Banner trang chủ

Đà Lạt ứng dụng hiệu quả mô hình “Xử lý phế phẩm nông nghiệp ủ nóng thành phân hữu cơ”

25/01/2016

     Đà Lạt là thành phố trực thuộc tỉnh Lâm Đồng với thổ nhưỡng và khí hậu thuận lợi để phát triển nhiều loại cây ôn đới. Diện tích gieo trồng hiện nay của toàn thành phố đạt gần 11.000 ha. Những năm qua, rác thải từ trồng rau, hoa, nhất là các loại rau họ Thập tự luôn là vấn đề nan giải của thành phố. Nhưng giờ đây, nhờ việc áp dụng mô hình “Xử lý phế phẩm nông nghiệp ủ nóng thành phân hữu cơ”, Đà Lạt đã phần nào giải quyết được “rác thải từ phế phẩm nông nghiệp”, hạn chế rác làm ách tắc dòng chảy về hạ nguồn.

 

 

     Lâu nay, rác thải từ trồng rau, hoa - nhất là các loại rau họ Thập đã trở thành vấn nạn ở Đà Lạt. Lượng rác thải lớn (chủ yếu xả ra từ hoạt động nhổ cỏ dại, cắt tỉa rau, cành thành phẩm xuất ra thị trường) thường bị người trồng rau, hoa bỏ lại trên bờ ruộng, đổ ra ven đường hay thậm chí chất đống ngay tại vườn nhà để tự phân hủy hoặc vùi lấp sơ sài bỏ trên bờ cho tự phân hủy đã gây ô nhiễm môi trường, có nguy cơ phát tán tới vùng hạ nguồn, ách tắc dòng chảy mỗi khi mùa mưa đến. Chính quyền và các cơ quan chức năng thường xuyên khuyến cáo, nhắc nhở việc xử lý để giữ vệ sinh môi trường, song do thói quen cũng như để tiết kiệm chi phí nên nhiều nông dân trồng rau, hoa vẫn không thực hiện.

     Xuất phát từ thực tế trên, Ban Thường vụ Hội Nông dân thành phố Đà Lạt đã mạnh dạn đề xuất và được Ủy ban nhân dân thành phố cấp kinh phí để thực hiện mô hình “Xử lý phế phẩm nông nghiệp ủ nóng thành phân hữu cơ” áp dụng tại 14 phường, xã, đồng thời tổ chức cho nông dân học tập mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả gắn với bảo vệ môi trường.

     Để biến phế phẩm nông nghiệp thành phân hữu cơ, nguyên liệu từ phế phẩm nông nghiệp được thu gom và tận dụng từ các loại lá cây, cỏ dại, thân cây, cành được cắt bỏ lại từ các loại hoa và rau…; thậm chí cả phân dê, bò chưa qua xử lý cùng một lượng đất nhất định. Sau khi thu gom nguồn phế phẩm nông nghiệp, người ta tiến hành bỏ men vi sinh với lượng vừa đủ với phế phẩm đã thu gom cùng một số khoáng chất có lợi cho cây. Sau đó, họ sử dụng bạt, ni lông để ủ hỗn hợp trên (nhiệt độ bên trong đo được từ 50 - 70 độ C).

     Với việc thực hiện quy trình này, Đà Lạt đã tiết kiệm đầu vào cho sản xuất, tận dụng tối đa phế phẩm từ hoạt động nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường. Sau 30 ngày ủ nóng đã cho ra sản phẩm hỗn hợp là phân hữu cơ đem ra sử dụng làm phân bón, loại phân này có tác dụng làm giảm mầm bệnh cho cây trồng, diệt trừ cỏ dại và vi khuẩn có hại do đã được ủ nóng sau một thời gian. Ngoài ra, một số khoáng chất được bổ sung trong phân còn tăng cường lượng Axit humic cùng với các axit mùn khác bón vào đất có tác dụng kích thích sự phát triển của hệ rễ để cây hấp thụ chất dinh dưỡng tốt hơn, sinh trưởng, phát triển mạnh hơn.

     Thực tế đã cho thấy, mô hình xử lý phế phẩm nông nghiệp đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Mặc dù hiện nay, phân khoáng được sử dụng trong nông nghiệp chiếm số lượng lớn nhưng để có năng suất cây trồng cao không thể thiếu được phân hữu cơ vi sinh bởi nếu chỉ bón phân khoáng đơn thuần thì không thể đạt năng suất mong muốn, hơn nữa độ phì nhiêu của đất dần dần giảm xuống. Việc sử dụng phân hữu cơ vi sinh có tầm quan trọng đặc biệt đối với Đà Lạt, không những làm cho môi trường trở nên sạch, đất tơi xốp, dễ canh tác, giữ nước nên tránh được xói mòn, mà còn trả lại cho đất những phần dinh dưỡng mà cây đã lấy đi, giảm thiểu được việc lạm dụng phân bón hóa học, góp phần xây dựng một nền nông nghiệp hữu cơ sạch và an toàn.

     Bên cạnh đó, phân vi sinh từ rác thải này sử dụng vào trồng rau, hoa thay thế cho một số loại phân khác, nhất là phân xác mắm (chất bã còn lại từ các loại cá biển sau khi sản xuất nước mắm), vốn được người trồng rau ở Đà Lạt sử dụng nhiều thập niên qua, làm đất trồng rau bị trơ, không thấm nước…

     Đặc biệt, việc đầu tư để thực hiện quy trình xử lý lại tốn chi phí rất thấp, dễ thực hiện và phù hợp với thực tế của các hộ sản xuất nông nghiệp ngay trên chính mảnh đất của gia đình mình.

     Có thể khẳng định, hiệu quả mô hình “Xử lý phế phẩm nông nghiệp ủ nóng thành phân hữu cơ” mang lại là rất lớn, không chỉ về mặt kinh tế mà cả ở khía cạnh môi trường, góp phần không nhỏ làm sạch “chất thải nông nghiệp” ở Đà Lạt. Hy vọng trong thời gian tới, mô hình này sẽ được nhân rộng để nơi nào trên cả nước cũng là một Đà Lạt xanh - sạch - đẹp.

 

Hồng Cẩm

Ý kiến của bạn