sóc hoa - cây kiểng... sẽ được hỗ trợ 100 triệu đồng/HTX.

     Cùng với các thành phần kinh tế khác, HTX NNST đã và đang có những đóng góp tích cực trong quá trình phát triển kinh tế và được khuyến khích phát triển để trở thành mô hình chủ đạo của nông nghiệp TP. Hồ Chí Minh. Theo Sở NN&PTNT TP. Hồ Chí Minh hiện có 41 HTX NNST, bình quân một HTX có 54 thành viên, 10 lao động và 0,6 ha diện tích nhà xưởng. Giá trị sản xuất do các thành viên HTX tạo ra năm 2017 đạt 971 tỷ đồng, chiếm khoảng 5% trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, phần lớn các HTX NNST đều tập trung chủ yếu tại 5 huyện ngoại thành Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ. Trong đó, nhiều HTX đã trở thành cầu nối cho nông dân trong việc tiếp thu, hướng dẫn ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thúc đẩy chuyển đổi cây trồng, vật nuôi chủ lực của TP… Đồng thời, các HTX cũng liên kết với doanh nghiệp, bao tiêu sản phẩm cho người nông dân cả đầu vào lẫn đầu ra.

 


Các thành viên HTX Phước An đóng gói sản phẩm rau sạch

 

     Điển hình là HTX Nông nghiệp và dịch vụ Phước An (huyện Bình Chánh) được thành lập vào năm 2006, với 7 thành viên và 4,5 ha đất sản xuất. Thời gian đầu khi mới thành lập, HTX gặp phải không ít khó khăn về vốn, đất đai, quy trình sản xuất và kênh tiêu thụ sản phẩm. Song, với quyết tâm sản xuất ra các loại rau, củ đảm bảo an toàn thực phẩm, HTX đã được Sở NN&PTNT tổ chức tập huấn cho các xã viên kỹ thuật sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP. Để đảm bảo sản phẩm đầu ra, HTX thành lập một đội ngũ kỹ thuật riêng, thành thạo về chuyên môn cây trồng, tiến hành luân phiên đi kiểm tra ở tất cả các tổ trồng rau. Sau hơn 10 năm hoạt động, đến nay HTX đã phát triển lên gần 100 thành viên với tổng diện tích sản xuất 25,3 ha. Hiện với 20 sản phẩm rau củ quả, sản lượng bình quân đạt từ 6- 8 tấn/ngày đều có dán tem truy xuất nguồn gốc, HTX còn là một trong hai đơn vị đi tiên phong tham gia chương trình truy xuất nguồn gốc rau an toàn tại TP.Hồ Chí Minh. Với quy trình quản lý chặt chẽ, kể từ năm 2013, HTX đã có 4 năm liên tiếp đạt được chứng nhận VietGAP trên toàn bộ 25,3 ha sản xuất. HTX cũng vinh dự được cấp giấy chứng nhận “Chuỗi thực phẩm an toàn” từ khâu sản xuất cho tới bàn ăn đối với tất cả sản phẩm. Nhờ chất lượng sản phẩm cao, giá thành cạnh tranh, thương hiệu mạnh, đến nay, các sản phẩm của HTX Phước An luôn có vị trí quan trọng tại hầu hết các chuỗi siêu thị lớn tại TP.HCM như: BigC, Co.op-mart, Metro, Vinatex Mart… Doanh thu bình quân của HTX đạt 17 - 19 tỷ đồng/năm, qua đó bảo đảm mức thu nhập cao cho các hộ thành viên.

     HTX chăn nuôi bò sữa Tân Thông Hội (huyện Củ Chi), được thành lập từ năm 1999, với 50 xã viên cũng là một trong những mô hình điển hình. Sau hơn 18 năm hoạt động và phát triển, HTX đã phát triển thành 300 xã viên, vốn điều lệ 5 tỷ đồng. Hoạt động chủ yếu của HTX là cung cấp dịch vụ đầu vào cho xã viên và thu mua sữa bò tươi cung cấp cho các đơn vị tiêu thụ trên địa bàn như: Công ty Cổ phần Lothamilk, Công ty Thực phẩm CMT, công ty Ánh Hồng… Hiện HTX có tổng đàn bò sữa khoảng 5.000 con, trong đó có 2.000 con là bò cái vắt sữa. HTX đã xây dựng được 4 trạm thu mua sữa để tiêu thụ khoảng 30 tấn sữa bò tươi cho xã viên.

     Từ những kết quả trên, hiện ngành nông nghiệp TP. Hồ Chí Minh đang triển khai kế hoạch phát triển 7 HTX NNST điển hình ở 5 huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ, với tổng vốn đầu tư 2.300 tỷ đồng. Các HTX này sẽ được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển sản xuất gắn với chế biến sản phẩm sạch như: nhà máy giết mổ, nhà máy chế biến thức ăn gia súc, nhà máy chế biến thực phẩm, các trạm sữa, nhà sơ chế rau, đóng gói... Đồng thời, TP sẽ hỗ trợ các HTX về đào tạo nguồn nhân lực, áp dụng khoa học - công nghệ mới, kỹ năng thực hành ứng dụng công nghệ cao cho các thành viên HTX...

     Để nâng cao năng lực cho các HTX NNST, TP đã triển khai nhiều giải pháp như: Xây dựng thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhất là đối với những sản phẩm của nông dân, tổ hợp tác, HTX sản xuất theo quy trình sản xuất sạch (VietGAP, GloGAP) nhằm giúp các sản phẩm này đủ sức cạnh tranh với thị trường. Mặt khác, có chính sách hỗ trợ cho người nông dân trong quá trình sản xuất nông nghiệp, cũng như chính sách đãi ngộ đối với các chuyên gia tham gia vào hoạt động sản xuất NNST, thân thiện với môi trường…; triển khai các chính sách khuyến khích hộ nông dân tham gia sử dụng dịch vụ của HTX, thông qua các hợp đồng tiêu thụ nông sản sạch.

     Mặt khác, TP ưu tiên phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung ổn định, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị; xây dựng chuỗi liên kết giá trị nông sản với nhiều hình thức liên kết đa dạng, linh hoạt phù hợp với lợi thế từng địa bàn, từng vùng sản xuất, tập trung vào lĩnh vực sản xuất giống cây - con chất lượng cao. Bên cạnh đó, đề nghị UBND 5 huyện ngoại thành tập trung xây dựng các mô hình HTX nông nghiệp tiên tiến, hiện đại đã được lựa chọn để làm cơ sở nhân rộng trên các địa bàn nông thôn của TP. Xây dựng cửa hàng tiện ích giới thiệu sản phẩm của HTX gắn kết với Chương trình mỗi làng 1 sản phẩm ở 5 huyện ngoại thành của TP, thí điểm thực hiện ở huyện Củ Chi là huyện có số lượng HTX NNST nhiều nhất.

     Ngoài ra, Sở NN&PTNT TP, Liên minh HTX TP, UBND các quận, huyện tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các hộ nông dân về lợi ích tham gia HTX NNST. Đồng thời, các quận, huyện có kế hoạch tổ chức hội thảo, tổ chức các chuyến tham quan, học tập các mô hình sản xuất nông nghiệp, nhằm nhân rộng các mô hình trên toàn TP.

 

Hoàng Thị Thủy

Liên minh HTX Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 9/2018)

 

Ý kiến của bạn